Thứ Năm, 05/07/2018, 09:28 (GMT+7)
.
Những điều cần biết về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Bài 2: Quá trình thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật

Bài 1: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và quá trình xây dựng dự án Luật

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành sự cần thiết ban hành Luật và góp ý vào các quy định cụ thể, tập trung vào các nội dung về mô hình tổ chức chính quyền địa phương và cơ chế tài chính, ngân sách, chính sách thuế và đất đai áp dụng cho các dự án đầu tư.

Tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn về nhiều nội dung

Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, chỉnh lý dự án Luật; đồng thời, tổ chức các cuộc làm việc với đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương có liên quan; tổ chức một số hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu; xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách; gửi dự án Luật đã được chỉnh lý để xin ý kiến Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, 63 Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Bộ Chính trị đã 3 lần nghe báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo; Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật tại 2 phiên họp thứ 20 (tháng 1-2018) và thứ 23 (tháng 4-2018); Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần có ý kiến bằng văn bản về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

So với dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 4, dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn về nhiều nội dung như: Quy hoạch; các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; các nội dung về phân cấp, phân quyền cho chính quyền đặc khu, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh và nhiều nội dung khác, nhất là thu hút công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, công nghiệp sáng tạo, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhưng phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Các quy định trong dự án Luật được tiếp thu trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đặc biệt là phải đáp ứng yêu cầu về chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Lùi thời gian thông qua dự án Luật để tiếp thu tối đa những góp ý xác đáng

Trong phiên thảo luận về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 (ngày 23-5-2018), đa số ý kiến các vị ĐBQH phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh và các nội dung của dự án Luật; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật. Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự án Luật mang tính đổi mới, đột phá cả về tổ chức bộ máy và định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển; sau phiên thảo luận tại Hội trường, có ý kiến đóng góp của một số ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án Luật còn khác nhau.

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban TVQH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự án Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Đồng thời, theo đề nghị của Ủy ban TVQH và Chính phủ, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự án Luật cho thật sự chất lượng.

THU HOÀI (tổng hợp)

(Còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.