Thứ Sáu, 01/02/2019, 15:43 (GMT+7)
.

Mùa xuân và sự ra đời của Đảng bộ Tiền Giang

Mỗi năm, khi tết đến, xuân về, người dân nước ta luôn có câu nói quen thuộc: “Mừng Đảng, mừng Xuân”, hay “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới” để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng, với Bác Hồ kính yêu và để tạc dạ ghi tâm một mốc son lịch sử: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 đúng vào thời khắc giao hòa giữa đất trời, từ đó “ý Đảng, lòng dân” trở thành vũ khí sắc bén có sức mạnh vô địch “bách chiến bách thắng” đối với mọi quân xâm lược; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đem lại mùa xuân bất tận cho dân tộc ta.

Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc).
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc).

Trong khi nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đang đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng, thì năm 1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chiếc cẩm nang cứu nước, cứu dân: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (1).

Dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ, Kỳ bộ và sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công, phong trào yêu nước của nhân dân 2 tỉnh trong những năm 1927-1929 có bước phát triển mới. Đầu năm 1929, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Phong trào cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải có một chính đảng lãnh đạo với đường lối cách mạng triệt để, đem lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Mặt khác, các cán bộ, hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tiên tiến ngày càng tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin đầy đủ hơn và được trưởng thành trong đấu tranh.

Họ nhận thức rằng, đã đến lúc cần phải có một đảng cộng sản lãnh đạo mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng.

Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng lực lượng để tiến lên thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công.

Mùa Thu năm 1929, các đồng chí trong Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam kỳ triệu tập hội nghị gồm các đại biểu được chọn lọc và chỉ định ở các tỉnh để bàn việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng (2).

Các đại biểu dự hội nghị đều trở thành đảng viên và có nhiệm vụ về tỉnh chọn lựa trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên những người nòng cốt kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.

Sau hội nghị này, đại biểu của 2 tỉnh trở về địa phương kết nạp đảng viên và xây dựng cơ sở đảng. Giữa tháng 8-1929, An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Nguyễn Ngọc Ba làm Bí thư. Cơ quan Tỉnh ủy đóng tại TX. Mỹ Tho.

Tháng 8-1929, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba đến tỉnh Gò Công kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Côn vào An Nam Cộng sản Đảng, cùng với các đồng chí khác và thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Gò Công tại xã Vĩnh Hựu, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư.

Giữa tháng 8-1929, các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng lần lượt ra đời. Ở TX. Mỹ Tho, ngoài cơ quan của Tỉnh ủy Mỹ Tho, còn xây dựng 1 chi bộ của thị xã. Ở quận An Hóa có chi bộ ghép 3 xã: Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới; ở quận Châu Thành có chi bộ các xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Thạnh Phú; ở các quận Chợ Gạo, Cai Lậy, những người nòng cốt trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.

Ngoài tổ chức của An Nam Cộng sản Đảng, ở tỉnh Mỹ Tho còn có tổ chức cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu tháng 12-1929, đồng chí Ngô Gia Tự - đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng vào Nam kỳ xây dựng cơ sở đảng ở xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành).

Đồng chí thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở tỉnh Mỹ Tho tại xã Vĩnh Kim, rồi lần lượt phát triển ra các xã trong quận Châu Thành.

Trước tình hình cơ sở đảng phát triển mạnh, Ban Tổng ủy Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập để có một cơ quan thống nhất lãnh đạo.

Thực dân Pháp và bọn tay sai ra sức khủng bố. Nhiều đồng chí bị giặc bắt như đồng chí Nguyễn Ngọc Ba, đồng chí Nguyễn Văn Côn (3) và nhiều đồng chí khác. Mặc dù vậy, cơ sở Đảng Cộng sản ở Mỹ Tho vẫn phát triển rộng rãi.

Các tổ chức cộng sản ra đời ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đáp ứng yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng tiếp tục phát triển.

Đầu tháng 1-1930, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Lênin, Lípnếch, Lúcxămbua, truyền đơn được phổ biến tại TX. Mỹ Tho.

Tuy nhiên, trong một địa phương mà có tới hai hệ thống tổ chức Đảng: An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng, dẫn đến sự không thống nhất trong tư tưởng và hành động.

Phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho đòi hỏi cần phải có một hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản duy nhất để thống nhất lãnh đạo.

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng (Trung Quốc).

Hội nghị họp từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 và quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10-1930 đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) (4).

Sau hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu (5) trở về Sài Gòn, liên lạc với Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng và đồng chí Ngô Gia Tự - đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam kỳ - thành lập ra “Ban lâm thời chấp ủy” Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ gồm 4 đồng chí, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư.

Ban lâm thời chấp ủy có nhiệm vụ hợp nhất các tổ chức cộng sản ở các tỉnh cho đến tận các chi bộ cơ sở và các hội quần chúng. Các nhóm cộng sản đều giới thiệu đảng viên và tổ chức của mình cho Ban lâm thời chấp ủy và chịu sự chỉ đạo của Ban lâm thời chấp ủy.

Ban lâm thời chấp ủy phân công một nhóm cán bộ về tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công tiến hành thống nhất các cơ sở đảng ở đây.

Từ tháng 2 đến tháng 4-1930, các chi bộ Đảng ở tỉnh Mỹ Tho thống nhất và xây dựng thêm như: Ở TX. Mỹ Tho có Chi bộ Xóm Dầu (thuộc phường 3), Chi bộ Collège de Mytho, Chi bộ Hãng Xáng; ở quận Châu Thành có chi bộ các xã: Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn; ở quận Chợ Gạo có Chi bộ Ông Văn; ở quận Cai Lậy và An Hóa cũng có nhiều chi bộ.

Vào giữa tháng 4-1930, Ban lâm thời chấp ủy Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Thiệu về phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Cuối tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho thành lập, do đồng chí Nguyễn Thiệu làm Bí thư (6).

Ở tỉnh Gò Công, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Côn bị bắt, chi bộ còn 2 đồng chí nhưng phải phân tán đến các tỉnh khác hoạt động nên khi thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì tỉnh Gò Công không có cơ sở đảng và tình hình này kéo dài đến năm 1936.
* **
Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, sau đó là Đảng bộ tỉnh Gò Công ra đời, đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng ở địa phương, mở ra bước ngoặt mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân  2 tỉnh, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển và sự chuẩn bị tất yếu điều kiện cơ bản quyết định, góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

LÊ VĂN TÝ

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 314.
(2) Hội nghị tổ chức tại “Phong cảnh khách lầu” góc đường Bonard Filipini (nay là góc đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, TP. Hồ Chí Minh, trong căn phòng số 1, lầu 1). Đây chưa phải là Hội nghị thành lập An Nam Cộng sản Đảng, nhưng theo tinh thần hội nghị này, các đại biểu trở về địa phương tiến hành kết nạp đảng viên, gây dựng cơ sở Đảng. Ngay trong tháng 8-1929, nhiều chi bộ An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở các tỉnh thuộc Nam kỳ. (Thạch Phương và Lê Trung Hoa (chủ biên): Tự điển Sài Gòn, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, năm 2001).
(3)  Hai đồng chí bị bắt ngày 28-10-1929.
(4) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) ra Nghị quyết lấy ngày 3-2-1930 là ngày thành lập Đảng.
(5) Hai đại biểu là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu.
(6) Theo tư liệu của đồng chí Nguyễn Thiệu, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho còn có chức năng là Đặc ủy Hậu Giang, chịu trách nhiệm chỉ đạo các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau, Rạch Giá...  Tỉnh ủy lâm thời có các đồng chí: Nguyễn Thiệu, Nguyễn Hanh (tức Nhuận), đồng chí Lưu. Sau bổ sung nhiều đồng chí nữa.
 

.
.
.