.

Xử lý đảng viên vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng!

Cập nhật: 14:54, 31/10/2018 (GMT+7)

Để giữ gìn, củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng và hành động, từ đó phát huy vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trong mọi hoạt động của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh yêu cầu về tính kỷ luật, đồng thời luôn tuân thủ vấn đề có tính nguyên tắc là đảng viên vi phạm phải nhận hình thức kỷ luật tương ứng. Vì thế, phải khẳng định việc vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật một đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là việc làm nghiêm túc và hết sức cần thiết.

Kết luận kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy ban KTTƯ) vừa công bố đã thu hút sự chú ý của dư luận, vì cho thấy sự nghiêm khắc của Đảng khi đưa ra hình thức kỷ luật đối với một số đảng viên, tổ chức đã vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Sự nghiêm khắc này, một mặt khẳng định quyết tâm làm trong sạch đội ngũ để tăng cường sức mạnh của Đảng, một mặt góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thông cáo báo chí Kỳ họp 30 của Ủy ban KTTƯ cho biết, bên cạnh việc đưa ra hình thức kỷ luật với một số đảng viên, tổ chức đảng đã vi phạm kỷ luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực, Ủy ban KTTƯ còn kiểm tra, xem xét khi có dấu hiệu vi phạm, và kết luận, đưa ra hình thức kỷ luật với một đảng viên “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”. Đó là đồng chí Chu Hảo, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản (NXB) Tri thức.

Sau khi Ủy ban KTTƯ công bố kết luận, hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lập tức đồng loạt đưa tin, song hầu như không đề cập trường hợp khác, mà chủ yếu tập trung bình luận tiêu cực, tạo diễn đàn để một số người ca ngợi, bênh vực đồng chí Chu Hảo, đưa ra luận điệu vu cáo, vu khống đối với Đảng Cộng sản Việt Nam… Đây là hiện tượng rất bất thường, và tại sao lại như vậy?

Từ việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Chu Hảo, Ủy ban KTTƯ kết luận: “Với cương vị là Giám đốc - Tổng Biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc NXB Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy…, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Cần khẳng định các kết luận của Ủy ban KTTƯ là dựa trên cơ sở thực tế từ việc làm, phát ngôn của đồng chí Chu Hảo trong thời gian dài. Qua đó có thể thấy vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo khá gần gũi với điều mà các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam thường cổ vũ nhằm truyền bá luận điệu sai trái, khuyến khích và gieo mầm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng, cho nên không có gì ngạc nhiên khi họ ca ngợi, bảo vệ đồng chí Chu Hảo.

Theo Điều 2, Quyết định số 1035/QĐ-LHH (năm 2005) của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì tôn chỉ, mục đích của NXB Tri thức là “Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thành tựu khoa học và công nghệ được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống, giáo dục, góp phần nâng cao dân trí và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhưng có thể nói, các năm qua, nổi lên trong hoạt động xuất bản, phát hành của nhà xuất bản này lại là một số ấn phẩm chưa đáp ứng, vượt ra ngoài tôn chỉ, mục đích, như từ năm 2005 đến năm 2009, đã xuất bản một số đầu sách có nội dung sai phạm (như: đề cao giá trị dân chủ của chủ nghĩa tư bản; phủ nhận hệ thống triết học, chính trị và kinh tế của chủ nghĩa xã hội; phủ định chủ nghĩa Mác; có luận điểm đi ngược lại chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; sai lầm, ấu trĩ về nhận thức; nhận xét sai lầm về học thuật, phủ nhận các nội dung cốt lõi trong tư tưởng C. Mác…).

Do đó, cơ quan chức năng đã thẩm định, kết luận, xử phạt hành chính, cấm phát hành năm cuốn. Tuy nhiên, dù sai phạm đã ở mức áp dụng kỷ luật cảnh cáo, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương vẫn miễn áp dụng hình thức kỷ luật, nhưng yêu cầu đồng chí Chu Hảo nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về các thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm, có biện pháp sửa chữa, nghiêm túc thực hiện tôn chỉ, mục đích của NXB Tri thức.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến năm 2018, với vai trò Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tri thức, đồng chí Chu Hảo tiếp tục để nhà xuất bản này xuất bản một số đầu sách có nội dung vi phạm với 24 cuốn phải xử lý (trong đó có hai cuốn sai phạm nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng bị cấm phát hành; 17 cuốn sai phạm ở mức ít nghiêm trọng, các cơ quan chức năng yêu cầu chỉnh sửa chi tiết, nộp lại lưu chiểu trước khi phát hành; năm cuốn không được phép tái bản).

Như vậy trong hơn 10 năm, đồng chí Chu Hảo là người chịu trách nhiệm chính khi để NXB Tri thức vi phạm một số điều khoản quan trọng của Luật Xuất bản năm 2004, nay là Luật Xuất bản năm 2012; Nghị định 111/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản, nay là Nghị định 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản…

Về phần cá nhân, từ năm 2011, tên tuổi của đồng chí Chu Hảo đã bắt đầu xuất hiện trong một số văn bản kiến nghị, thư, thư ngỏ, tuyên bố trong đó có văn bản đòi “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đòi “thực hiện đa nguyên đa đảng”, “phi chính trị hóa quân đội”, “chuyển đổi từ thể chế toàn trị sang thể chế dân chủ”…

Đặc biệt, tháng 6-2018, một sự kiện liên quan đồng chí Chu Hảo đã xảy ra, đó là sau khi cái gọi “khuyến nghị về Luật An ninh mạng” xuất hiện (văn bản được cho là do “nhóm chuyên gia”, trong đó có đồng chí Chu Hảo soạn thảo), Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã gửi thư đến cơ quan chức năng khẳng định: “Tôi cho rằng một số người (ông Đặng Hữu, Chu Hảo...) đã lợi dụng vị trí cá nhân, chức vụ của tôi trước đây để đưa những thông tin không đúng sự thật, đây là hoạt động bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân tôi, mục đích cuối cùng của họ là nhằm phủ nhận Dự thảo Luật An ninh mạng, ngăn cản Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng”.

Và cần phải nhắc đến nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn của đồng chí Chu Hảo trên báo chí nước ngoài, công bố trên mạng; việc đồng chí tham gia hoặc có quan hệ với một số tổ chức, diễn đàn được lập ra chỉ nhằm mục đích phát tán, tuyên truyền, xuất bản tài liệu để quảng bá tinh thần dân chủ phương Tây, hoặc “trao đổi, tập hợp ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”…

Qua đó có thể thấy đồng chí Chu Hảo chưa có nhận thức đúng đắn về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời có việc làm, phát ngôn biểu hiện sự suy thoái rất nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, để bản thân lâm vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Như vậy, đồng chí Chu Hảo đã vi phạm một số quy định về kỷ luật của Đảng được xác định trong: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quy định 47-QĐ/TW (năm 2011) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về những điều đảng viên không được làm; Quy định 101-QĐ/TW (năm 2012) của Ban Bí thư quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Ngày 15-11-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW (Quy định 102) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có khoản 1 Điều 2 khẳng định: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Nội dung này trực tiếp cho thấy tính nguyên tắc của việc đảng viên luôn phải tuân thủ kỷ luật của Đảng và nếu vi phạm sẽ phải nhận hình thức kỷ luật tương ứng mức độ vi phạm.

Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, vì một trong các yếu tố cơ bản để Đảng luôn xứng đáng với vai trò lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là luôn giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm mỗi đảng viên là công dân tích cực, gương mẫu, như Bác Hồ khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên” (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.67).

Trên thực tế, việc đưa ra hình thức kỷ luật đối với sai phạm của đảng viên là việc không mong muốn, nhưng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, tổ chức ngày 24-2-2017 thì “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót.

Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Vì thế việc xử lý các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là hết sức cần thiết, nhất là khi vi phạm, khuyết điểm đó không chỉ liên quan kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội. Và đó cũng là bài học, là sự cảnh tỉnh với những người đang đứng trong đội ngũ của Đảng nhưng lại manh nha suy nghĩ, có hành động đi ngược lời hứa của mình trước Đảng.

(Theo Báo Nhân Dân điện tử)

 

.
.
.