Thứ Ba, 12/06/2018, 08:33 (GMT+7)
.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang:

Thảo luận về dự án Luật Trồng trọt

Vừa qua, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Trồng trọt. Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu, định hướng nội dung xây dựng Luật Trồng trọt theo Tờ trình của Chính phủ; thống nhất với những quan điểm đặt ra trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhằm hoàn chỉnh dự thảo luật với định hướng đáp ứng được mong mỏi của cử tri, đặc biệt cử tri là những người làm nông nghiệp.

Với quan điểm mong muốn dự luật này khi được thi hành phải tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực trồng trọt, giúp nông dân có nhiều thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng hành cùng nông dân đối mặt trước những áp lực của thị trường nông sản ngày càng khó tính, tiêu chuẩn cao, cạnh tranh nhiều, đại biểu Tạ Minh Tâm đóng góp một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại cơ cấu dự thảo luật, bổ sung các chế định nhằm thể chế hóa các vấn đề cần điều chỉnh, có định hướng khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra như đã nêu trong hồ sơ trình dự thảo luật.

Cụ thể, cần luật hóa trách nhiệm thông tin thị trường, dự báo thị trường, khuyến cáo nông dân sản xuất; luật hóa chính sách khuyến nông, bảo vệ thực vật, chính sách thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị; cụ thể hóa hơn nữa về quan điểm, chính sách đối với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp biến đổi gen, xu hướng phát triển của nông nghiệp thế giới.

Bên cạnh đó, như Ban soạn thảo nhận định trồng trọt là ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, được điều chỉnh bởi nhiều đạo luật, từ bảo vệ môi trường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, an toàn hàng hóa thực phẩm, đất đai, khoa học - công nghệ…

Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, rà soát, đối chiếu nội dung của dự thảo luật và các quy định pháp luật có liên quan để chỉnh sửa các quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết tham gia.

Thứ hai, trước thực tế sản xuất nông nghiệp còn yếu tố nhỏ lẻ, chủ thể sản xuất phần lớn là hộ nông nghiệp, hạn chế năng lực vốn, năng lực quản trị, kỹ thuật, khả năng phán đoán, dự báo thị trường; khi mất mùa, mất giá, dịch bệnh, dịch hại, thị trường khủng hoảng, khả năng phục hồi thấp. Do đó cần tìm ra giải pháp hợp lý để tác động hiệu quả.

Bên cạnh đó như đã phân tích, đối tượng tác động của luật lần này là hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 90% là hộ nông nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần chặt chẽ trong thiết kế nội dung, đặc biệt khi thiết kế những điều luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các hộ nông dân trong quá trình sản xuất để bảo đảm tính khả thi và hiệu lực của pháp luật. Không xảy ra tình trạng hành chính hóa, thủ tục hóa gây áp lực cho người sản xuất.

Cụ thể cần cân nhắc nhằm đảm bảo sự khả thi, tính hợp lý về nội dung quy định của Luật về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong canh tác.

Thứ ba, thống nhất dự thảo luật bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung hợp lý các chính sách đáp ứng yêu cầu đặt ra khi xây dựng luật.

Cụ thể là định hướng phát triển trồng trọt theo thị trường, cơ cấu quản lý sản xuất hợp lý, quy mô lớn, hiện đại, bền vững, liên kết sản xuất. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Điều 6, chính sách của Nhà nước về trồng trọt 5 nội dung cụ thể như sau:

Một, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, thương hiệu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam.

Hai, nhiệm vụ dự báo thông tin thị trường.

Ba, chính sách khẳng định tiêu chuẩn hóa sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Bốn, quản lý chặt thị trường đầu vào của sản xuất nông nghiệp.

Năm, phát huy vai trò của các hiệp hội trong hỗ trợ nông dân sản xuất, thương mại hóa sản phẩm làm ra.

Thứ tư, báo cáo tổng kết thi hành pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt, đánh giá nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm ba việc sau:

Một, làm rõ hiệu lực, hiệu quả, khả năng kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với các khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ giống, canh tác, phân bón, chế biến, lưu thông, thương mại hóa sản phẩm trồng trọt.

Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta chuyển đổi cơ chế sang quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung nội dung, cơ chế phù hợp để bảo đảm mục đích khi sản phẩm trồng trọt làm ra đạt chất lượng, an toàn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hai, đánh giá thêm việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản phẩm nông nghiệp trong thời gian vừa qua. Việc áp dụng các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, làm rõ những khó khăn, bất cập trong việc mở rộng diện tích trồng trọt đạt tiêu chuẩn của ngành mà trong thời gian vừa qua chúng ta đánh giá vẫn còn hạn chế.

Đồng thời, cần làm rõ giải pháp, chính sách trong thời gian tới, đẩy nhanh quá trình các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các hộ nông dân có điều kiện áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và tiếp cận những quy chuẩn của thị trường nông sản khó tính.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở rà soát thực tế ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, xác định những vấn đề, lĩnh vực chưa được quy định, khẩn trương có kế hoạch thực hiện, bảo đảm khi luật ban hành phát huy được hiệu lực, hiệu quả, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp.

Ba, cần đánh giá thêm công tác xã hội hóa các dịch vụ công trong ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng, đánh giá năng lực hệ thống các đơn vị nghiên cứu, kiểm định, cung ứng các dịch vụ cơ bản, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất trồng trọt mà chúng ta có hiện nay; nghiên cứu đề ra các chính sách thu hút mạnh các nguồn lực xã hội tham gia vào nhằm thực hiện mục tiêu chung.

Thứ năm, với sự thống nhất cao việc luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (quy định tại Điều 5 về chiến lược phát triển trồng trọt), nhưng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các nội dung thể hiện định hướng, quan điểm, mục tiêu để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể hóa trong thực tế của cuộc sống.

Thứ sáu, đề nghị cần quy định cụ thể hơn về vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sản phẩm làm ra của ngành trồng trọt là tinh thần cốt lõi, xuyên suốt trong luật, kết nối chặt chẽ với các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hai vấn đề sau:

Một, về những hành vi bị cấm, đề nghị bổ sung nội dung cấm canh tác, sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông nông sản, sản phẩm trồng trọt vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan chức năng ban hành.

Hai, việc nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm trồng trọt với mục đích khẳng định thương hiệu, định hướng xây dựng thương hiệu, nâng cao hình ảnh nông sản Việt Nam, đề nghị bổ sung nội dung sản phẩm trồng trọt khi xuất khẩu.

Bên cạnh yêu cầu của nước nhập khẩu, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định truy xuất nguồn gốc, đáp ứng chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật An toàn thực phẩm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm xuất khẩu.

Thứ bảy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát thêm 2 nội dung của dự thảo Luật quy định về quyền của tổ chức, cá nhân trong canh tác, quy định đăng ký cấp mã số vùng trồng và quy định về quản lý và cấp mã số vùng trồng.

Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nội hàm, mục đích, yêu cầu, trình tự, thủ tục, bảo đảm đạt hai mục tiêu, vừa tạo tiền đề, nâng chất sản phẩm làm ra và không gây khó thêm trong hoạt động tổ chức sản xuất của nông dân.

Ngoài ra, nội dung quy định về quyền của tổ chức, cá nhân trong canh tác, dự thảo luật quy định quyền được thông tin về thị trường sản phẩm trồng trọt: cần xem đây là vấn đề trọng tâm đặt ra trong thực tiễn vừa qua.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, đề nghị quy định thành điều luật riêng, trong đó khẳng định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin thị trường, dự báo thị trường, đa dạng hóa hình thức cung cấp, phân tích, định hướng, xác định chủ thể chịu trách nhiệm, tạo cơ sở cho nông dân có quyết định sản xuất cho phù hợp.

Thứ tám, về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, dự thảo luật nêu tổ chức, cá nhân trong canh tác được tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của Chính phủ. Việc này, vào tháng 4-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58 và đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về nguyên tắc đối với chính sách bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, làm cơ sở để Chính phủ cụ thể hoá việc thực hiện trong từng thời kỳ nhất định.

                                                                  ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.