Thứ Năm, 23/11/2017, 06:42 (GMT+7)
.

Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ

Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp đã phát xít hóa bộ máy cai trị, tăng cường mật thám, binh lính, đóng thêm nhiều đồn bót, thường xuyên theo dõi các hoạt động của các tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh của nhân dân; đồng thời lùng sục, bắt bớ, đưa đi giam cầm cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước tiến bộ...

 Nhà việc Điều Hòa - nơi tạm thời giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Nhà việc Điều Hòa - nơi tạm thời giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.

Thực dân Pháp ra sức vơ vét sức người, sức của một cách tàn bạo như: Tăng giờ làm từ 8 giờ/ngày lên 10 giờ đến 12 giờ/ngày, tăng thu các loại thuế cũ, bày ra đủ các loại thuế mới, nâng hạng ruộng đất lên một bậc để thu thuế. Chúng còn đề ra nhiều loại thuế khác như: Thuế phòng ngủ, thuế cư ngụ, thuế vệ sinh; thậm chí cưới gả, ma chay, bốc mộ… cũng phải đóng thuế. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn ban hành lệnh tổng động viên bắt lính, đưa thanh niên tuổi từ 18 đến 23 sang chính quốc làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhà việc Điều Hòa là địa điểm bắt, tuyển lính của chúng. Các chính sách hà khắc của thực dân Pháp đã tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần và vật chất của các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, gây sự phẫn nộ trong nhân dân thị xã Mỹ Tho.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam kỳ về sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược quan trọng, Đề cương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền…, đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã củng cố lại, đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy đã quyết định rút một số cán bộ hợp pháp, nửa hợp pháp vào hoạt động bí mật; chuyển trọng tâm công tác từ nội thị về nông thôn, nhưng vẫn duy trì số cán bộ, tập trung phát triển lực lượng cách mạng ở thị xã Mỹ Tho. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các chi bộ trực thuộc Thị ủy Mỹ Tho khẩn trương củng cố lại các tổ chức cơ sở đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho phong trào đấu tranh cách mạng tiếp theo.

Khám đường Mỹ Tho - nơi giam giữ cán bộ cách mạng bị địch bắt  (từ năm 1930 đến 1975).
Khám đường Mỹ Tho - nơi giam giữ cán bộ cách mạng bị địch bắt (từ năm 1930 đến 1975).

Thực hiện chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức nhiều hội nghị bàn những biện pháp cụ thể chuẩn bị cho khởi nghĩa; tổ chức, huấn luyện các đội du kích; hình thành các ban chuyên môn cần thiết phục vụ cho khởi nghĩa; thành lập các Ủy ban khởi nghĩa do Đảng trực tiếp lãnh đạo. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, các chi bộ tích cực xây dựng và tăng cường khả năng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng. Các đội tự vệ vũ trang được hình thành. Tại Hãng Xáng có 2 tiểu đội, Xưởng mộc Sở Trường Tiền có 1 tiểu đội, các đội tự vệ được trang bị vũ khí thô sơ (gươm, giáo, gậy tầm vong...). Các chi bộ ở cấp xã, khu phố tiến hành vẽ cờ, viết khẩu hiệu, truyền đơn, chuẩn bị mõ, trống; đồng thời quyên góp tiền, gạo sẵn sàng tham gia, ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết vạch mặt thực dân Pháp, phát xít Nhật, kêu gọi nhân dân chống khủng bố, chống bắt lính… đã  thu hút đông đảo quần chúng hưởng ứng. Ngoài ra, để đảm bảo việc chỉ đạo kịp thời, thông suốt trong quá trình khởi nghĩa, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã tổ chức mạng lưới giao thông nhiều tuyến, trong đó có trạm giao liên của Tỉnh ủy được đặt gần cầu sắt Trung Lương.

Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, Cờ đỏ sao vàng được treo trên ngọn cây bàng tại đình Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Chính nơi đây ra đời và thực thi thể chế dân chủ cộng hòa, nơi Cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta, nơi lực Lượng vũ trang thành lập sớm (ngày 12-8-1940). Khi khởi nghĩa diễn ra, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho chuyển sang thực thi chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng, trụ sở đặt tại đình Long Hưng. Trước cổng đình Long Hưng có treo Quốc hiệu: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”. Cuộc khởi nghĩa diễn ra tại 70/123 xã của tỉnh Mỹ Tho.

Mọi công tác chuẩn bị khởi nghĩa theo kế hoạch đã được các chi bộ trực thuộc Thị ủy Mỹ Tho hoàn thành cơ bản vào trung tuần tháng 11-1940. Đúng 21 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ nhanh chóng được chuyển đến, quy định vào lúc 0 giờ ngày 23-11-1940. Do kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn bị lộ, nên tại Mỹ Tho thực dân Pháp đã tổ chức bố trí canh phòng rất cẩn mật. Chúng huy động lính tập, mã tà, khố xanh, mật thám chốt giữ các trọng điểm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát gắt gao và ban hành lệnh giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng. Mặc dù kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp đã tổ chức phòng bố nghiêm ngặt, nhưng cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho vẫn nổ ra đúng giờ quy định. Riêng thị xã Mỹ Tho tuy không diễn ra khởi nghĩa vũ trang, song các chi bộ cấp xã, khu xóm lao động đã đồng loạt rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm, dán và viết khẩu hiệu trên tường ở một số tiệm buôn, trường học…, với nội dung “Hoan hô cuộc khởi nghĩa, chống địch khủng bố đàn áp, đòi bãi bỏ giới nghiêm”. Các xã, ngoài việc treo cờ, rải truyền đơn, dán và viết khẩu hiệu trên thân cây, vách nhà địa chủ, tề làng, còn đánh trống, mõ, đốn cây làm vật cản lộ Đông Dương để ngăn chặn, làm chậm bước hành quân của địch. Ngoài ra, xã Trung An và xã Đạo Thạnh còn phối hợp với các xã Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Long An đánh chiếm đồn Chợ Bảng, bắt sống 5 tên, thu 6 súng.

Trước sự nổi dậy khởi nghĩa mạnh mẽ của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, buộc thực dân Pháp phải điều tiểu đoàn 3, thuộc trung đoàn 5 lê dương, cùng với lính khố xanh, khố đỏ, mã tà về Mỹ Tho phòng thủ và mở các cuộc hành quân rộng lớn đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong tỉnh Mỹ Tho và thị xã Mỹ Tho. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các chi bộ trực thuộc Thị ủy Mỹ Tho đã quyết định cho cán bộ, đảng viên phân tán, rút vào hoạt động bí mật để bảo tồn lực lượng, chờ thời cơ mới.
Tuy cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Mỹ Tho bị thất bại, nhưng ý nghĩa lịch sử rất to lớn, thể hiện lòng yêu nước của quần chúng, sự căm thù của nhân dân đối với thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước, khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng đã đi vào cuộc sống của quần chúng.

HỒNG LÊ

.
.
.