Thứ Ba, 02/01/2018, 09:54 (GMT+7)
.

Tác động của Chiến thắng Ấp Bắc đối với chính quyền Sài Gòn

Kể từ sau Đồng khởi năm 1960, phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam phát triển như vũ bão. Để đối phó, năm 1961, Mỹ cho tiến hành ở miền Nam chiến lược “chiến tranh đặc biệt”; trước hết, Mỹ cho triển khai kế hoạch Staley - Taylor, nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, với ba biện pháp chiến lược như sau: Một là, tăng cường ngụy quân do cố vấn Mỹ chỉ huy, áp dụng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng còn đang nhỏ yếu. Hai là, giữ vững thành thị, dập tắt các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng ở đô thị và tiến hành bình định vùng nông thôn bằng quốc sách “ấp chiến lược”. Ba là, phong tỏa biên giới, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Mặc dù được quảng cáo và triển khai rầm rộ, nhưng kế hoạch Staley - Taylor bị quân và dân miền Nam liên tiếp đánh bại.

Mít tinh kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Ấp Bắc.                                              Ảnh: TƯ LIỆU
Mít tinh kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: TƯ LIỆU

Điển hình là Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 ở xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy). Đây là lần đầu tiên, ở giữa đồng bằng, quân giải phóng và du kích với lực lượng chưa tới một tiểu đoàn, trang bị kém đã đánh thắng cuộc hành quân càn quét của địch có quân số đông hơn hàng chục lần, có sức cơ động cao, có vũ khí tối tân và được sự yểm trợ mạnh về hỏa lực. Chiến thắng Ấp Bắc “báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, thiết giáp của Mỹ - ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của quân, dân miền Nam” (Báo cáo chính trị của Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7-1973). Với trận Ấp Bắc “Mỹ thấy không thể thắng được ta trong chiến tranh đặc biệt” (Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Đồng thời, chiến thắng này cũng chứng tỏ chính quyền Diệm đã bất lực trước phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Nam.

Như vậy, sau hơn 2 năm thực hiện kế hoạch Staley - Taylor, Mỹ vẫn không thể cải thiện được tình hình ở miền Nam. Mỹ cho rằng, nguyên nhân chính để dẫn tới thực trạng bi đát đó là do sự bất tài của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ đó, Mỹ vạch kế hoạch đảo chính lật đổ ông Diệm. Đầu tháng 8-1963, Mỹ triệu hồi đại sứ Nolting về nước; thay vào đó là “chuyên gia lật đổ” Henry Cabot Lodge. Ngày 24-8-1963,chính phủ Mỹ điện cho Cabot Lodge phải ép ông Diệm cách chức ông Nhu và đe dọa ông Diệm về khả năng một cuộc đảo chính sẽ diễn ra nếu tổng thống Diệm không tuân phục. Trong nội bộ chính quyền và quân đội Sài Gòn, mâu thuẫn cũng không thể dàn xếp được.

Ngày 1-11-1963, dưới sự giật dây của Mỹ, các tướng lĩnh của quân đội Sài Gòn do tướng Dương Văn Minh đứng đầu đã tiến hành cuộc đảo chính, giết chết anh em Diệm - Nhu. Với cuộc đảo chính này, Mỹ hy vọng chính quyền Sài Gòn sẽ ổn định và mạnh hơn để tập trung toàn lực trong việc chống đỡ các cuộc tiến công của quân và dân miền Nam. Nhưng trái lại, tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Bọn tay sai mới của Mỹ lại hung hăng đấu đá, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Chính quyền Sài Gòn - công cụ chủ yếu thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - đã lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Từ tháng 11-1963 đến tháng 6-1965, ngụy quyền trung ương đã có hơn 10 cuộc đảo chính, chỉnh lý thanh trừng lẫn nhau; đến nổi đại sứ Mỹ tại miền Nam là Taylor đã bực dọc nói thẳng vào mặt của bọn này: “Người Mỹ chúng tôi chán ngấy về những cuộc đảo chính này rồi. Từ nay, người Mỹ chúng tôi không thể nào ủng hộ các ông nữa nếu như các ông cứ gây ra những chuyện như vậy”.

Nhân lúc đó, quân và dân miền Nam đẩy mạnh thế chiến lược tiến công theo phương châm hai chân (chính trị - vũ trang), ba mũi (chính trị - quân sự - binh vận) trên cả 3 vùng chiến lược (nông thôn đồng bằng, nông thôn rừng núi, đô thị), giành được những thắng lợi vang dội. Đến cuối năm 1963, kế hoạch Staley - Taylor bị phá sản hoàn toàn, trong đó quan trọng nhất là chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” bị đánh bại nặng nề và quốc sách “ấp chiến lược” không thực hiện được như kế hoạch ban đầu.
Như vậy, Chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân ta không chỉ là một thắng lợi quân sự mà còn là một đòn “điểm huyệt” chí mạng vào sự sụp đổ của chính quyền Diệm, dẫn tới sự khủng hoảng trầm trọng của chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho phong trào cách mạng miền Nam phát triển liên tục và giành được những thắng lợi ngày càng to lớn.

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

.
.
.