Thứ Hai, 06/11/2017, 08:15 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU LÊ QUANG TRÍ (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 7 vấn đề vào dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

Ngày 27-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy  sản (sửa đổi). Đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) tham gia ý kiến một số vấn đề sau:

Một là, tại khoản 18, Điều 3 giải thích “Hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển nguồn lợi thủy sản đánh bắt trong vùng nước tự nhiên”. Nội dung giải thích như vậy là chưa đầy đủ, vì hoạt động này còn bao gồm các hoạt động cung cấp nhiên liệu, nguyên liệu, thực phẩm, thuốc men cho các tàu cá; hoạt động thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến thủy sản… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung khoản này cho đầy đủ.

Hai là, khoản 1, Điều 5 quy định “Áp dụng cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, tiếp cận thận trọng và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản” là không cần thiết, chỉ cần quy định đảm bảo hoạt động thủy sản phát triển bền vững. Mặt khác, tại khoản 4, điều này quy định “Kết hợp chặt chẽ với bảo vệ quốc phòng”, đề nghị Ban soạn thảo viết lại khoản này như sau: “Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”. Ngoài ra, trong điều này còn thiếu một nguyên tắc quan trọng, đó là bảo vệ môi trường, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này để quy định của luật được đầy đủ và chặt chẽ.

Ba là, điểm a, khoản 2, Điều 6 quy định về phát triển khoa học, công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong lĩnh vực giống thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào luật nội dung vào quy định “Ưu tiên nghiên cứu về thuốc thủy sản, về phòng và chữa bệnh thủy sản”, vì hiện nay người dân nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm luôn lo lắng về bệnh trên tôm, bởi một số bệnh trên con tôm chưa có thuốc chữa.

Nếu chúng ta không ưu tiên nghiên cứu lĩnh vực này, khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi tôm sẽ mất trắng, lâm cảnh nợ nần. Mặt khác, khoản 3, điều này quy định về việc Nhà nước khuyến khích đầu tư, đề nghị bổ sung nội dung “Nhà nước khuyến khích đầu tư hậu cần nghề cá” để thống nhất với quy định tại khoản 2, Điều 100 của luật này.

Bốn là, khoản 12, Điều 7 chỉ quy định cấm xả thải tại khu vực cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão là chưa đầy đủ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi cấm xả thải để bảo đảm bảo vệ môi trường, để hoạt động thủy sản phát triển bền vững. Ngoài ra, trong điều này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản quy định cấm khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép trong vùng biển nước ngoài, vì việc khai thác trái phép ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, cũng như xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Năm là, tại điểm c, khoản 1, Điều 42, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quyền của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, để thống nhất với quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 52 của luật này. Mặt khác, tại khoản 2, điều này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh vào điểm đ, khoản 2, điều này. Ngoài ra, tại điểm i, khoản 2, điều này quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản “cập nhật thông tin, báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia” là chưa rõ (báo cáo nội dung gì, gửi cho cơ quan nào, tần suất báo cáo?...). Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết điểm này.

Sáu là, tại khoản 2, Điều 50, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung điều kiện “có thiết bị giám sát hành trình” để cơ quan quản lý có thể giám sát chặt chẽ hành trình tàu cá Việt Nam.

Bảy là, trong khoản 1, Điều 58, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung quy định điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ của giám sát viên và tại khoản 2, điều này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung “các nội dung giám sát khác được ghi trong giấy phép”.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.