Thứ Sáu, 19/01/2018, 21:35 (GMT+7)
.

Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương họp phiên toàn thể thứ hai

Chiều 19-1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) họp Phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức APPF-26.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức

Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của các phiên thảo luận toàn thể về chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, hợp tác phát triển kinh tế khu vực. Đây là những vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động qua lại và gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nền tảng phát triển bền vững hơn trong khu vực theo tinh thần chủ đề hội nghị: “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững.”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Trong bối cảnh thách thức trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ cùng những quan điểm khác biệt về hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng tăng, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực càng phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu mới đối với các chủ thể kinh tế tham gia, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Yêu cầu ấy càng bức thiết hơn đối với các doanh nghiệp MSME, vốn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong khu vực, trong đó ở Việt Nam chiếm đến 97%. Đây là những chủ thể kinh tế không có lợi thế về quy mô nhưng lại rất chủ động, linh hoạt, dễ thích ứng. Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp này vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh” để định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, tránh rủi ro tiềm ẩn.”

Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp MSME cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, có tư duy mới về cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa và phát triển những hướng kinh doanh mới như thương mại điện tử, cả trong phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia. Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ phù hợp để tuân thủ và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc gia và quốc tế, đặc biệt cần có chiến lược và giải pháp cụ thể tham gia vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở tầm vĩ mô, các quốc gia cần tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để các chuẩn mực quốc tế, trong đó có quản trị, công nghệ và môi trường, trở thành động lực chứ không phải rào cản đối với sự phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thực tiễn cho thấy, việc hiện thực hóa các cơ hội từ thị trường rộng lớn của khu vực và từ cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nỗ lực không chỉ của từng quốc gia mà còn trong liên kết hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt điều này, nhất là nỗ lực cải cách thể chế, chính sách tạo đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó ban hành riêng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ và đang tập trung làm tốt hơn việc rà soát, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách trên cơ sở nguyên tắc thị trường, tôn trọng cạnh tranh bình đẳng và công khai minh bạch.

Phó Thủ tướng mong muốn tại Diễn đàn quan trọng này, đại diện các Nghị viện và từng nghị sĩ, những người lập pháp, đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức, vượt qua những khác biệt, hướng đến sự phát triển thịnh vượng, bền vững của khu vực và toàn cầu

zxc
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của APPF-26. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chia sẻ các giá trị và mục tiêu chung

Tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo với Nghị viện các quốc gia kết quả các hoạt động trong năm 2017 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và chia sẻ cơ hội, tầm nhìn mới đối với Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỷ sắp tới.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC cũng là thành viên APPF, hai cơ chế hợp tác đa phương này có mối quan hệ chặt chẽ và chia sẻ nhiều giá trị, mục tiêu chung. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng, có nhiều lĩnh vực APPF và APEC có thể bổ trợ lẫn nhau, cụ thể là thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng trưởng bền vững và phát triển bao trùm; làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập kinh tế khu vực; ủng hộ hệ thống thương mại đa biên; an ninh lương thực; doanh nghiệp MSME; trao quyền cho phụ nữ.

Đồng quan điểm, thượng nghị sỹ Yuen Paul Woo (Canada) cho rằng, các quốc gia trong APEC cũng như APPF cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để hoàn thành các mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực. Theo thượng nghị sỹ Yuen Paul Woo, mỗi quốc gia đều có những thách thức cụ thể. Nếu các quốc gia cùng chung tay hợp tác sẽ hiểu được những khó khăn chung, những công việc cần thực hiện. Khi có sự chia sẻ, các nước trong APPF sẽ đảm bảo được ý chí chính trị chung, từ đó vượt qua khó khăn, hướng tới hợp tác lâu dài, ổn định, cam kết hoàn tất những hiệp định thương mại tự do về phát triển kinh tế và hội nhập khu vực.

Cần có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp MSME

Đại diện Nghị viện Indonesia, nghị sỹ Nurhayati Ali Assegaf khẳng định, liên kết kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tạo ra lợi ích chung cho người dân khu vực. Khi nền kinh tế này tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm 2013, Indonesia đã nỗ lực thiết lập khuôn khổ kết nối chung của APEC. Tuyên bố chung của APEC 2017 cũng tiếp nối mục tiêu kết nối kinh tế sâu rộng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các Nghị viện trong khu vực cũng hỗ trợ quá trình này bằng những chính sách thuận lợi hóa thương mại, thành lập, vận hành doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thông qua nâng cao sức cạnh tranh, thuận lợi hóa về hải quan.

Nghị sỹ Nurhayati Ali Assegaf cho biết, hiện Indonesia đã miễn visa cho 93 nước và ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ thúc đẩy đầu tư. Khẳng định tầm quan trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đối với phát triển kinh tế khu vực, nghị sĩ Nurhayati Ali Assegaf cho rằng, các quốc gia APPF cần có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp MSME để nâng cao vai trò của các thành viên nền kinh tế, từ đó tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế khu vực, thúc đẩy bình đẳng giới…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, doanh nghiệp MSME là nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời là một nhân tố quan trọng trong các liên kết kinh tế song phương và đa phương. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là công nghệ số, các doanh nghiệp này là đối tượng dễ bị tổn thương do hạn chế về quy mô, năng lực tài chính và trình độ công nghệ.

Các nước thành viên APPF đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm đảm bảo cung ứng lương thực lâu dài và bền vững, các thành viên APPF đã hợp tác trong quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, đất, rừng… Các quốc gia APPF cũng đã đẩy mạnh phát triển nông thôn-thành thị bền vững, tăng cường đầu tư nâng cao năng suất và mở rộng thị trường nông sản.

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ này, không thể phủ nhận sự nỗ lực của Nghị viện các nước thành viên APPF nói chung trong việc hình thành và giám sát các khuôn khổ thể chế tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu các biện pháp bảo hộ thương mại. Cũng qua hội nghị lần này, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị Nghị viện các nước thành viên APPF tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các thành viên, tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp MSME, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.

APPF là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất. Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết cùng chung tay với các nghị viện thành viên APPF tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư; theo đuổi mục tiêu liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện; khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ doanh nghiệp MSME trong kỷ nguyên số, tăng cường hợp tác an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/dien-dan-nghi-vien-chau-athai-binh-duong-hop-phien-toan-the-thu-hai/484830.vnp)

.
.
.