Thứ Hai, 02/04/2018, 22:40 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG HỌP MẶT CỰU TÙ KHÁNG CHIẾN KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ (1973 - 2018)

Trung kiên chốn lao tù và vượt khó giữa đời thường

Cách nay hơn 45 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ rút quân về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đánh dấu thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày đó, đối với những cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù, đày, thì Hiệp định Paris, trong đó có Nghị định thư về trao trả tù binh, tù chính trị là một sự hồi sinh, là ngày thoát khỏi ngục tù trở về với Đảng, với nhân dân. Ngày đó được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt là “Ngày chiến thắng trở về”.

Cựu tù chính trị Tiền Giang trở lại thăm nhà tù Côn Đảo.                                                                                                                                                                                                                                                                                Ảnh: VÕ VĂN NHI
Cựu tù chính trị Tiền Giang trở lại thăm nhà tù Côn Đảo. Ảnh: VÕ VĂN NHI

Trong chiến tranh, kẻ thù đã thực hiện  nhiều thủ đoạn, âm mưu tinh vi, nham hiểm và dã man hòng làm nhục ý chí đấu tranh của những người yêu nước, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Âm mưu, thủ đoạn của địch vô cùng tàn bạo, chẳng những không lung lay được tinh thần, mà càng tôi luyện phẩm chất, khí phách của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Đứng trước họng súng, lưỡi lê và những đòn tra tấn dã man của quân thù, lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược càng ngời sáng. Tinh thần và nhuệ khí của những cán bộ, chiến sĩ cách mạng luôn được giữ vững, tiếp tục được phát huy.

Trong thời kỳ chống Mỹ, để thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã dựng lên hệ thống khoảng 300 nhà tù, trại giam để giam giữ, đàn áp, tra tấn hơn 700.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước.

Tiền Giang hiện có 2.204 cựu tù chính trị được tặng Kỷ niệm chương, 1.591 người còn sống được trợ cấp hằng tháng và 613 cựu tù từ trần nhận trợ cấp 1 lần.
 

Trong những ngày đấu tranh ác liệt đó, sự đoàn kết của những người tù luôn được phát huy, đã tập hợp thành một tổ chức, một khối đoàn kết. Sự lãnh đạo của các chi bộ trong các nhà tù, trại giam đã giáo dục, động viên nhau cùng nhau đấu tranh, đối phó với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, độc ác của kẻ thù, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Trong lần đến thăm và nói chuyện tại Đoàn an dưỡng T72 Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm 1973, đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu: “Các đồng chí đã đấu tranh quyết liệt và đấu tranh có tổ chức, tập hợp thành tổ chức để lãnh đạo đấu tranh.

Tuy xa Đảng, xa nhân dân, xa sự lãnh đạo của Đảng, nhưng các cá nhân đã tập hợp lại để đối phó với địch, cùng nhau bàn bạc lãnh đạo quần chúng đấu tranh, những cái đó là làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên”.

Cựu tù chính trị Tiền Giang trở lại thăm nhà tù Côn Đảo.                                                                                                       Ảnh: VÕ VĂN NHI
Cựu tù chính trị Tiền Giang trở lại thăm nhà tù Côn Đảo. Ảnh: VÕ VĂN NHI

Sau khi ra tù về với Đảng, với nhân dân, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đưa về các đoàn an dưỡng chữa bệnh và làm các thủ tục kiểm điểm, kết luận theo quy định. Sau đó, một số đồng chí thương binh, bệnh binh nặng tiếp tục điều trị, số ít các đồng chí được đưa đi bồi dưỡng học tập, còn lại đa số đã vượt Trường Sơn trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhưng niềm vui chiến thắng chưa được bao lâu thì bọn Khơ me đỏ gây hấn, đánh chiếm biên giới Tây Nam, buộc những chiến sĩ gan thép tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới và giúp nước bạn Campuchia giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng của bọn Pôn Pốt, và rồi lại tiếp tục lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh suốt đời.

Chúng ta nhớ lại một thời tuổi thanh xuân, bát cơm chan đầy máu và nước mắt trong cuộc đấu tranh không cân sức với kẻ thù, trước sự đàn áp cực kỳ dã man, tàn bạo và thâm độc của những tên cai ngục, đao phủ trong các nhà tù, trại giam của đế quốc.

Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều đồng chí, đồng đội thân yêu của chúng ta đã anh dũng hy sinh và nhiều đồng chí tàn tật suốt đời. Chúng ta nguyện khắc cốt ghi tâm, suốt đời ghi nhớ những kỷ niệm sâu sắc, những ngày đau khổ nhưng rất hào hùng và niềm tự hào được Đảng và nhân dân ghi nhận với những dòng chữ “Những người chiến thắng trở về”.

Hòa bình, những chiến sĩ kiên trung trong đấu tranh vệ quốc về với đời thường, mỗi người mỗi hoàn cảnh và phải đối mặt với bệnh tật do trong những ngày bị địch giam cầm, tra tấn dã man và những khó khăn về kinh tế, đời sống của gia đình, của quê hương do chiến tranh ác liệt kéo dài, sự cấm vận của đế quốc và bọn phản động thù địch.

Thế nhưng, với tinh thần trung kiên, bất khuất, đoàn kết, sống có nghĩa tình và được rèn luyện chiến đấu trong lao tù, một lần nữa các cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù, đày đã vượt lên chính mình, tiếp tục chiến đấu, công tác quãng đời còn lại, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Trong quá trình công tác, nhiều đồng chí đã được Đảng, Nhà nước giao những nhiệm vụ quan trọng từ trung ương, địa phương đến cơ sở… Và nhiều đồng chí đã khắc phục khó khăn, bệnh tật, phấn đấu vươn lên, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước, quê hương và làm từ thiện, ủng hộ đồng đội, được Đảng, nhân dân, xã hội tôn vinh.

Tại Hội nghị gặp mặt những đồng chí từng tham gia cấp ủy trong các nhà tù, trại giam của địch do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vào năm 2014, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Hội nghị gặp mặt là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với công lao của các đồng chí từng tham gia cấp ủy trong các nhà tù, trại giam của địch.

Sự cống hiến, hy sinh của các đồng chí, của hàng vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên đã góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để những đồng đội, đồng chí gặp mặt, ôn lại kỷ niệm về một thời gian lao nhưng vô cùng oanh liệt, hào hùng, cung cấp thêm tư liệu nhân chứng lịch sử, làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của cấp ủy và công tác xây dựng Đảng trong lao tù.

Đây còn là dịp để tôn vinh những tấm gương tinh thần và phẩm chất cách mạng của các thế hệ đi trước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ noi theo, để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

Ở Tiền Giang, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho thành lập Ban Liên lạc cựu tù kháng chiến từ tỉnh đến xã, phường. Từ ngày thành lập 10-3-2010, Ban Liên lạc các cấp đã tích cực rà soát những cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày chưa được hưởng chính sách ưu đãi để đề xuất cho các đồng chí hưởng chế độ ưu đãi theo quy định. Nhiều hoạt động hỗ trợ nhau đã được thực hiện nhằm chia sẻ khó khăn, động viên nhau của những người cùng chung ý chí.

NGUYỄN MINH TÂM

.
.
.