Thứ Tư, 20/02/2019, 16:37 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17-2-1979 - 17-2-2019)

Chuyện về lá cờ truyền thống

Trong đợt viết đơn tình nguyện đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc vào tháng 2-1979, trong ký ức của anh Trần Thanh Hùng (lúc bấy giờ là Bí thư Xã đoàn Đạo Thạnh, thuộc Thành đoàn Mỹ Tho), kỷ niệm về “Lá cờ truyền thống” được lãnh đạo thành phố trao được anh bồi hồi nhớ lại: Sau khi có lệnh Tổng động viên toàn quốc, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho phát động đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) thành phố tình nguyện đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Vừa phát động, có hàng trăm ĐV-TN viết đơn tình nguyện; đặc biệt, có nhiều ĐV-TN viết đơn bằng máu thể hiện sự quyết tâm tham gia cuộc chiến đấu, đông đảo là lực lượng đoàn viên của Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Đình Chiểu và ĐV-TN xã Đạo Thạnh.

Từ trái sang, các cựu chiến binh Tiểu đoàn Ấp Bắc 2: Trần Thanh Hùng, Lê Rô và Phạm Trung Vinh.
Từ trái sang, các cựu chiến binh Tiểu đoàn Ấp Bắc 2: Trần Thanh Hùng, Lê Rô và Phạm Trung Vinh.

Ngay sau đó, lãnh đạo TP. Mỹ Tho tập hợp lực lượng tình nguyện, thành lập quân số đủ một đại đội, tạm giao cho đồng chí Lê Rô, Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu làm Đại đội trưởng và đồng chí Trần Thanh Hùng, Bí thư Xã đoàn Đạo Thạnh làm Đại đội phó. Đại đội được mang tên “Đại đội truyền thống” TP. Mỹ Tho.

Theo đồng chí Lê Rô, ngày 3-4-1979, tại khán đài Hùng Vương, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho Phạm Thanh long trọng trao cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” - cờ truyền thống TP. Mỹ Tho cho đơn vị. Sau đó đơn vị được bổ sung vào Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Hành quân ra đến miền Bắc, đơn vị gia nhập vào đội hình của Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, đóng quân tại huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).

Lá cờ truyền thống TP. Mỹ Tho đã theo bước chân của cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 ra biên giới phía Bắc. Mặc dù khi đơn vị hành quân đến mặt trận biên giới phía Bắc thì kẻ thù đã rút hết quân về bên kia biên giới Việt - Trung, nhưng những người con của quê hương Tiền Giang vẫn hăng say làm rất nhiều việc, góp phần bảo vệ biên giới phía Bắc, giúp dân khắc phục hậu quả chiến tranh với tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng”…

Cũng theo lời kể của đồng chí Trần Thanh Hùng, khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, có một chi tiết vô cùng xúc động là: Đơn vị đóng quân ở vùng núi thuộc tỉnh Bắc Thái, hạ sĩ Trần Công Danh (quê phường 4, TP. Mỹ Tho) mắc bệnh sốt rét ác tính, vì đường xa, núi non hiểm trở xe không lên được, đồng đội đã thay nhau võng bộ, nhưng khi đến Trạm Quân y đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng. Đơn vị tổ chức chôn cất đồng chí Danh tại nghĩa trang địa phương. Đến năm 1984, đơn vị được lệnh rút quân về Tiền Giang, đồng đội đã đưa hài cốt đồng chí Danh về chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhà. Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc thể hiện tình cảm đồng chí, đồng đội gắn kết, một lòng vì Tổ quốc, mà đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại, CB-CS Đại đội truyền thống TP. Mỹ Tho, Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 vẫn lâng lâng niềm tự hào xen lẫn niềm tiếc thương vô hạn đồng chí, đồng đội đã hy sinh hoặc đã mất vì bệnh tật.

Nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 họp bàn chuẩn bị tổ chức họp mặt truyền thống, thì bỗng nhiên đồng chí Trần Thanh Hùng nhớ lại mình đang giữ lá cờ truyền thống “Quyết chiến, Quyết thắng” của Thành ủy Mỹ Tho trao tặng cách nay 40 năm vẫn còn nguyên vẹn. Nhìn lá cờ truyền thống làm nhớ lại Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, những cựu chiến binh Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 bồi hồi xúc động, những kỷ niệm năm xưa lại ùa về...

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.