Thứ Hai, 11/06/2018, 06:34 (GMT+7)
.
Tỉnh Tiền Giang:

Ban hành Đề án Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy

Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII, ngày 21-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (HTCT) tỉnh Tiền Giang và đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện vào ngày 7-6 vừa qua. Ban Biên tập Báo Ấp Bắc giới thiệu các nội dung chính của đề án này.

 MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với HTCT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tinh giản biên chế đồng bộ, gọn nhẹ, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trong tỉnh; giảm chi thường xuyên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII. Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC-VC.

MỤC TIÊU CỤ THỂ

Về tổ chức bộ máy: Tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, giảm hợp lý đầu mối trực thuộc. Đến năm 2021: Giảm tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức trong toàn tỉnh so với năm 2015.

Về đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn đến năm 2021: Cơ bản hoàn thành việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảm mạnh về đầu mối, bình quân giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) so với năm 2015. Chấm dứt việc hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính).

Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học) hoặc xã hội hóa. Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo: Thực hiện đầy đủ và đồng bộ các quy định pháp luật về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021. Phấn đấu có ít nhất 20% đơn vị tự chủ tài chính. 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc xã hội hóa. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC-VC: Đến năm 2021, đội ngũ CB-CC-VC có số lượng, cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, khung năng lực theo vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về tinh giảm số người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu phố: Đến cuối năm 2021, tiến hành tinh giản 50% số lượng người hoạt động không chuyên trách, còn lại từ 9  đến 11 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đối với ấp, khu phố: Đến cuối năm 2021 sắp xếp các chức danh, đảm bảo bố trí mỗi ấp, khu phố không quá 3 người.

NHIỆM VỤ

Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của HTCT. Cụ thể là:

Đối với hệ thống tổ chức các cơ quan Đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy; sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan Đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy như: Văn phòng Tỉnh ủy Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Báo Ấp Bắc.

Thống nhất bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; mở rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện. Thí điểm nhất thể hóa trưởng ban tổ chức cấp ủy huyện đồng thời là trưởng phòng nội vụ; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra cấp huyện.

Thực hiện thí điểm văn phòng phục vụ chung cấp ủy - HĐND - UBND cấp huyện. Nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo cấp ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện; thí điểm mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện. Thực hiện sáp nhập 2 Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp khi có đủ điều kiện.

Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh gồm: Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, LĐLĐ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đối với các cơ quan khối chính quyền: Thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND tỉnh. Sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, gồm: Sở Nội vụ, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Sở Giao thông và Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Tài chính, Văn phòng Ban An toàn giao thông. Sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã. Sắp xếp lại các chức danh ở ấp, khu phố. Kiện toàn các đơn vị hành chính cấp xã đạt dưới 50% cả 2 tiêu chuẩn và các ấp, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Sắp xếp các tổ chức hội.

Sắp xếp tinh gọn hệ thống tổ chức bộ máy và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp tỉnh. Cụ thể là:

Đối với đơn vị sự nghiệp GD&ĐT: Sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Mỹ Tho vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hệ thống mạng lưới các trường  mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông trên địa bàn.

Thực hiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non tại các phường, thị trấn đã được đầu tư cơ sở vật chất sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Từng bước sắp xếp nhân viên y tế học đường theo hướng chuyển nhiệm vụ y tế trường học cho trạm y tế cấp xã thực hiện…

Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề: Sáp nhập các trường trung cấp trên địa bàn TP. Mỹ Tho vào Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang. Sáp nhập, hợp nhất các trường trung cấp trên địa bàn TX. Gò Công, TX. Cai Lậy.

Tiếp tục duy trì trường trung cấp tại TX. Gò Công, TX. Cai Lậy và huyện Cái Bè đến giai đoạn sau năm 2021 sẽ xem xét sáp nhập vào Trường Cao đẳng Nghề...

Đối với đơn vị sự nghiệp y tế: Phấn đấu chuyển Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Khu vực Cai Lậy sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và từng bước tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên.

Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Sáp nhập các bệnh viện không đạt tiêu chí bệnh viện hạng 2 trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông vào Trung tâm Y tế cấp huyện…

Đối với đơn vị sự nghiệp KH&CN: Hợp nhất các trung tâm thuộc Sở KH&CN và trung tâm thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN trực thuộc Sở KH&CN, hoạt động theo cơ chế tài chính là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao: Thực hiện hợp nhất Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng và Đoàn Nghệ thuật tổng hợp; hợp nhất Bảo tàng tỉnh và Ban Quản lý di tích thuộc Sở VH-TT&DL. Sáp nhập, hợp nhất Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao và Trường Năng khiếu thể dục thể thao.

Chuyển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Sáp nhập, hợp nhất các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa và đài truyền thanh - truyền hình trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối…

Đối với đơn vị sự nghiệp TT&TT: Tổ chức lại Trung tâm Tin học và Trung tâm Công báo thuộc Văn phòng UBND thành 1 trung tâm. Chuyển Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở TN&MT sang hoạt động theo cơ chế tự chủ 100%.

Đối với lĩnh vực NN&PTNT: Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp…

Ngoài ra, giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch, chuyển chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm về các đơn vị trực thuộc các sở liên quan. Sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai.

Thực hiện xã hội hóa hoặc giải thể đối với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp. Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công trực thuộc UBND tỉnh.

GIẢI PHÁP

Đề án đưa ra các giải pháp về công tác chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, về sắp xếp, bố trí lại các chức danh lãnh đạo, quản lý, về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, về sáp nhập đơn vị hành chính, về chế độ chính sách và về rà soát, điều chỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc.

HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN

Về tổ chức bộ máy: Tổng số tổ chức bộ máy giảm theo đề án: Giảm 2 đơn vị cấp sở ngành tỉnh; 86 đơn vị cấp phòng (tương đương); 80 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó: Khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể: Giảm 1 đơn vị cấp sở ngành tỉnh; 25 đơn vị cấp phòng (tương đương); khối Nhà nước: Giảm 1 đơn vị cấp sở ngành tỉnh; 31 đơn vị cấp phòng (tương đương) trực thuộc Sở; 19 phòng thuộc Chi cục và tương đương; 11 phòng thuộc UBND cấp huyện; 80 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về tinh giản biên chế: Tổng số biên chế giảm theo đề án: 3.119 (đạt 10,44%), trong đó: Khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể: 121 (đạt 10,15%), khối Nhà nước: 2.998 (đạt 10,45%), trong đó: Công chức 232, viên chức 2.628, các hội 138. Đối với cấp xã, ấp, khu phố: Đến năm 2021, giảm được gần 50% so với hiện tại: Đối với cấp xã: Còn bố trí 1.749 người hoạt động không chuyên trách, giảm 1.604 người.

Đối với số người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố và các chức danh khác ở ấp, khu phố có hưởng phụ cấp: Giảm 861 người (nếu bố trí phó trưởng ấp kiêm công an viên ấp), giảm 4.056 người hưởng phụ cấp các chức danh chi hội trưởng các đoàn thể.

Về kinh phí: Tiết kiệm chi ngân sách hằng năm: 254,76 tỷ đồng, trong đó chi hoạt động thường xuyên: 71,67 tỷ đồng (khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể: 3,63 tỷ đồng, khối Nhà nước: 68,04 tỷ đồng); chi lương, phụ cấp: 183,09 tỷ đồng (khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể: 11,16 tỷ đồng, Khối Nhà nước: 109,43 tỷ đồng, cấp xã: khoảng 62,5 tỷ đồng). Ngoài ra, còn tiết kiệm chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng... đối với số người được giảm.

.
.
.