Thứ Sáu, 12/01/2018, 10:51 (GMT+7)
.

Sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Những nhà báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã không sợ khó, không ngại khổ, không sợ hy sinh, xông pha trước bom đạn của quân thù ở chiến trường, len lỏi cùng sống với nhân dân, với bộ đội để tìm hiểu cuộc sống, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đối với họ, được viết về cuộc chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ là niềm tự hào và họ sẵn sàng cầm bút ra chiến trường...

Các phóng viên Báo Ấp Bắc thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các phóng viên Báo Ấp Bắc thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“PHẢI RA TRẬN MẠC MỚI CÓ CHẤT MÀ VIẾT”

Năm 1965, ở Gò Công, địch bình định rất ác liệt. Nhà báo Vũ Sương, phóng viên của Báo Ấp Bắc được phân công xuống Gò Công để nắm tình hình, viết bài phản ánh cuộc kháng chiến của quân và dân Gò Công chống địch gom dân lập ấp chiến lược. Đồng chí thâm nhập vào lực lượng bộ đội đang đóng ở căn cứ xã Kiểng Phước, đang chuẩn bị đánh đồn địch ở Vàm Láng. “Phải ra trận mạc mới có chất mà viết” - đồng chí luôn nghĩ vậy.

Đêm 28-10-1965, nhà báo Vũ Sương sắp xếp đồ đạc gọn gàng gồm: Bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn và cây súng carbine, rồi cùng bộ đội ra chiến trường tìm “chất liệu” viết bài cho báo. Đại đội 206 địa phương quân Gò Công nổ súng công đồn Vàm Láng lúc trời mưa, diệt gọn đồn bảo an cấp đại đội của địch.

Trong lúc ta và địch giao tranh ác liệt, nhà báo Vũ Sương bị thương gãy chân. Khi rút quân, đồng chí lạc ra thớt cá Vàm Láng, bị địch phát hiện, bắn đồng chí hy sinh. Nhà báo Vũ Sương - một cây bút đầy nhiệt huyết đã yên nghỉ vĩnh viễn trên đất Gò Công, nhưng những bài viết của đồng chí vẫn lưu truyền mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Tối 18-12-1967, tại vùng Đất Sét xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, nơi trụ sở của Tiểu ban Thông tấn - Báo chí Tỉnh ủy Mỹ Tho đang đóng quân, các đồng chí làm báo cùng nhau làm bữa cơm chia tay, để sáng hôm sau mọi người đi xuống chiến trường tác nghiệp.

Lúc đó, nhà báo Thái Phong đang ngồi thổi lửa, nhà báo Năm Hưởng ngồi phía sau, địch đang bắn pháo về phía xã Mỹ Thiện, bất ngờ chúng đổi hướng sang xã Hòa Khánh, tiếng pháo nổ sát bên căn cứ, nhà báo Năm Hưởng bị một mảnh pháo địch ghim vào giữa trán. Gần một giờ sau, nhà báo Năm Hưởng đã bỏ lại đồng đội, ra đi trong vô vàn tình yêu thương của mọi người.

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức truy điệu và chôn cất nhà báo Năm Hưởng xong, cánh nhà báo chia tay nhau đi xuống chiến trường. Chuyến đi này, mỗi người gói theo hành trang nặng trĩu tình yêu thương đồng đội, với quyết tâm dùng ngòi bút của mình để lột tả những tội ác của giặc Mỹ đã gây ra cảnh đau thương, mất mát cho đồng bào, đồng chí của mình.

“TÌM VIỆC MÀ VIẾT, TÌM GIẶC MÀ ĐÁNH”

Phóng viên Tuấn Ngọc có tên là Lư Văn Quảng, sinh năm 1942, quê xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đầu năm 1965, Tuấn Ngọc được cơ sở cách mạng đưa vào vùng giải phóng, được chọn đưa về công tác ở Tiểu ban Báo chí và làm phóng viên Báo Ấp Bắc.

Phóng viên Tuấn Ngọc sớm nhận thức cây bút cũng là một thứ vũ khí, phóng viên cũng là chiến sĩ. Không chỉ là vũ khí, chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận tư tưởng qua tin, bài của mình, mà còn là chiến sĩ trực tiếp cầm súng, cầm lựu đạn đánh địch.

Tuấn Ngọc thường là tay bút, tay súng đến các địa bàn ta và địch đang tranh chấp ác liệt để lấy tin, viết bài, đi một cách hăm hở, tự nguyện. Khi thâm nhập vào các đơn vị bộ đội, du kích, Tuấn Ngọc đều được bộ đội, du kích hoan nghênh, quý mến, vì vừa được tăng cường tay súng, vừa được động viên qua những bản tin, bài báo của phóng viên - chiến sĩ Tuấn Ngọc.

Lúc ở căn cứ, Tuấn Ngọc là chiến sĩ bảo vệ gài lựu đạn đánh ngăn chặn địch, trèo lên cây canh gác, theo dõi địch... Lúc đi cơ sở, phóng viên Tuấn Ngọc luôn được cán bộ cơ sở và nhân dân yêu mến.

Trung tuần tháng 4-1968, ở Gò Công, địch liên tiếp mở nhiều cuộc càn quét bao vây căn cứ Bình Xuân hòng tiêu diệt Tiểu đoàn 514B của tỉnh. Phóng viên Tuấn Ngọc được phân công xuống tỉnh Gò Công để viết bài cho Báo Ấp Bắc và Tập san Văn nghệ tỉnh Mỹ Tho.

Vào buổi chiều của tháng 4-1968, sau chuyến đi thâm nhập Tiểu đoàn 514B, Tuấn Ngọc từ xã Tân Bình Điền (nay là xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông), đang gói hành trang, những bài báo mới viết xong... để chuẩn bị theo giao liên về căn cứ Báo Ấp Bắc (đang đóng ở huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), thì có tin địch càn vào xã.

Từ xóm nhà đồng bào ngoài đồng trống, phóng viên Tuấn Ngọc cùng đồng đội và đồng bào chạy về hướng biển, nơi có một vạt rừng để tránh cuộc càn của địch. Trên đường đi, bị máy bay trinh sát “đầm già” (L19) của địch phát hiện, chúng lao xuống bắn rốc két liên hồi, phóng viên Tuấn Ngọc trúng đạn hy sinh.

Tuấn Ngọc mất đi, nhân dân Gò Công và Báo Ấp Bắc luôn ghi tạc những năm tháng thực thi nhiệm vụ của người phóng viên bất tử trên mảnh đất quê hương.

Trong chiến tranh, hành trang của người làm báo chỉ có cái ba lô, khẩu súng, cây viết và trái lựu đạn gài, nhưng với tinh thần sẵn sàng “tìm việc mà viết, tìm giặc mà đánh”, cánh nhà báo không thể ngồi chờ bộ đội thắng trận trở về mới tới hỏi han, ghi chép, mà phải vào trận như người lính. Một bài báo viết trên chiến trường có cả chiến công và máu của đồng đội mình.

Trong chiến dịch mùa khô năm 1974, giới làm báo rất băn khoăn: Làm sao khi kết thúc trận tấn công phải chuyển cho được những tin, bài, ảnh về Báo Ấp Bắc để được duyệt, lên khuôn in và phát hành đúng theo yêu cầu.

Chiến thắng Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) là trận mở màn của chiến dịch vừa giành thắng lợi, các phóng viên trở về căn cứ Báo Ấp Bắc giữa lúc chiến trường Mỹ Tho vào cao điểm của những trận đánh công đồn, đả viện của quân và dân ta.

Ban Biên tập Báo Ấp Bắc nhận được bài  ký “Từ mặt trận Vĩnh Kim” của tác giả Tiền Phong và một loạt tin chiến thắng của các phóng viên Báo Ấp Bắc từ các chiến trường gửi về, liền duyệt, lên khuôn, nhân viên nhà in cố gắng thức in trong đêm để sáng kịp phát hành đến trạm giao liên.

Các trạm giao liên khi nhận Báo Ấp Bắc, dù khó khăn cách mấy cũng phải chuyển đi đến nơi cho kịp thời. Đồng bào ở vùng địch tạm chiếm chuyền tay nhau xem Báo Ấp Bắc để biết tin chiến sự, biết tình hình khắp nơi và hỗ trợ cho cách mạng lúc khó khăn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều phóng viên của Báo Ấp Bắc đã hy sinh trên đường tác nghiệp, để lại trong trái tim bao người về một thời làm báo khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.

HỒNG LÊ

.
.
.