Thứ Năm, 08/11/2018, 20:51 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý dự án Luật Đặc xá

Sáng 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo của Luật Đặc xá và báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tham gia ý kiến đóng góp về hai vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, qua nghiên cứu các hành vi bị cấm ở Điều 7 dự thảo Luật, nhằm đảm bảo hoạt động đặc xá được thực hiện chính xác, công bằng và đúng pháp luật, hướng đến mục đích quan trọng khác là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người được đề nghị đặc xá. Dưới góc nhìn của lợi ích này là người được đề nghị đặc xá còn có quyền thiết yếu khác là quyền khiếu nại.

Theo quy định tại Điều 37 của dự thảo Luật thì người có đơn đặc xá có quyền khiếu nại về người đó có đủ điều kiện nhưng không được giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh, thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp Quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án Quân sự cấp Quân khu không đưa vào danh sách người được đặc xá.

Đây là một quyền có ý nghĩa không những đối với người có thể được đề nghị đặc xá mà còn có ý nghĩa đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện đặc xá. Bởi vì, theo quy định của Luật Khiếu nại thì bản chất của khiếu nại yêu cầu chủ thể có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái với pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nào đó có những chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn có liên quan đến hoạt động đặc xá có thể không muốn người không được đưa vào danh sách đề nghị đặc xá thực hiện quyền khiếu nại, sẽ có những hành vi cản trở có thể thực hiện dưới các dạng hành động ngăn cản việc khiếu nại ở dạng không hành động như: Không thông báo về quyền khiếu nại của người được đưa vào danh sách được đề nghị đặc xá, không chuyển đơn khiếu nại đến chủ thể có thẩm quyền để giải quyết...

Việc này gây ra hậu quả trực tiếp là xâm phạm quyền khiếu nại của người đang chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật về quyền con người, còn gián tiếp là hành vi cản trở, tước đi việc sửa sai của chủ thể có thẩm quyền trong việc thực thi chính sách nhân đạo của Nhà nước. Một chính sách nhân đạo bị thực hiện sai sẽ trở thành không nhân đạo. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách, hình ảnh của Nhà nước ta.

Với những lý lẽ trên thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc khiếu nại trong hoạt động đặc xá là cần thiết, bị nghiêm cấm, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Điều 7 để quy định của dự thảo Luật được đầy đủ và hoàn chỉnh hơn.

Thứ hai, về thuật ngữ, nội dung của Luật Đặc xá là những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch nước và các chủ thể khác có liên quan nhằm thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.

Mặc dù có phạm vi điều chỉnh đối tượng riêng nhưng rõ ràng giữa Luật Đặc xá và Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự có mối quan hệ với nhau. Theo đó, trong mối quan hệ này thì Bộ luật Hình sự là luật chung, còn Luật Đặc xá là luật chuyên ngành, do đó Luật Đặc xá chia sẻ rất nhiều các thuật ngữ liên quan đến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều này bên cạnh việc đảm bảo chính xác trong nội dung, ý nghĩa của quy định chuẩn mực và thống nhất trong hệ thống pháp luật còn giúp cho người đọc không bị lẫn lộn, phân vân khi áp dụng Luật.

Trong cả 3 văn bản luật này đều có sử dụng lẫn lộn 2 thuật ngữ là "chấp hành hình phạt tù" và "chấp hành án phạt tù" hoặc dưới góc độ rộng hơn lẫn lộn giữa "chấp hành hình phạt" và "chấp hành án phạt". Trong phạm vi góp ý về dự thảo Luật Đặc xá phần lớn đều sử dụng thuật ngữ "chấp hành án phạt tù" (tới 37 lần).

Tuy nhiên, có một vài trường hợp quy định có sử dụng "chấp hành hình phạt tù", cụ thể tại điểm 1 khoản 1 Điều 11 sử dụng cụm từ "chấp hành án phạt tù" nhưng điểm c, điểm d khoản 3 Điều 11 lại sử dụng "chấp hành hình phạt tù"; Điều 14 khoản 3 thì dùng "chấp hành hình phạt tiền"; các Điều 15 khoản 3, Điều 18 khoản 1, khoản 3 cũng quy định "chấp hành hình phạt tù".

Vấn đề đặt ra là trong 2 thuật ngữ này, thuật ngữ nào là đúng? Hay là cả 2 đúng? Hay 1 trong 2 là đúng? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ để thống nhất về từ ngữ pháp luật được quy định trong luật, đảm bảo dễ đọc, dễ hiểu, dễ tra cứu khi áp dụng luật.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận dự án Luật tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng đã tham gia phát biểu ý kiến về nội dung quy định của Luật đối với người có công với cách mạng, cụ thể là: Với ý kiến đề xuất mà chỉ ghi người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sẽ không đầy đủ theo tinh thần trong dự thảo luật trình Quốc hội.

Bởi, trong điểm b khoản 2 bao gồm có đối tượng thuộc trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có đối tượng nằm ngoài Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, cách thể hiện trong dự thảo Luật lại có trùng lắp như sau liệt kê người có công với cách mạng, lại liệt kê một số đối tượng khác mà đây chính là đối tượng trực tiếp người có công với cách mạng.

Ví dụ, đối tượng người được tặng thưởng một trong các loại huân chương, huy chương kháng chiến thì đây sẽ là 1 trong 2 đối tượng hoặc là người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương hoặc người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương thì sẽ trùng lắp, hoặc người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công hoặc Bằng có công với đất nước thì đây cũng là đối tượng người có công với cách mạng.

Do đó, với tinh thần của dự thảo Luật, đề nghị chỉnh lại điểm b khoản 2 Điều 11 như sau: "Người có công với cách mạng; người được tặng thưởng danh hiệu dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thành tích trong xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động; cha mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; vợ, chồng, con của người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công hoặc Bằng có công với đất nước".

                                                                       ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.