.

Kiến nghị giải pháp giải quyết những vấn đề "nóng" trong xã hội

Cập nhật: 22:38, 27/10/2018 (GMT+7)

Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, chiều 27-10, nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề văn hóa, xã hội "nóng" được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xây dựng con người Việt Nam mới

Nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, việc phát triển nền văn hóa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho biết, đây là nội dung đã được đại biểu nêu ra tại các phiên họp trước.

Gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã quan tâm hơn tới văn hóa, Thủ tướng luôn quan tâm tới vai trò của văn hóa trong đối nội và đối ngoại. Văn hóa chính là tiền đề quan trọng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc, cử tri cho rằng đầu tư cho văn hóa, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật, nhất là văn hóa đỉnh cao, văn hóa cơ sở... vẫn chưa tương xứng.

Cử tri mong muốn lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần được quan tâm, đào tạo, đầu tư như trên các mặt trận khác.

Đại biểu đặt câu hỏi vấn đề nhận thức về vai trò của văn hóa là nền tảng, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đã đi vào cuộc sống chưa? Đến bao giờ nhận thức, hành động cụ thể chứ không phải coi văn hóa là "đàn ca, múa hát"?

Nhắc tới khái niệm "công nghiệp văn hóa," đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho biết, ở các nước phát triển đây là ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, củng cố sức mạnh mềm quốc gia...

Còn ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa mới ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, nguồn thu kinh tế từ văn hóa chưa được bao nhiêu. Sự thiếu chuyên nghiệp đã làm lãng phí tiềm năng về văn hóa của Việt Nam.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) quan tâm đến một khía cạnh trong lĩnh vực văn hóa, USD xây dựng con người Việt Nam mới đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức lối sống gần đây.

Dẫn chứng từ 2 vụ việc đơn lẻ trong xã hội nhưng khiến mỗi người đều giật mình, đau xót, đại biểu nêu rõ một nữ sinh viên năm thứ 4, được đánh giá là ngoan, hiền trong hơn nửa năm yêu ba người, sinh con trong nhà vệ sinh của người yêu thứ ba.

Điều quan trọng hơn là hành động của nữ sinh vứt bỏ đứa con của mình vừa dứt ruột đẻ ra từ nhà vệ sinh xuống đất. Hay như vụ việc một thiếu niên 15 tuổi đã sát hại một sinh viên làm thêm việc chở khách chỉ vì thích chiếc xe côn tay của nạn nhân.

Những hành động này xuất phát từ sự nhẫn tâm, sự thiếu hiểu biết pháp luật, do đạo đức xuống cấp hay do tất cả các nguyên nhân này? - đại biểu đặt câu hỏi.

Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tiến hành khảo sát về đời sống văn hóa.

Qua khảo sát, nhiều người dân nhận định đạo đức xã hội xuống cấp. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội cũng đánh giá còn có những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên trong các báo về kinh tế-xã hội hàng năm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này dường như còn chưa đủ.

Con người là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển, của tương lai đất nước - đại biểu nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ có những đánh giá sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân của vấn đề này; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trên "nóng," dưới "nóng" nhưng ở giữa "lạnh"

Quan tâm đến cải cách nền tư pháp, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng, một nền kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường thì điều căn bản là minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi, doanh nghiệp trong hay ngoài Nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến nêu rõ hoàn thiện thể chế tư pháp là điều kiện, để cơ hội đầu tư kinh doanh các Hiệp định thương mại tự do được thực thi hiệu quả.

Bên cạnh đó, một trong các yếu tố về tăng trưởng kinh tế là tăng năng suất lao động, phải tăng đầu tư, không chỉ ở nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay nước ngoài, cần phải huy động nội lực làm nguồn vốn huy động trong dân.

Nhắc đến vụ việc người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng vừa qua tại Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng đây là điển hình về sự thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình.

Việc xóa bỏ tình trạng đôla hóa thị trường phải được thực thi, những quy định cứng không có định lượng, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.

Sự tồn tại của các nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

"Bên cạnh đó, những mức phạt phải xem xét lại, vì đổi 10 USD, 100 USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD, 100.000 USD, đều phạt ở mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp," đại biểu Nguyễn Văn Chiến nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, lâu nay khi tìm cách phát triển nền kinh tế, các cơ quan có thẩm quyền chỉ nghĩ đến các khoản vốn đầu tư ODA, FDI hay các khoản vay trái phiếu Chính phủ ngân hàng Nhà nước, ngân hàng nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư trong nước; gần đây mới quan tâm đến khai phóng tiềm lực trong nhân dân, khuyến khích người dân đầu tư làm việc, làm ăn.

Nhưng hành lang pháp lý lại quá nhiều đến mức phải cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh, khiến người dân vẫn chưa yên tâm bỏ tiền đầu tư. "Vậy sắp tới Chính phủ có giải pháp nào để số tiền này trong dân sẽ được đưa vào lưu thông, góp phần thực hiện giải pháp tăng trưởng kinh tế như đã đặt ra. Thiết nghĩ, giải pháp nào cũng phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân. Một nền kinh tế thị trường dựa trên sức dân thì phải song hành với một nền tư pháp rõ ràng, minh bạch, thực thi nghiêm minh," đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng doanh nghiệp, người dân hiện nay cần cơ chế thuận lợi trong quyết định đầu tư; dễ dàng, khách quan trong giải quyết tranh chấp, bình đẳng, công bằng trong đối xử; đặc biệt hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế dứt khoát phải loại trừ.

Ở trên, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt hoàn thiện pháp luật và thể chế để bảo đảm thực thi. Ở dưới, người dân "nóng" vì mong đợi sự cải cách đổi mới, kỳ vọng quyền lợi hợp pháp được bảo đảm.

Nhưng ở giữa, một bộ phận không nhỏ bộ máy cơ quan Nhà nước thực thi vẫn "lạnh," vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân, không coi người dân là mục tiêu phục vụ trong công tác của mình vì không có nền kinh tế mạnh phát triển trên sức dân.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, thủ tục hoàn tất, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau cổ phần nhưng những vụ việc bị thanh tra mặc dù lỗi không thuộc doanh nghiệp nhưng kết quả giải quyết tài sản bị thu hồi thiệt hại thuộc về doanh nghiệp, người lao động rất lớn; cơ hội kinh doanh mất đi, tranh chấp phát sinh liên tục kéo dài, bản án tuyên không thi hành được.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án dân sự năm 2018, tiền phải thi hành án là 196 nghìn tỷ đồng (khoảng hơn 8 tỷ USD) nhưng mới thực hiện được 38,4%, USD thực trạng chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu.

Vì vậy, cần coi công tác tư pháp là mắt xích quan trọng trong guồng máy phát triển kinh tế. Nếu mắt xích này yếu sẽ kìm hãm việc thực hiện giải pháp chung của nền kinh tế đất nước.

Chính phủ cần lưu ý cơ chế tư pháp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, làm cho các giải pháp được đồng bộ và hiệu quả - đại biểu kiến nghị.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/kien-nghi-giai-phap-giai-quyet-nhung-van-de-nong-trong-xa-hoi/532150.vnp)

.
.
.