Thứ Năm, 14/06/2018, 15:46 (GMT+7)
.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang:

Thảo luận dự án Luật sửa đổi một số điều Luật Giáo dục đại học

Vừa qua, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham gia ý kiến về một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về hệ thống giáo dục đại học

Hệ thống giáo dục đại học được quy định tại Điều 7 về “Cơ sở giáo dục đại học” và Quy định tại Điều 11 về “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học” và một số điều khác. Tuy nhiên, dự án Luật chưa có nội dung quy định mối quan hệ tương hỗ giữa các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống.

Bởi, thực tế hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, được đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm với nhiều trang thiết bị phân tích hiện đại, đắt tiền, nhưng sử dụng không hết công suất.

Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục đại học khác không có điều kiện đầu tư, không thể cùng sử dụng, khai thác các thiết bị này, gây lãng phí.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc gia hỗ trợ lẫn nhau, có thể cùng khai thác một cách có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ hai, về nghiên cứu khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học

Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên trong thời gian qua, sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ còn lỏng lẻo.

Còn nhiều giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện các đề tài tốt nghiệp không xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp, không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.

Kết quả là, mặc dù có rất nhiều luận văn, luận án được điểm cao nhưng không thể ứng dụng vào cuộc sống.Trong khi đó, các trường đại học uy tín trên thế giới đã mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu trong khuôn viên trường. Cả doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học đều có lợi.

Các nhóm nghiên cứu là giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp tại trung tâm nghiên cứu này.

Để xây dựng và phát triển mô hình này tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật nội dung “Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, vận hành trung tâm nghiên cứu bên trong khuôn viên cơ sở giáo dục đại học”.

Thứ ba, về tiêu chuẩn Hiệu trưởng (tại khoản 2 Điều 20)

Với quy định tiêu chuẩn Hiệu trưởng tại khoản này thì có hơn 10% viên chức trong các cơ sở giáo dục đại học đủ tiêu chuẩn nhưng sẽ không quản lý, điều hành tốt.

Ngược lại, có người quản lý, điều hành tốt, được tập thể tín nhiệm nhưng lại không đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 20.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giao quyền tự chủ cho Hội đồng trường quyết định tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo khác như quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật để phù hợp cho từng loại cơ sở giáo dục đào tạo.

Thứ tư, về mở mã ngành đào tạo (tại Điều 33) và chỉ tiêu tuyển sinh (tại khoản 1, Điều 34)

Thống nhất với quy định giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học mở mã ngành đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội theo cơ chế thị trường, rất cần vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thông tin, định hướng và điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh và mở mã ngành đào tạo khi có nguy cơ cung vượt cầu lao động.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện việc khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên theo ngành, lĩnh vực và khu vực trong 5 năm, 10 năm tới; cập nhật số liệu hằng năm để làm cơ sở cho việc thông tin, định hướng.

Thứ năm, về nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học (tại Điều 64)

Ngoài các khoản thu được quy định tại khoản 1 Điều này, thực tế khả năng sẽ còn có một nguồn thu rất tiềm năng và rất lớn, đó là nguồn thu từ các doanh nghiệp khoa học công nghệ của trường, từ các trung tâm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Do đó, đề nghị cần thiết bổ sung vào Luật nội dung quy định nguồn thu này vào khoản 1 Điều 64. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 12 nội dung “Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ” nhằm tạo cơ chế thuận lợi để thực hiện nguồn thu này.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.