Thứ Sáu, 27/04/2018, 08:26 (GMT+7)
.

Lại một luận điệu xuyên tạc tự do thông tin ở Việt Nam

Ngày 4-3-2018, tại thành phố Valencia (Tây Ban Nha), tổ chức phản động “Đảng Việt Tân” ở nước ngoài  phối hợp với một tổ chức có tư tưởng thù địch với Việt Nam tổ chức hội nghị “Việt Nam Cyber Dialogue” (tạm dịch là: Đối thoại an toàn không gian mạng Việt Nam).

Tại đây, một số cá nhân đã phát biểu xuyên tạc tình hình “tự do truyền thông” tại Việt Nam, vu cáo Chính phủ Việt Nam “theo dõi, lấy cắp thông tin, tấn công trên mạng đối với các nhà hoạt động nhân quyền”, qua đó chúng kêu gọi quốc tế hỗ trợ các phương pháp kỹ thuật để “các nhà hoạt động nhân quyền vô hiệu hóa các chiêu thức theo dõi và kìm kẹp Internet” ở Việt Nam.

Như đã có sự chuẩn bị trước, cũng ngay hôm đó, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước phát tán tài liệu “Cộng sản Việt Nam đòi mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam, xóa bỏ nội dung sau 3 giờ yêu cầu”, có nội dung phản đối việc Chính phủ ban hành Nghị định 27/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72 ngày 17-7- 2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; đồng thời, xuyên tạc cho rằng, Chính phủ ban hành Nghị định trên nhằm “kiểm soát các hệ thống máy chủ, kiểm soát thông tin cá nhân người dùng, hạn chế quyền tự do ngôn luận vì tiếng nói của họ gây bất lợi cho chính quyền”.

Những thông tin bịa đặt này cho thấy, các thế lực phản động ngày càng ra sức sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn để chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nhằm vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Họ còn viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí, nhưng cố tình tảng lờ những điều, khoản nghĩa vụ kèm theo để thực hiện các quy định đó, rồi phát tán qua Internet, mạng xã hội nhằm cổ xúy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.

Biện chứng của sự vật, hiện tượng cho thấy không có cái gì là tuyệt đối cả, “tự do báo chí” lại càng không thể là một thứ “quyền tuyệt đối”. Người ta có quyền tự do, nhưng “kèm theo những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định” (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị).

Ngay các nhà quản lý Internet hay các trang mạng như Facebook, Twitter và YouTube cũng phải đưa ra các biện pháp kiểm soát những nội dung sai trái và giả mạo được đăng tải trên mạng. Thậm chí, Facebook đã bị chính quyền một số nước Áo, Pháp, Đức và Mỹ kiện và phải nộp phạt vì để lan truyền trên mạng những nội dung kích động thù hận và xuyên tạc sự thật, lộ lọt thông tin.

Mạng Wikipedia, trong mục tự do ngôn luận cũng viết: “Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể theo “nguyên tắc gây hại” hoặc “nguyên tắc xúc phạm”, thí dụ trong trường hợp khiêu dâm hoặc các nội dung thù ghét (nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...). Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể được thực thi bằng luật pháp hoặc sự lên án của xã hội”.

Đối với Việt Nam, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền thông tin. Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Thực tế, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 857 cơ quan báo chí gồm: 199 cơ quan báo chí in, 658 tạp chí (trong đó có 105 báo, tạp chí điện tử); 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử.

Và ở Việt Nam cũng không có ai bị xử lý vì viết blog hay viết báo, chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet để gây mất ổn định xã hội, chống lại đất nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc mới bị xử lý nghiêm khắc.

Những đối tượng bị bắt giữ và đưa ra xét xử thời gian qua đều lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải những bài viết có nội dung sai sự thật, nói xấu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động nhân dân chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Việc xử lý các đối tượng này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật các quốc gia khác quy định trên lĩnh vực này.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người là sự thật không thể phủ nhận và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Bà Yaima, người Tây Ban Nha, nhiều năm sinh sống tại Việt Nam, đã nói: “Từ khi có mặt tại Việt Nam đến nay, tôi không gặp một khó khăn nào khi tiếp cận dịch vụ Internet. Tại Việt Nam, tôi vẫn kết nối với người thân ở nhà. Tôi nghĩ, mọi quốc gia đều có những quy định riêng trong xây dựng, phát triển Internet theo nguyện vọng, lợi ích quốc gia”.

Vì vậy, Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72 ngày 15-7-2013 của Chính phủ vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-4-2018 là thật sự cần thiết, hợp lòng dân.

VĂN ĐẠO

.
.
.