Thứ Sáu, 01/12/2017, 21:32 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN HOÀNG MAI (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 5 vấn đề vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Ngày 21-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, việc sửa đổi Luật này là vấn đề rất khó, bởi việc xây dựng pháp luật trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay phải cần cả hệ thống pháp luật, chứ không chỉ một dự án luật như vậy, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.

 

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: Tán thành quan điểm ủng hộ việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài Nhà nước, nhưng cần phải làm rõ tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước và trong khu vực Nhà nước có gì khác biệt không, từ đó cần thiết có những quy định phù hợp để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm một số dạng tổ chức khác ngoài Nhà nước mà chúng ta nên điều chỉnh, đó là các công ty đầu tư chứng khoán, công ty bảo hiểm và các quỹ cộng đồng.

Thứ hai, cần giải thích rõ cụm từ “vụ lợi” được quy định tại khoản 4, Điều 4, nhằm làm rõ mục đích của tham nhũng.

Thứ ba, về quy định ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 23 đã thể hiện sự mở rộng so với Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; tuy nhiên, việc mở rộng này chưa thể hiện cơ sở lý luận thực tiễn, căn cứ pháp lý, cũng như kinh nghiệm quốc tế và đánh giá tác động khi mở rộng các quy định trong Điều 23.

Cụ thể hơn, tại điểm b, khoản 2 quy định cán bộ, công chức, viên chức không được là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học..., sẽ cản trở quyền tự do tham gia các hoạt động kinh tế của các cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí tước bỏ quyền thừa kế tài sản. Ví dụ, 1 người con thừa kế của  người cha đang làm chủ một doanh nghiệp, sau khi người cha mất thì cổ phần đó chuyển sang người con được xem xét thế nào?

Tại điểm a, khoản 3 quy định về việc người đứng đầu và cấp phó thì không được tuyển dụng người thân thiết vào một số vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng theo danh mục của Chính phủ. Quy định này liên quan đến quyền làm việc của công dân, do đó đã liên quan đến cản trở quyền, vì vậy danh mục phải ban hành kèm theo luật, nếu vị trí có nguy cơ tham nhũng không quá rộng thì chúng ta quy định cụ thể vào trong luật.

Điểm b, khoản 3 quy định mở rộng người đứng đầu cấp phó không được để người thân, trong đó mở rộng đến anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh chồng, chị em chồng, chị vợ, em vợ tham gia quản lý các doanh nghiệp... là không có cơ sở, Bởi vì, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, một số đối tượng mở rộng ra thì cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình, cũng không được coi là thành viên gia đình và cũng không phải là người thân thích theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu chúng ta quy định như vậy sẽ xảy ra những trường hợp mâu thuẫn có thể phát sinh, thậm chí là từ mặt nhau, nếu anh chị em vợ, anh chị em chồng vẫn kinh doanh trong những lĩnh vực một người nào đó được bổ nhiệm phụ trách...

Vì vậy, việc mở rộng những người có quan hệ thân thích đối với bản thân những người này thì chúng ta sẽ đưa vào dạng gọi là các trường hợp khả năng xung đột lợi ích và được kiểm soát bằng các quy định khác, tức là quy định tại các điều 28, 29, 30 của dự thảo Luật.
Thứ tư, về kê khai tài sản, thống nhất với quan điểm cho rằng khả năng tham nhũng, mức độ tham nhũng không phụ thuộc vào hệ số chức vụ phụ cấp chúng ta đã định ra, mà chính là phụ thuộc vào vị trí việc làm. Do đó, đề nghị xem xét quy định cụ thể tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều kê khai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta xử lý bản kê khai này như thế nào, trường hợp nào thì chúng ta sẽ đi xác minh, trường hợp nào thì chúng ta sẽ công khai ở cơ quan hoặc công khai rộng hơn để việc kê khai này là một cơ sở dữ liệu trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Riêng việc công khai thì cần phải phân ra từng nhóm đối tượng và quy định một số nhóm đối tượng phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân biết.

Tuy nhiên, về việc kê khai tài sản có một vấn đề cần quan tâm, đó là thực tế hiện nay việc kê khai còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả và tương lai sắp tới khi người ta có nhiều cách giấu tiền, đặc biệt là qua tiền ảo, tiền điện tử thì việc kê khai sẽ rất khó kiểm soát. Đề nghị các cơ quan chức năng phải lưu ý vấn đề này, để việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức được chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó, còn có những vấn đề cần nghiên cứu để bổ sung quy định trong luật, như việc mượn tên người khác, người thân thích để có thể đứng ra làm chủ sở hữu tài sản, sau đó giữa họ chỉ có những giấy tờ cam kết có giá trị với nhau thôi.

Thứ năm, ngoài những vấn đề nêu trên, đề nghị quan tâm đến một số vấn đề khác như:

Một là, trong báo cáo đánh giá về nguy cơ tham nhũng, về nguyên nhân có đề cập đến vấn đề do hệ thống trong thể chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội nhiều lĩnh vực còn bất cập, công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế xin - cho, là điều kiện dung dưỡng, làm nảy sinh tham nhũng. Vì vậy đề nghị các luật và pháp lệnh cần thiết quy định cụ thể việc thẩm định, thẩm tra về nguy cơ xảy ra tham nhũng trong dự án như thế nào để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.

Hai là, về thẩm quyền của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng: Thời gian qua, có thực trạng một số vụ án tham nhũng lớn khi cơ quan điều tra vào cuộc thì đối tượng đã bỏ trốn. Do đó, đề nghị trước khi thực hiện hoạt động tố tụng thì có thể quy định mở rộng quyền cho một số cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng trong vấn đề kiểm soát đặc biệt đối với những người có liên quan, có khả năng liên quan để việc xử lý đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo sự răn đe chung và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.