Thứ Ba, 06/11/2018, 20:50 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN MINH SƠN, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG:

Góp ý 6 nội dung dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Chiều 5-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham gia góp ý 6 nội dung sau:

Một là, quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 3:

Thứ nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 để làm rõ hơn về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam trong tương quan với các đơn vị khác, như Bộ đội Biên phòng và Hải quân Việt Nam.

Thứ hai, về kỹ thuật, cuối khoản 2 cần quy định giới hạn quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đề nghị bỏ cụm từ “thỏa thuận quốc tế”, vì theo Điều ước quốc tế thì thỏa thuận quốc tế cũng là một dạng của điều ước quốc tế.

Hai là, về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam, dự án Luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ tài nguyên môi trường biển tại khoản 2, Điều 8; đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển tại khoản 3, Điều 8.

Đề nghị cần lưu ý Luật Thủy sản đã quy định chức năng của kiểm ngư trong thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Điều 87 của Luật Thủy sản.

Nguồn lợi thủy sản là một dạng tài nguyên biển, việc khai thác thủy sản thực hiện trên biển, như vậy nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam có chồng lấn với kiểm ngư hay không? Đề nghị dự thảo Luật cần phải làm rõ.

Ba là, về quyền hạn Cảnh sát biển Việt Nam: Khoản 1, Điều 9 dự án Luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra người, tàu, thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật Thủy sản cũng quy định Kiểm ngư có nhiệm vụ thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật tại điểm a, khoản 1, Điều 88. Như vậy, quy định của dự án Luật chưa phân biệt nhiệm vụ của Cảnh sát biển và Kiểm ngư.

Bốn là, về biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam: Khoản 1, Điều 12 của dự án Luật quy định biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên biển theo quy định của pháp luật.

Đề nghị làm rõ nội hàm của biện pháp “pháp luật”.
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 12 của dự án Luật cũng quy định Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác nói trên. Tuy nhiên, chưa làm rõ quy trình xin ý kiến Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp này.

Trong khi đó, các vi phạm trên biển đòi hỏi Cảnh sát biển khi thực hiện tuần tra phải có biện pháp xử lý kịp thời, nếu đợi xin ý kiến cấp trên sẽ làm chậm trễ việc xử lý vi phạm. Vì vậy, đề nghị trong dự án Luật quy định cụ thể các trường hợp áp dụng các biện pháp công tác tại khoản 1, Điều 12 để làm căn cứ xử lý kịp thời các vi phạm trên biển.

Năm là, về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát: Dự án Luật quy định 5 trường hợp dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát. Đây là điểm tích cực của dự án Luật nhằm hạn chế các trường hợp gây khó khăn cho hoạt động trên biển của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, đối với trường hợp dừng tàu, thuyền do có tố giác tin báo về hành vi vi phạm pháp luật cần quy định thận trọng hơn, tránh trường hợp lạm dụng quyền hạn khi thực thi pháp luật.

Sáu là, về nguyên tắc phối hợp: Điều 23 của dự án Luật quy định trên cùng một vùng biển, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng thì lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định.

Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển hồ sơ cho lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho lực lượng chuyển giao được biết.

Đề nghị tại khoản 5, Điều 23 cần cân nhắc nguyên tắc phối hợp này, do các sự việc xảy ra trên biển yêu cầu có biện pháp xử lý ngay, nếu chuyển hồ sơ cho lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết mà không có biện pháp tạm giữ tàu, thuyền vi phạm sẽ gây chậm trễ, có khả năng để lọt vi phạm.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.