Thứ Sáu, 13/07/2018, 21:45 (GMT+7)
.
PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN:

Tập trung giải quyết "sổ đỏ" tồn đọng thuộc Dự án VLAP

 Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6 – HĐND tỉnh, sáng 13-7 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề “nóng” tồn tại qua nhiều kỳ họp đã được đại biểu chất vấn tại hội trường và được UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành tỉnh trả lời với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.

* Tăng cường kiểm tra, xử lý việc chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Đặng Văn Tung đặt vấn đề: Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân tùy tiện chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, hoặc khi chuyển đổi mục đích thì không lập thủ tục thông qua cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Trọng trả lời chất vấn tại hội trường
Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Trọng trả lời chất vấn tại hội trường.

Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang Phạm Văn Trọng trả lời: Thời gian qua tại một số địa phương, việc sử dụng đất được thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người sử dụng đất vì lợi nhuận kinh tế trước mắt đã tự ý chuyển mục đích không theo quy định, làm xáo trộn mục đích sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai của địa phương.

Mặt khác, trong quy hoạch sử dụng đất có những khu vực chưa phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, một số công trình, dự án cần phải điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu kinh tế - xã hội.

Theo đó, trước mắt Sở TN&MT sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời, rà soát nhu cầu sử dụng đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch ngành để tổng hợp đưa vào điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện và trình phê duyệt, làm cơ sở để giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

* Tập trung giải quyết 482 hồ sơ tồn đọng thuộc Dự án VLAP

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Khỏi chất vấn: Tại Kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng kế hoạch tổ chức giải quyết tồn đọng của Dự án VLAP, phấn đấu cuối năm 2018 giải quyết dứt điểm các hồ sơ có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đại biểu Khỏi đề nghị Sở TN&MT cho biết kết quả thực hiện vấn đề này và giải pháp cụ thể đến cuối năm 2018?

Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Trọng cho biết: Dự án VLAP được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tại 8 đơn vị cấp huyện, gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy.

Trước đây, Sở TN&MT có báo cáo tổng số hồ sơ thuộc Dự án VLAP phải giải quyết là 12.000 hồ sơ, nhưng qua rà soát thì số hồ sơ có đủ điều kiện phải giải quyết chỉ khoảng 7.000 hồ sơ.

Đến ngày 6-7-2018, Sở TN&MT đã giải quyết được 6.518 GCNQSDĐ thuộc Dự án VLAP, phấn đấu đến 31-12-2018 sẽ giải quyết xong 482 hồ sơ đủ điều kiện còn tồn đọng theo quy định của pháp luật, nâng tổng số hồ sơ phải giải quyết khoảng 7.000 hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh khẩn trương giải quyết các hồ sơ GCNQSDĐ tồn đọng
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh khẩn trương giải quyết các hồ sơ GCNQSDĐ tồn đọng.

Tiến độ cấp đổi GCNQSDĐ của Dự án VLAP còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hồ sơ cần bổ sung thủ tục; đồng thời, cũng còn một bộ phận viên chức ngành TN&MT thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ chưa được chấn chỉnh, xử lý kịp thời...

Để đẩy nhanh việc thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ của Dự án VLAP trong thời gian tới, ngành TN&MT sẽ xây dựng Kế hoạch cấp giấy chứng nhận theo từng năm, tăng cường nhân lực của ngành, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia công tác cấp đổi giấy chứng nhận; chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức, viên chức ngành có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu, cố ý làm trái quy định pháp luật; tăng cường sự phối hợp các ngành, các cấp, nhất là trong việc cấp đổi GCNQSDĐ.

* Giải pháp đầu ra cho nông sản

Cử tri phản ánh hiện nay có nhiều mặt hàng nông sản giá cả rất thấp, đầu ra bấp bênh. Trong khi đó, giá vật tư cao, nông dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, đại biểu Võ Văn Láng đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp về đầu ra nông sản của tỉnh để nông dân an tâm sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa chỉ ra một số nguyên nhân gây khó khăn cho đầu ra của nông sản; đồng thời, cho biết thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đã góp phần ổn định đầu ra cho nông sản.

Đầu ra cho nông sản vẫn chưa ổn định
Đầu ra cho nông sản vẫn chưa ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương về thu mua, hỗ trợ giá nông sản; tham gia công tác xúc tiến thương mại, hội chợ kinh tế thương mại, phối hợp liên kết tiêu thụ nông sản….

Trong thời gian tới, ngoài các giải pháp nêu trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành sắp xếp, bố trí mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai thực hiện tốt các đề án, dự án, quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với thị trường.

UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp, điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thanh long cũng là nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá
Thanh long cũng là nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

Về thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh tăng cường rà soát thị trường các loại nông sản chủ yếu của tỉnh, bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước; nghiên cứu dự báo thông tin thị trường; tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả mô hình liên kết tiêu thụ nông sản đã triển khai.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương chủ động liên hệ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đại diện nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Thông qua đó, nông sản trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ, tránh tồn đọng, rớt giá, góp phần ổn định đời sống cho nông dân.

HOÀI THU – PHƯƠNG MAI

.
.
.