.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN MINH SƠN (PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG):

Ưu tiên tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019

Cập nhật: 06:20, 27/10/2018 (GMT+7)

Chiều 23-10, Quốc hội dành khoảng 60 phút để thảo luận bước đầu ở Tổ kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) có ý kiến cụ thể về một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện  3 Kế hoạch nêu trên đã được trình bày trước Quốc hội, trong đó nhấn mạnh về 12 chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định.

Lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn.

Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ…

Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao, nhưng tính bền vững chưa vững chắc, mang nhiều rủi ro, còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu; động lực cho tăng trưởng phần lớn vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI…

Mặt khác, vẫn còn một số nhiệm vụ Quốc hội giao nhưng đến thời điểm này việc tổ chức thực hiện của Chính phủ vẫn chưa đạt hiệu quả cụ thể, như: Chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI (về khả năng tiếp cận đất đai, tín dụng, nguồn lực…); chưa tháo gỡ được những vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn; chất lượng khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, chưa chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu rất đa dạng của thị trường trong nước và thế giới; doanh nghiệp nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa giải quyết căn cơ tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập lụt ở một số thành phố lớn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn ở một số nơi còn diễn biến phức tạp, khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở nhiều địa bàn; khiếu nại về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương…

Thứ hai, cơ bản nhất trí với những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đồng thời, đề nghị Chính phủ trong điều hành cần ưu tiên tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát tình hình quốc tế nhằm tranh thủ thời cơ, tận dụng tối đa cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế, như nông sản, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Hai là, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai các dự án có tính lan tỏa thấp, nhất là các dự án có quy mô lớn và rút ngắn thời gian triển khai thực hiện; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, kể cả đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần nhằm loại bỏ các dự án ô nhiễm môi trường…

Ba là, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định, điều kiện kinh doanh cần thiết, rõ ràng nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê của các tổ chức tín dụng, công ty đòi nợ. Đẩy mạnh nghiên cứu để sớm ban hành các quy định pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) - là hình thức cho vay cá nhân và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ trực tuyến (online) kết nối người vay và cho vay.

Bốn là, nghiên cứu, kiểm tra, rà soát để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, như Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Năm là, tăng cường mạnh mẽ công tác chỉ đạo, kiểm tra với các giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ, quyết liệt nhằm xử lý tốt việc ô nhiễm môi trường, rác thải, rác sinh hoạt ở nông thôn hiện nay đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cộng đồng dân cư nông thôn.

Sáu là, sớm trang bị các thiết bị, kỹ thuật… nhằm phát hiện, ngăn chặn việc xâm nhập của các loại ma túy mới, trong đó có nhiều loại cực mạnh, cực độc gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng và là nguyên nhân của nhiều loại vi phạm pháp luật và tội phạm nghiêm trọng.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.