Thứ Năm, 08/11/2018, 07:56 (GMT+7)
.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Góp ý 4 nội dung dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Chiều 6-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi); đồng thời, tham gia đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thông qua, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về Công an xã trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân tại Điều 17: Theo Nghị quyết 22 của Trung ương, chủ trương xây dựng lực lượng Công an xã thành lực lượng chính quy, nhưng trong dự thảo Luật quy định theo hướng một số xã chưa tổ chức Công an xã chính quy và một số xã tổ chức Công an xã thành lực lượng chính quy.

Đề nghị quy định rõ lộ trình để đưa lực lượng Công an xã từ chưa chính quy trở thành lực lượng chính quy. Việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an xã từ bán chuyên trách sang lực lượng chính quy là một bước chuyển đổi căn bản, đề nghị cần đánh giá thêm về việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức hoạt động; đồng thời, đánh giá về sự tương thích trong tổ chức, điều hành khi có sự đan xen giữa cái mới và cái cũ khi chuyển đổi.

Bởi, trước đây Quốc hội dự kiến ban hành Luật Công an xã, hiện nay đã đưa Luật Công an xã ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do vậy các quy định về lực lượng Công an xã đã được đưa vào dự thảo Luật này.

Tuy nhiên, quy định về lực lượng Công an xã còn mờ nhạt, chủ yếu ở 2 điều, Điều 17 về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân và Điều 46 về điều khoản chuyển tiếp; đồng thời, dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

Việc đưa vào dự thảo Luật là phù hợp nhưng cần có các quy định mang tính nguyên tắc hoạt động về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an xã để làm căn cứ giao Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

Thứ hai, về cấp bậc, hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân tại Điều 25:

Một, so với Luật Công an nhân dân năm 2014 và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì việc quy định cấp bậc, hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân chưa thực sự chi tiết, cụ thể như: Quy định về cấp hàm Trung tướng tại điểm c khoản 1 chưa cụ thể theo từng vị trí chức vụ. Ví dụ, thay vì quy định cụ thể Giám đốc các Học viện An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân thì dự thảo Luật chỉ quy định chung là đơn vị có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng.

Hai, tại điểm d khoản 1 dự thảo Luật quy định Giám đốc công an 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương loại 1 (trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có cấp bậc, hàm cao nhất là Thiếu tướng. Quy định này chưa thực sự thuyết phục vì không có tiêu chí cụ thể về an ninh trật tự mà chỉ căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.

Mặt khác, số lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương loại 1 có thể biến động, nếu quy định cứng là 11 có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung Luật khi có số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 tăng lên.

Ngoài ra, để bảo đảm các chế độ của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, đề nghị trong thời gian tới cần xem xét sớm sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để quy định về cấp bậc, hàm của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương loại 1 tương đương với Công an nhân dân.

Ba, tại điểm đ khoản 1 quy định về cấp bậc, hàm Đại tá đối với Giám đốc Công an tỉnh, trừ quy định tại điểm c và điểm d khoản này, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ, Hiệu trưởng các trường trung cấp, đề nghị quy định cấp bậc, hàm cao nhất của cấp phó của các chức vụ này.

Bốn, tại điểm e khoản 1 quy định về cấp hàm của Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Thượng tá, đề nghị cần phân biệt đơn vị cấp huyện loại 1 giống như cấp tỉnh để quy định cấp hàm cho phù hợp.

Năm, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định chi tiết về các vị trí, chức vụ trong bộ máy Công an nhân dân để đưa ra cấp bậc, hàm cao nhất cho phù hợp, đảm bảo tương thích với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cấp, bậc, hàm ứng với mỗi chức vụ cần quy định cụ thể trong Luật, khi đã có quy định cụ thể về cấp bậc, hàm trong Luật, đề nghị không nên có thêm một bước là Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí của cấp bậc, hàm Trung tướng, Thiếu tướng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 25.

Thứ sáu, tại khoản 2 Điều 25, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về cấp hàm tương đương nhằm tránh thiệt thòi đối với các đồng chí khi biệt phái thực hiện nhiệm vụ công tác tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với các chức danh như:  Ủy viên Thường trực Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban.  

Thứ ba, về hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân tại Điều 30: Tại khoản 3 và khoản 4 điều này có quy định về việc kéo dài thời gian phục vụ đối với một số trường hợp, đề nghị quy định rõ trong thời gian kéo dài có giữ chức vụ quản lý hay không.

Thứ tư, về công nghiệp an ninh tại Điều 34: Dự thảo Luật có quy định về quy hoạch phát triển công nghiệp an ninh. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch năm 2017 không có quy định về loại quy hoạch này. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định cho phù hợp với Luật Quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét để quy định, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp an ninh vào Phụ lục quy hoạch cho đúng với quy định của pháp luật.

                                                                       ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.