Thứ Hai, 05/02/2018, 14:27 (GMT+7)
.

Phường 4, TP. Mỹ Tho: Ngày ấy... bây giờ

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), cán bộ và nhân dân phường 4 (TP. Mỹ Tho) chung tay xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất có nhiều dấu ấn lịch sử, trong đó có dấu ấn của của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...

Xác xe tăng M.113 bị quân ta bắn cháy trên đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc, TP. Mỹ Tho. 		               Ảnh: VŨ HOÀI NAM
Xác xe tăng M.113 bị quân ta bắn cháy trên đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc, TP. Mỹ Tho. Ảnh: VŨ HOÀI NAM

NGÀY ẤY

Trong lịch sử, phường 4 thuộc nhóm phường, xã phía Tây của TX. Mỹ Tho (tỉnh lỵ của địch lúc bấy giờ), có giá trị như tấm lá chắn để bảo vệ khu trung tâm thị xã, ta và địch thường xuyên chọn nơi này để “đọ sức”. Thời đánh Mỹ, những ai ngụ trên mảnh đất này hoặc có dịp ghé qua, đã nghe những câu chuyện về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trên địa bàn phường.

Đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, quân ta đồng loạt tấn công vào thị xã. Do vị trí phường 4 là tấm lá chắn phía Tây của khu trung tâm thị xã, nên 2 trong 3 cánh tiến công của ta đều phải vượt qua khu vực phòng ngự của địch trên địa bàn phường 4.

Điều bất ngờ nữa khiến chiến sự tại đây càng thêm ác liệt là tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đang mắc kẹt tại khu nhà của gia đình bên vợ ở góc đường Lý Thường Kiệt - Nguyễn Trung Long (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Thường Kiệt bây giờ). Để bảo vệ Nguyễn Văn Thiệu, địch tập trung lực lượng bộ binh kết hợp với xe tăng, thiết giáp... biến khu Giếng Nước thành tuyến chiến hào lửa đạn, hòng ngăn chặn quân ta tiến công.

Chiến sự kéo dài trên địa bàn phường 4 đến chiều mùng 3 tết, quân Mỹ từ căn cứ Đồng Tâm chi viện, tập trung pháo binh và phi cơ bắn phá ác liệt.

Dã man hơn, chúng đã dùng bom xăng đặc (154) hủy diệt toàn bộ khu dân cư phường 4, trong đó khu dân cư Giếng Nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, làm hàng ngàn căn nhà dân bị cháy, hàng trăm người dân bị chết, gần 1.000 người bị thương, hơn 1 vạn người phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.

Một số người dân kể lại, khi bom xăng đặc giặc đổ xuống đốt cháy hết nhà cửa, người dân ở đây đâm hoảng loạn đã tháo chạy, bị trực thăng chiến đấu của Mỹ nã đạn vào đoàn người lánh nạn, làm hàng trăm người chết và bị thương, có rất nhiều người già và trẻ em...

Khi bộ đội rút ra vùng ven bám trụ, cán bộ, đảng viên và người dân trở về bắt tay khắc phục hậu quả, cất lại nhà ở và tiếp tục ủng hộ cách mạng, ủng hộ bộ đội chiến đấu ở các cao điểm tiếp sau.

Khu chợ Thạnh Trị hôm nay khang trang, sầm uất.                   Ảnh: HỮU NGHỊ
Khu chợ Thạnh Trị hôm nay khang trang, sầm uất. Ảnh: HỮU NGHỊ

Về phía ta, theo đúng kế hoạch, Tiểu đoàn 514 tập kích tiểu đoàn 321 biệt động quân địch, mở cửa khẩu đột phá vào hướng chợ Thạnh Trị.

Tiểu đoàn 261 A và Đại đội 2 của Thành đội Mỹ Tho vượt qua sông Bảo Định, chia làm 3 mũi đánh vào đường Hùng Vương, chiếm Trường La San, chiếm bùng binh chợ Thạnh Trị, bờ Tây khu Giếng Nước và sân bay trực thăng. Sau khi trực thăng địch cho trực thăng rải xăng hủy diệt khu vực Giếng Nước và ven sông Bảo Định, lực lượng ta tạm thời rút ra các xã vùng xen, tổ chức đánh địch phản kích...

...VÀ BÂY GIỜ

Sau ngày 30-4-1975, do chiến tranh tàn phá nặng nề, nên phường 4 có đến 8/11 khu phố thuộc diện “khó khăn”, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đặc biệt là tỷ lệ hộ gia đình chính sách khó khăn chiếm số lượng nhiều nhất so với các phường, xã khác của thành phố lúc bấy giờ.

Trước thực trạng đó, Đảng bộ và nhân dân phường 4 đã tập trung toàn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phường 4 có diện tích đất thổ cư khoảng 29,43 ha, còn lại là xây dựng công cộng (trong đó có khu bờ kè sông Tiền).

Qua phân bổ sử dụng đất đai chứng tỏ phường 4 là địa bàn đã đô thị hóa cao, lúc đầu tập trung sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sau đó đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường 4 Dương Văn Ngọc: “Phường đẩy mạnh phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, gắn chặt với quốc phòng - an ninh; từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bà con tiểu thương và người lao động trong phường dần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chỉ duy trì một thời gian, vì ảnh hưởng môi trường, hướng chuyển ra vùng ven. Cỗ máy kinh tế của phường 4 chuyển dịch dần sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch và tiền tệ, tăng trưởng GDP hằng năm khả quan, chỉ còn 73 hộ nghèo.

Các khu thương mại - dịch vụ phát triển mạnh: Chợ Thạnh Trị, chợ Hàng Còng, chợ trái cây Thạnh Trị... ngày càng sung túc. Nơi đây còn giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân bốc vác, lao động phổ thông...

HTX Thương mại - dịch vụ, 7 ngân hàng thương mại cổ phần, Khách sạn Mê Kông, bờ kè sông Tiền, Trung tâm Văn hóa và Thư viện tỉnh trên địa bàn phường đã và đang chuyển động hằng ngày. Phường 4 hứa hẹn sẽ trở thành một trong những phường phát triển thương mại - dịch vụ mạnh của TP. Mỹ Tho.

L.H.L

.
.
.