Chủ Nhật, 17/09/2017, 22:21 (GMT+7)
.
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang:

Hoạt động đối ngoại góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh

Ông Lưu Văn Phi
Ông Lưu Văn Phi.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả các mặt công tác đối ngoại, trong đó coi ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế là trọng tâm. Xung quanh vấn đề này, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang, khẳng định:

Về chính trị đối ngoại, các chuyến đi công tác nước ngoài của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã góp phần duy trì, phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Cụ thể như qua các cuộc tiếp xúc, làm việc, chào xã giao,... với chính quyền các tỉnh và thành phố nước ngoài và với các bộ, ban, ngành các nước, lãnh đạo tỉnh đã khéo léo lồng ghép vào nội dung làm việc, nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế, góp phần làm các nước hiểu rõ hơn về ta và tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam trên một số diễn đàn quốc tế liên quan vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển đảo, xử lý các vấn đề an ninh biên giới, an ninh phi truyền thống,...

Điển hình đối với Lào và Campuchia, qua quan hệ hợp tác với tỉnh Khăm Muộn – Lào và Pursat - Campuchia đã góp phần thiết thực vào việc nâng quan hệ với hai nước láng giềng đặc biệt này, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của chính giới các nước đối với bà con kiều bào của ta đang sinh sống và làm việc tại các nước. Với tỉnh Maputo – Mozambique, thông qua các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai tỉnh, đã góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ bạn trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản..., góp phần nâng uy tín của ta và cơ quan đại diện của ta đối với Chính phủ Mozambique.

Về kinh tế đối ngoại, xác định hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm trong hội nhập quốc tế cấp địa phương nên những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung vào những giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh, kết hợp không ngừng mở rộng các quan hệ hợp tác về kinh tế và thương mại – du lịch. Những chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo UBND tỉnh với địa phương các nước thời gian qua đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu lao động, thu hút khách du lịch,... 

Một số kết quả cụ thể như sau: Thu hút vốn FDI; thu hút vốn ODA; xuất nhập khẩu; thu hút khách du lịch; viện trợ phi chính phủ nước ngoài; tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước và Tiền Giang đến bạn bè thế giới; tăng cường kiến thức phục vụ công tác quản lý, công tác nghiệp vụ chuyên môn.

Thông qua các chuyến đi nước ngoài, bộ phận phục vụ luôn chuẩn bị các quyển thông tin về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tờ bướm, tập gấp, danh mục dự án kêu gọi đầu tư FDI, NGO, tài liệu giới thiệu về du lịch, văn hóa, ẩm thực của tỉnh,.... Nhờ vậy, đã góp phần quảng bá ngày càng sâu rộng về đất nước và con người Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng ra bên ngoài, giúp chính quyền địa phương và người dân các nước mà đoàn đến công tác hiểu rõ hơn về ta; và tranh thủ được sự ủng hộ của họ đối với ta ở một số diễn đàn quốc tế và khu vực. Đối với tỉnh Tiền Giang, các hoạt động trên đã góp phần tích cực vào công tác xúc tiến đầu tư và thương mại - du lịch trong các năm vừa qua.

Ông Lưu Văn Phi,
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang (thứ ba từ phải sang) trong một chuyến công tác.

+ Phóng viên: Ông hãy cho biết những điểm nổi bật của tỉnh ta đạt được thông qua công tác đối ngoại trong thời gian qua?

+ Ông Lưu Văn Phi: Điểm nổi bật của các chuyến công tác nước ngoài thời gian qua là tỉnh đã nghiên cứu và vận dụng một số mô hình phát triển như sau:

+ Triển khai và ứng dụng hiệu quả mô hình trồng dưa lưới, cà chua bi, rau ăn lá được trồng trong nhà lưới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và điện cho vùng trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo.

+ Thí điểm mô hình trồng thanh long theo hàng và từng bước thay đổi mô hình trồng thanh long truyền thống (theo trụ) kém hiệu quả như hiện nay.

+ Xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao của tỉnh theo mô hình Trung tâm Cải tạo giống Nông nghiệp tại Đài Loan với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

+ Ứng dụng một số kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại Hàn Quốc (Saemaul Undong) vào tỉnh như: Vận động nhân dân cùng tích cực đóng góp công sức, tiền của với Nhà nước để thực hiện đổi mới nông thôn, đặc biệt là phát huy tốt các phẩm chất “cần cù, tự lực và hợp tác” trong nhân dân.

+ Về tìm kiếm thị trường mới: Thông qua các lần tham dự Hội nghị liên kết doanh nghiệp 5 nước: Lào, Campuchia, Mianma, Việt Nam (CLMV) và Ấn Độ; tại Ấn Độ, tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu được sản phẩm cá tra của tỉnh vào thị trường này và sắp tới là trái thanh long. Vào cuối tháng 10-2017, tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp và Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo hợp tác về nông nghiệp và thủy sản giữa các tỉnh ĐBSCL với các đối tác Ấn Độ để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên.

+ Về thủy sản: Qua các chuyến công tác đi Hoa Kỳ, tỉnh xác định thị trường nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ là rất lớn, hiện vẫn còn nhiều dư địa. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược xuất khẩu phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Trong sản xuất con giống, yêu cầu tính chuyên môn hóa cao và nên hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Sắp xếp hợp lý nguồn lực để hàng năm đưa các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu thị trường Mỹ theo từng lĩnh vực là thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.

+ Phóng viên: Bên cạnh đó, ông có nhận xét gì về mặt còn hạn chế của công tác đối ngoại của tỉnh nhà trong thời gian qua?

+ Ông Lưu Văn Phi: Ngoài những tác động tích cực qua các chuyến đi nước ngoài thời gian qua, vẫn còn một số việc phải cân nhắc, rút kinh nghiệm. Cụ thể như về thành phần tham gia đoàn, trong giai đoạn 2012 – 2016, tỉnh có cử 2 đoàn đi Lào - Campuchia (đi bằng đường bộ) với số lượng khá đông (Năm 2014 – 32 thành viên và năm 2015 - 58 thành viên). Tuy nhiên do ta có quan hệ đặc biệt với 2 nước láng giềng này nên việc cử một số cán bộ trẻ cấp phòng đi là cần thiết cho sự hợp tác phát triển lâu dài giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Mặt khác do đi bằng đường bộ và chi phí sinh hoạt tại Lào và Campuchia cũng khá thấp nên cũng không chi nhiều từ ngân sách.

Nâng cao kiến thức về đối ngoại và hội nhập quốc tế rất cần thiết cho cán bộ, công viên chức tỉnh, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo trẻ và cán bộ lãnh đạo ở cấp huyện trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên thời gian qua, thành phần tham gia các đoàn đi nước ngoài đa số là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; chưa có điều kiện để bố trí cán bộ trẻ đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài và mở rộng kiến thức về các nước khu vực và thế giới; chưa có sự cọ xát quốc tế cần thiết để nâng tầm cán bộ.

Về đấu thầu kinh phí: Theo quy định, để chọn đơn vị cung ứng dịch vụ trọn gói trên 500 triệu đồng là phải tiến hành đấu thầu nhưng việc này rất khó thực hiện vì những lý do về đảm bảo an ninh chính trị, về chính trị nội bộ cũng như bí mật nhà nước, thủ tục cho các chuyến đi khá phức tạp, mất nhiều thời gian... Do vậy, nếu đầu thầu sẽ không kịp thời gian thực hiện các thủ tục liên quan.

Đối với các đoàn phải xin ý kiến chấp thuận của Trung ương về mặt nhân sự thường thời gian chuẩn bị cho chuyến đi rất cập rập. Vì tính chất quan trọng của các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh nên yêu cầu hướng dẫn viên phải có nhiều kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ và am hiểu địa bàn các nước; phát ngôn phù hợp và thông tin hướng dẫn chính xác,..

Kinh phí hằng năm dành cho hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế còn hạn chế, vì vậy việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài để củng cố quan hệ chính trị, học tập kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, bồi dưỡng kiến thức quản lý đô thị, giao thông, môi trường, giao lưu văn hóa... cũng chưa đáp ứng kịp tốc độ hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và quốc tế.

Kinh phí thực hiện công tác lễ tân, hậu cần, nhất là các khoản chi cho tặng phẩm, quà lưu niệm, liên lạc quốc tế,.... còn hạn chế, chưa tương xứng với các nước và không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ quản lý phần kinh phí phục vụ các đoàn đi nước ngoài sử dụng nguồn từ ngân sách của tỉnh, không quản lý kinh phí mà Trung ương hay các nhà tài trợ đài thọ nên phần đánh giá về hiệu quả sử dụng kinh phí cho các chuyến đi không được toàn diện như mong muốn.

Công tác báo cáo, đề xuất sáng kiến, kinh nghiệm và vận dụng vào thực tế sau chuyến đi còn hạn chế. Đa số các trường hợp đi nước ngoài về việc riêng có thực hiện báo cáo, nhưng nội dung báo cáo chỉ nêu lịch trình chuyến đi và không có đề xuất sáng kiến cũng như kinh nghiệm học được ở nước ngoài. Một số trường hợp đi nước ngoài (đa phần đi về việc công) có báo cáo đề xuất sáng kiến, kinh nghiệm, tuy nhiên không phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong nước nên không vận dụng được, chỉ để tham khảo.

+ Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

HỮU CHÍ (thực hiện)

Đối với tỉnh Tiền Giang, các hoạt động trên đã góp phần tích cực vào công tác xúc tiến đầu tư và thương mại – du lịch trong các năm vừa qua:

* Thu hút vốn FDI: Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 108 dự án có vốn FDI đến từ các nước và vùng lãnh thổ... đầu tư trên các lĩnh vực như: xử lý chất thải, may mặc, sản xuất thức ăn gia súc…. với tổng số vốn đầu tư 2,141 tỷ USD; và hiện đang có nhiều nhà đầu tư đã đến tỉnh để tìm hiểu về các dự án đầu tư mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.

* Thu hút vốn ODA: Tỉnh đã tiếp nhận nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nước, các tổ chức quốc tế là 784,725 tỷ đồng với các dự án như: Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học, Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án thành phố Mỹ Tho,...

* Xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2016 đạt 2,106 tỷ USD, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 5% so cùng kỳ; riêng 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao (1,28 tỷ USD), tăng 10,9% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong năm 2016, đạt 1.1 tỷ USD, tăng 2,2% so cùng kỳ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu đạt 505,8 triệu USD, đạt 38,9% kế hoạch.

* Thu hút khách du lịch của tỉnh cũng liên tục duy trì ở mức tăng trưởng cao qua các năm. Điều này không thể không nhắc đến hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu về tỉnh đến các nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài và kết nối giao thương của các đoàn lãnh đạo tỉnh nói chung và cán bộ, công chức tỉnh đi công tác ở nước ngoài nói riêng.

Cụ thể, số khách tham quan du lịch đến tỉnh năm 2016 đạt 1.591,3 ngàn lượt, đạt 104,7% kế hoạch, tăng 7,8% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 527,6 ngàn lượt, tăng 12,6% so cùng kỳ. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, số khách tham quan du lịch đến tỉnh ước đạt 837 ngàn lượt khách, tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 278,8 ngàn lượt, tăng 2,7% so với cùng kỳ.

* Về viện trợ phi chính phủ nước ngoài, thời gian qua, UBND tỉnh vận động được 35 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh và tiếp nhận khoảng 139 tỷ đồng viện trợ qua các chương trình, dự án mang tính từ thiện nhân đạo. Các khoản tài trợ trên đã góp phần thiết thực vào giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn và phải chi cho nhiều hạn mục chương trình, dự án khác nhau.

(Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang)

 

.
.
.