Thứ Hai, 05/02/2018, 14:28 (GMT+7)
.

Sự nổi dậy của quần chúng - một mũi tiến công quan trọng

Đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.

Trong thắng lợi chung đó, có sự đóng góp to lớn của quân và dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Với 3 đợt tiến công và nổi dậy liên tục, bền bỉ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công cùng với quân chủ lực của Quân khu 8 đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.280 tên địch (trong đó có 3.012 tên Mỹ), phá hủy 179 xe quân sự, 24 tàu, bắn rơi và bắn hỏng 63 máy bay, bức và diệt 94 đồn tua, thiết lập chính quyền cách mạng ở nhiều xã, góp phần vào thắng lợi chung của Khu 8 và toàn Miền, mở ra bước ngoặt lớn của chiến tranh, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận một xu thế không thể cưỡng lại được là ngồi vào bàn đàm phán, rút quân Mỹ về nước, tạo tiền đề cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975.

Trong các mũi tiến công dũng mãnh, kiên cường và đầy quả cảm vào TX. Mỹ Tho (tỉnh lỵ của địch lúc bấy giờ) trong dịp Tết Mậu Thân 1968, không thể không nói đến một “mũi tiến công lợi hại”, đó là sự nổi dậy của quần chúng. Sự tiến công và nổi dậy với 2 lực lượng, 2 hình thức đấu tranh đã phản ánh đúng quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Trong đó, đấu tranh quân sự là chủ yếu, đấu tranh chính trị hỗ trợ cho đấu tranh quân sự giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng quân sự, với nhiều trung đoàn mới được thành lập, lực lượng chính trị cũng đã được Khu ủy khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho quan tâm xây dựng cả về mặt tư tưởng và tổ chức.

Tính đến thời điểm trước ngày mở màn chiến dịch, trong nội đô Mỹ Tho gồm 4 quận, có 4 chi bộ, với khoảng 20 đảng viên, trực thuộc Ban Cán sự Thành ủy.

Ngoài ra, còn có khoảng 50 cán bộ cốt cán ở một số cơ sở, 200 học sinh, 2.000 quần chúng giác ngộ cách mạng tham gia nổi dậy.

Các lực lượng này đã tích cực, chủ động tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc nổi dậy như: In tài liệu, may cờ, viết biểu ngữ, truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền; chuẩn bị lực lượng, các loại phương tiện để tiến hành phát thanh lưu động; bộ phận quần chúng làm liên lạc nội tuyến, dẫn đường cho bộ đội chủ lực…

Ở 2 xã vành đai Bình Đức và Thạnh Phú, mỗi xã đều có 2 chi bộ luôn hỗ trợ nhau bám địa bàn hoạt động. Phương châm của chi bộ là “bí mật, giáo dục, phát triển lực lượng, lấy vũ khí địch đánh địch”. Trong tình hình ác liệt, địch có nhiều thủ đoạn để lôi kéo cán bộ và quần chúng nhân dân. Các chi bộ vành đai luôn đề ra những khẩu hiệu sát hợp để hoạt động như: “Bí mật, không người”, “giáp địch để đánh địch”, “bám địa bàn để xây dựng lực lượng”...

Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng được lực lượng quần chúng đông đảo ủng hộ cách mạng. Nhiệm vụ của họ là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ lực; cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra; xây dựng “hũ gạo nuôi quân”... Mỗi xã có ban quân lương, đội cứu thương, tải thương.

Nhiều nhà đào sẵn hầm để nuôi giấu thương binh hoặc chôn giấu vũ khí. Riêng các xã vùng ven, mỗi gia đình chuẩn bị 20 giạ gạo. Các nhà máy chà trong nội đô, mỗi nơi dự trữ từ 1.500 - 3.000 giạ gạo. Các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm trong nhân dân để phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Khi cuộc tổng tiến công bắt đầu, trong điều kiện có các đòn tiến công quân sự đi trước, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, được sự hỗ trợ trực tiếp của đặc công, biệt động, bộ đội địa phương..., các lực lượng chính trị của quần chúng đã nhanh chóng nổi dậy với sức mạnh to lớn, phối hợp đánh chiếm được nhiều mục tiêu ở nội thành và giành chính quyền ở nhiều xã ngoại thành. Điển hình như đêm 31-1, hơn 500 quần chúng kéo vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ bức hàng đồn Mỹ An, bao vây đồn Gò Cát và công sở ở Mỹ Phong.

Ở Bình Đức, đồng bào kéo đến bao vây hậu cứ tiểu đoàn 72 pháo binh và kêu gọi binh sĩ địch quay súng trở về với nhân dân. Bọn địch đã bắn chết 2 người và làm bị thương một số người khác, nhưng quần chúng vẫn kiên trì, kiên cường đấu tranh.

Trong ngày sau, hàng ngàn người tiếp tục kéo vào hỗ trợ đấu tranh, làm cho tiểu đoàn pháo của địch không chi viện được cho mặt trận nội đô thị xã. Tại xã Trung An, quần chúng và du kích bao vây 6 đồn, diệt 2 đồn, bức rút 3 đồn, thu 23 súng, phá sạch hệ thống ấp tân sinh.

Quần chúng ở Khu 1, Khu 4 và các xã Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong đã nổi dậy, phối hợp với Lực lượng vũ trang quét sạch hệ thống ấp tân sinh, giải tán bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng hoàn toàn 2 xã Đạo Thanh và Mỹ Phong, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng làng xã chiến đấu, đưa con em bổ sung vào Lực lượng vũ trang, đóng góp nhiều của cải, vật chất ủng hộ bộ đội...

Trong cao điểm II của đợt 1 tổng tiến công và nổi dậy, hàng ngàn quần chúng vùng ven kéo đến dinh tỉnh trưởng và bộ tư lệnh sư đoàn 7 của địch đấu tranh, tố cáo tội ác địch dùng phi pháo đánh phá bừa bãi. Quần chúng mang cả mảnh pháo và đầu pháo lép để làm bằng chứng buộc bọn địch phải nhận tội.

Nhân dân trong nội đô đấu tranh chống khám xét, chống lo tiền để nhận phiếu cứu trợ. Quần chúng giác ngộ cách mạng còn kéo ra đường phố làm công tác địch vận, tuyên truyền, phổ biến, lôi kéo, hù dọa lực lượng kìm kẹp tại chỗ, vận động chúng vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, rời bỏ hàng ngũ trở về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu; tiến hành công tác tuyên truyền, đặc biệt là với các lực lượng trung gian để họ theo cách mạng, hoặc ít ra không cố thủ, chống đối cách mạng.

Ở vùng ven Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo, có đêm, hàng trăm thương binh được chuyển về, trong khi đó trạm quân y, y tế xã chỉ có 4 - 5 người, đã được các hội viên trong Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ nữ thức thâu đêm tiếp tay sơ cứu, chăm sóc, động viên, an ủi và tổ chức chuyển lên tuyến trên kịp thời.

Có thể nói, không thể có thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công nói riêng, miền Nam nói chung nếu quần chúng không được giác ngộ cách mạng, không tham gia đông đảo vào cuộc đấu tranh trực diện với quân thù; hay nói cách khác, không có sự nổi dậy của quần chúng sẽ không có cuộc tổng tiến công bất ngờ và hiệu quả vào tận sào huyệt của quân địch như trận chiến Xuân Mậu Thân 1968. Sự nổi dậy của quần chúng chính là một mũi tiến công quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của chiến trường.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng giá trị và tầm vóc lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công  nói riêng vẫn còn tươi nguyên giá trị, mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, khát vọng hòa bình, thống nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để lại bài học vô cùng sâu sắc về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VĂN ĐẠO

.
.
.