Thứ Sáu, 23/02/2018, 10:28 (GMT+7)
.

Những vấn đề cơ bản về kê khai tài sản, thu nhập của CBCC

Thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 3 thập kỷ qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, đất nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn. 4 nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng (tháng 1-1994) nêu ra vẫn tồn tại và diễn biến ngày càng phức tạp. Một trong những nguy cơ đang gây cản trở lớn cho công cuộc đổi mới là tệ tham nhũng.

Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực; các vụ tham nhũng được phát hiện ngày càng lớn, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (CBCC).

Theo quy định của pháp luật, thời điểm hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tiến hành các bước thủ tục kê khai, công khai tài sản, thu nhập của CBCC. Để hiểu sâu hơn về biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của CBCC, xin nêu những vấn đề cơ bản về nội dung này.

1. Với việc ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998, Việt Nam đã thực hiện việc kê khai tài sản - một nội dung của cơ chế minh bạch tài sản.

Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống minh bạch tài sản ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở kê khai tài sản đơn thuần, còn thiếu nhiều yếu tố để Nhà nước có thể kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của CBCC. Với tinh thần đó, việc minh bạch tài sản, thu nhập của CBCC đã khác với trước kia chỉ quy định về kê khai tài sản, thu nhập của CBCC; nay mục tiêu là tiến tới minh bạch tài sản, thu nhập của CBCC.

Nghị định 64 của Chính phủ (tháng 8-1998) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 nêu rõ: Mục đích của việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết được tài sản của người kê khai, phục vụ công tác quản lý CBCC, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Và việc kê khai không nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản kê khai của người kê khai.

Đến năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 64, mục đích của việc kê khai tài sản cũng có sự thay đổi, đáng chú ý là: Việc kê khai nhà, đất, cơ sở sản xuất, kinh doanh của CBCC nhằm mục đích công khai, minh bạch về tài sản, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, quần chúng tham gia giám sát, nhất là giám sát việc hình thành những tài sản mới, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đối với việc kê khai tài sản của những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì mục đích của việc kê khai tài sản là nhằm công khai minh bạch về tài sản, tạo điều kiện để cử tri tham gia giám sát đại biểu của mình.

Theo Nghị định 78 ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, thì mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý CBCC, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Từ những quy định trên, có thể nhận thấy, trong những thời điểm cụ thể, việc kê khai tài sản có thay đổi tích cực, chủ yếu hướng tới 2 mục tiêu là phục vụ công tác quản lý cán bộ và phòng ngừa tham nhũng.

Tuy 2 mục đích của việc kê khai tài sản được đề ra khá lâu, nhưng trên thực tế trong thời gian dài, việc kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ là chủ yếu, do vậy hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là kém hiệu quả trong phòng ngừa tham nhũng và nặng về hình thức.

Ngoài các mục đích được quy định nêu trên, việc kê khai tài sản, thu nhập, còn có mục đích giáo dục. Điều này thể hiện ở việc, khi người kê khai tài sản tiến hành kê khai tài sản sẽ tác động đến bản thân của họ, làm cho họ thấy được nghĩa vụ của mình trong việc tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, qua kê khai giúp người kê khai tài sản nhận thức được mục đích mà pháp luật yêu cầu kê khai là phòng ngừa tham nhũng, từ đó họ nhận thức là mình đang thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Mặt khác, khi một người tự kê khai một tài sản nào đó mà bản thân họ biết rõ tài sản đó có được là do hành vi tham nhũng, tiêu cực, thì ít nhiều cũng tác động đến suy nghĩ, đến lương tâm của họ về hành vi tiêu cực, tham nhũng của mình.

2. Kinh nghiệm chống tham nhũng trên thế giới cho thấy, các nước đều coi trọng các giải pháp phòng ngừa, vì cho rằng đây là giải pháp có hiệu quả nhất.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định khá đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như: Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng quy tắc ứng xử của CBCC; minh bạch tài sản, thu nhập của CBCC…

Biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của CBCC nằm trong nhóm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của CBCC vừa có tác dụng ngăn ngừa hành vi tham nhũng khi nó tác động vào suy nghĩ của người kê khai, vừa có tác dụng hỗ trợ cho việc điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng với tư cách là cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan, tổ chức có được.

Việc yêu cầu CBCC kê khai tài sản và thu nhập thường được coi là một trong những công cụ để ngăn ngừa tham nhũng và các hoạt động bất hợp pháp khác. Thực tiễn công tác đấu tranh chống tham nhũng cho thấy, để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì việc kiểm soát hữu hiệu tài sản, thu nhập của CBCC là một trong những biện pháp quan trọng.

Pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập ở Việt Nam hiện chỉ quy định kê khai tài sản, thu nhập đối với CBCC mà không phải của các đối tượng khác, bởi đây là đối tượng có khả năng tham nhũng nhất, họ là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước.

Đặc điểm của tham nhũng là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn và những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác.

Mặt khác, suy cho cùng, tham nhũng cũng đều hướng đến tiền và của, do vậy kê khai tài sản, thu nhập của CBCC cũng nhằm hướng đến kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này để phòng ngừa tham nhũng.

PHAN VĂN BA (Văn phòng HĐND - UBND TX. Gò Công)

.
.
.