Chủ Nhật, 10/06/2018, 11:12 (GMT+7)
.

Không để kẻ xấu lợi dụng luật Đặc khu xuyên tạc, phá hoại, gây rối

“Người dân cần bình tĩnh, tránh nghe những luận điệu xuyên tạc, xúi giục khiến tinh thần dao động, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là lòng tin với Đảng, Chính phủ, Nhà nước”. Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn khi nói về đề xuất lùi thời gian thông qua luật Đặc khu.

Lùi thời gian thông qua luật Đặc khu là hợp lòng dân
Chính phủ đề xuất xin Quốc hội cho lùi thời gian thông qua luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là luật Đặc khu) từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 đang là quyết định tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội. Phóng viên (PV) đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để làm rõ hơn những ý kiến trái chiều về dự án luật này.

PV:  Thưa ông, việc đề xuất xin lùi thời gian thông qua luật Đặc khu thể hiện rõ Chính phủ vì dân, luôn lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Quan điểm của ông thế nào?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Tôi nghĩ rằng đây là một trong những thông tin rất hợp lý, hợp lòng dân, hợp với tiến độ làm luật khi còn rất nhiều ý kiến trái chiều cần bàn luận thêm. Lùi thời gian để có thời gian bàn thảo một cơ chế, chính sách ở đặc khu thực sự ủng hộ cho sự phát triển mà vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng.

a
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, người dân cần bình tĩnh, không để kẻ xấu lợi dụng luật Đặc khu gây nhiễu thông tin.

PVQua ý kiến của các ĐBQH và nhân dân thì rõ ràng, thận trọng trước khi quyết định một dự án luật quan trọng như luật Đặc khu là cần thiết. Ông kỳ vọng gì vào những thay đổi trong khoảng thời gian xem xét, thảo luận tiếp theo về dự án luật này?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Có thể thấy vấn đề mấu chốt đang khiến người dân lo lắng nhất là thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm. Thêm nữa là vấn đề liên quan đến sở hữu đất, có thể khiến cho việc mượn danh nghĩa người Việt Nam nhưng thực tế đằng sau là người nước ngoài sở hữu đất, thậm chí ở những vị trí đắc địa tiếp tục xuất hiện. Điều này đã từng xảy ra ở Đà Nẵng và một số nơi. Trong các nhà máy, đơn vị thuê hoặc sở hữu đất, dù chúng ta đi kiểm tra, giám sát cũng rất khó khăn. Vì thế, những băn khoăn, lo lắng của người dân là có lý.

Lùi thông qua luật Đặc khu sẽ giúp chúng ta có thời gian làm luật chắc chắn hơn, đảm bảo an ninh quốc phòng hơn, giải tỏa nỗi lo của người dân. Tức là chính sách cần đảm bảo chặt chẽ, nếu không sẽ có sự lợi dụng vào đó làm những việc khuất tất ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự trị an của đất nước. Tôi tin rằng, Quốc hội sẽ đồng thuận với đề xuất này của Chính phủ.

PV: Như thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ, Chính phủ sẽ nghiên cứu không để thời hạn thuê đất lên đến 99 năm. Vậy theo ông, căn cứ thời gian cho thuê đất cần tính toán thận trọng như thế nào đề thể hiện tính vượt trội của đặc khu, vừa thu hút đầu tư mà vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Có nhiều ý kiến khác nhau. Một luồng quan điểm cho rằng, đặc khu là đặc thù, khi đưa ra cơ chế thì phải có những ưu tiên, ưu đãi vượt trội, thậm chí cả những điều luật chưa có. Luồng ý khác cho rằng, đặc khu nhưng cái gì luật đã có thì phải theo.

Còn quan điểm của tôi, vấn đề thời gian cho thuê đất 99 năm không phải là mấu chốt thể hiện sự vượt trội vì xu hướng phát triển của thế giới đã đi vào thời kỳ cách mạng 4.0. Thay vì đưa ra thời hạn 99 năm dễ khiến người dân lo lắng, bức xúc, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các ưu đãi khác để đảm bảo thu hút đầu tư mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

a
Nếu được thông qua, Phú Quốc sẽ trở thành một trong ba đặc khu kinh tế của Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet.

Không để bị lợi dụng về luật Đặc khu
PV:  Thực tế khi Quốc hội bàn luận về luật Đặc khu, đã có những luồng ý kiến tiêu cực, thậm chí có sự lợi dụng kích động người dân với tư tưởng cực đoan. Ông có lời khuyên nào với cử tri và nhân dân trong trường hợp này?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Tôi nghĩ người dân lo lắng là đúng. Tôi cũng sợ rằng có những thế lực thù địch lợi dụng sự lo lắng này để làm cho lòng dân không yên tâm, bất an.
Tôi mong rằng, người dân hãy bình tĩnh, tin rằng Chính phủ có những quyết sách, đặc biệt là Quốc hội sẽ cân nhắc để hài hòa giữa phát triển kinh tế, an ninh xã hội và điều bất di bất dịch không bao giờ thay đổi là vấn đề an ninh, độc lập chủ quyền của dân tộc ta. Bà con nhân dân cần bình tĩnh, tránh nghe những lời xúi giục tiêu cực làm dao động tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là lòng tin đối với Đảng, Chính phủ, Nhà nước.

Một bộ phận người dân đang bị kích động, bị kẻ xấu lợi dụng khuấy động những làn sóng hoàn toàn không có lợi cho đất nước, cho chính người dân. Nhưng nếu bình tĩnh lại, người dân hoàn toàn có thể thấy rằng, qua thông tin đại chúng công khai, minh bạch, ở các kỳ họp Quốc hội, hay những hội nghị Trung ương bàn thảo nội dung quan trọng, các đại biểu đều thẳng thắn góp ý kiến, nói những cái cần nói, đưa ra quyết định hợp lòng dân, không có gì “chèo lái” được. Do đó, người dân nên tin vào Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Bản thân mỗi người cần có bản lĩnh chính trị, như người xưa đã dạy: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân/ Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ”, tư tưởng đó cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước. Người dân cần nghe hai tai, hai chiều, tin vào Chính phủ kiến tạo, hành động vì sự phát triển của đất nước, dân tộc.

PV:  Theo ông, vì sao dự án luật này còn có những ý kiến băn khoăn như vậy?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Đây là điều bình thường trong quá trình xây dựng luật. Luật là khung pháp lý bao trùm, bên cạnh luật còn các nghị định để hướng dẫn thi hành luật, thắt chặt quản lý, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên quá cầu toàn vào luật để mất đi cái tổng thể. Vì để chi tiết quá trong điều luật lại khó thực thi, cần có những quy định cụ thể hóa trong các nghị định. Hài hòa nhất là chúng ta vừa có khung luật vững chắc lại có nghị định mềm dẻo để đáp ứng từng thời kỳ phát triển của đất nước. Với dự án luật Đặc khu, tôi nghĩ cũng theo quy luật như vậy để đảm bảo được đồng thuận cao.
Có nhiều luật đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cũng có những luật gây ra sự tranh luận cho nhân dân vì rất nhạy cảm. Do vậy, càng là luật nhạy cảm, càng cần thận trọng khi bàn và quyết định. Điều này cũng là lẽ thường tình.

PV:  Xin hỏi quan điểm của ông về sự cần thiết ban hành luật Đặc khu trong giai đoạn hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Đặc khu là điều cần thiết thực sự góp phần phát triển đất nước. Nếu nói đất nước phát triển dựa vào đặc khu thì không phải, nhưng đặc khu là nơi chúng ta có thể thử nghiệm các chính sách, quy định, qua đó có bài học nhân rộng ra toàn quốc.

Thử nghiệm đó vô cùng quan trọng để có những kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam chứ không phải bài học từ nước ngoài; qua đó, mang lại những thông tin hữu ích trong phát triển, kiến tạo, bảo vệ đất nước. Làm luật Đặc khu là tất yếu, nhưng làm đặc khu như thế nào, làm từ từ từng đơn vị hay làm đồng loạt cả 3 đặc khu là điều phải tính toán, cân nhắc thêm. Còn thử nghiệm phát triển đặc khu thì như tôi đã nói ở trên, nên làm vì chúng ta cần những bài học thực tiễn là điều thiết yếu.

PV:  Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo antt.vn)

 

.
.
.