Thứ Tư, 13/03/2019, 14:25 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 44 NĂM CHIẾN THẮNG NGÃ SÁU - BẰNG LĂNG (14-3-1975 - 14-3-2019)

Chiến thắng mở màn chiến dịch cao điểm mùa khô năm 1975

THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN CHỦ LỰC ĐẦU TIÊN

Bước vào mùa khô năm 1974 - 1975, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Miền, chiến dịch tiến công tổng hợp ở Quân khu 8 được chia làm 2 đợt. Khi bước vào đợt 1, phát hiện được ý định của ta, địch điều động quân chủ lực tập trung đối phó ở khu vực trọng điểm, nên kết quả hoạt động của quân chủ lực ta không cao như dự kiến.

Trung tuần tháng 2-1975, Khu ủy và Quân khu ủy Khu 8 tổ chức hội nghị mở rộng nhằm kiểm điểm hoạt động trong đợt 1 và xây dựng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong đợt 2 là “giải phóng hoàn toàn trung tâm Đồng Tháp Mười, hoàn chỉnh tuyến kinh Dương Văn Dương và Vùng 4 Kiến Tường, tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp nối hành lang lên tỉnh Long An.

Kết thúc đợt 1, ta giải phóng 39 đồn bót, công sở phân chi khu, giải phóng cơ bản các xã Tân Thuận Bình, Quơn Long, Thanh Bình, Đăng Hưng Phước, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh, thuộc quận Chợ Gạo.

Từ kinh nghiệm thực tiễn và được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh (BTL) Miền, Quân khu chủ trương chuyển bộ đội chủ lực Quân khu về tiến công mở màn chiến dịch tổng hợp đợt 2 là vùng Bắc Cái Bè.

Với quyết tâm phải giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường Quân khu, sau khi thảo luận, BTL Quân khu đi đến nhất trí: Nếu giải phóng Vùng 4 Kiến Tường cũng không nhất thiết phải tập trung lực lượng như đợt 1, mà lần này địa bàn chiến dịch được mở ở quận Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho) và quận Mỹ An (tỉnh Sa Đéc), trong đó yếu khu Ngã Sáu là mục tiêu then chốt.

Chuẩn bị Chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975, BTL Quân giải phóng miền Nam quyết định cho Quân khu 8 được thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên của khu Trung Nam bộ, lấy phiên hiệu là Sư đoàn Bộ binh 8 (BB8).

Chưa đầy 1 tháng sau khi thành lập, ngày 9-11-1974, Sư đoàn BB8 tổ chức trận đánh đầu tiên vào chi khu Kinh Quận, nằm trên kinh Dương Văn Dương. Sau 1 tuần chiến đấu liên tục, Sư đoàn đã đánh 29 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 682 tên địch, bắt sống 67 tên, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, phá hủy 1 khẩu pháo 105 mm, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch.

Sư đoàn BB8 - sư đoàn chủ lực đầu tiên và duy nhất của Quân khu 8 đóng vai trò “quả đấm” quyết định cho trận quyết chiến cuối cùng trên chiến trường Trung Nam bộ. Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn BB8 đã cùng quân và dân tỉnh Mỹ Tho chiến đấu tạo thế, tạo lực trong Chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975, để sau đó cùng toàn quân, toàn dân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Kết quả, qua 4 ngày chiến đấu, ta đánh thiệt hại nặng nề tiểu đoàn bảo an 450 và tiểu đoàn 2, thuộc trung đoàn 10, sư đoàn 7 ngụy; đánh tiêu hao tiểu đoàn 453, loại khỏi vòng chiến đấu 653 tên, trong đó diệt 285 tên, làm bị thương 313 tên, bắt 55 tên. Ta thu và phát hủy toàn bộ vũ khí trang bị gồm: 2 pháo 105 ly, 4 khẩu DKZ, 2 khẩu 12,7 ly, 10 đại liên, 3 cối 81 ly, 8 cối 60 ly, 25 quả M79, 217 súng AR 15,  37 máy PRC 25, 4 tấn đạn các loại và nhiều đồ dùng quân trang, quân dụng khác. Ta san bằng toàn bộ yếu khu, quá trình tiến công ta phá hủy một kho đạn và lương thực. Phía ta hy sinh và bị thương 128 đồng chí.

SAN BẰNG CĂN CỨ NGÃ SÁU

Yếu khu Ngã Sáu nằm trên phần đất xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè (theo địa giới hành chính của địch là quận Giáo Đức, giáp với quận Mỹ An (tỉnh Sa Đéc), trước là căn cứ tiền tiêu của sư đoàn 7 ngụy, do quân Mỹ hỗ trợ xây dựng năm 1969, lúc đó quân ngụy biến thành yếu khu do tiểu đoàn bảo an 450 của tỉnh Sa Đéc tăng cường cho tiểu khu Định Tường trấn giữ, quân số khoảng 250 tên. Nơi đây tạo thành trung tâm giao lưu đường thủy, bao gồm các kinh: Nguyễn Văn Tiếp B (kinh Tổng đốc Lộc hay kinh Cái), kinh số 28, kinh số 4 (kinh mới), kinh số 5 (kinh Bùi) và Mỹ Lợi (kinh Bằng Lăng).

Toàn bộ căn cứ giống như một pháo đài đồ sộ và bất khả xâm phạm, án ngữ tại một yếu điểm quan trọng ở cửa ngõ Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp 3 tỉnh Mỹ Tho, Kiến Phong và Kiến Tường. Ngoài căn cứ Ngã Sáu, có lực lượng trung đoàn 10 của sư đoàn 7 cùng các tiểu đoàn bảo an sẵn sàng ứng cứu. Có 4 trận địa pháo ở Thiên Hộ, Cái Bè, An Hữu, Cống Trâu và pháo cơ động cùng với không quân sẵn sàng chi viện.
Đầu năm 1975, Sư đoàn BB8 được lệnh hành quân chuyển hướng về hoạt động trên chiến trường tỉnh Mỹ Tho. Sau khi nghiên cứu địa hình, Sư đoàn được lệnh tấn công chi khu Ngã Sáu.

Nhiệm vụ được giao cho Trung đoàn 24 có sở trường đánh công kiên, Trung đoàn 320 lập trận địa phục kích trên cánh đồng Bằng Lăng nhằm tiêu diệt quân tiếp viện, Trung đoàn 207 đứng chân trên kinh Nguyễn Văn Tiếp B làm đội dự bị.

Ngoài ra, các hướng phối hợp có Trung đoàn 88 (ở tỉnh Kiến Tường), Trung đoàn 3 (ở tỉnh Kiến Phong), Trung đoàn 1 (ở tỉnh Bến Tre) cùng lực lượng các địa phương…

Trung đoàn 24 giỏi về chiến thuật đánh cường tập, nhiều kinh nghiệm diệt địch trong công sự vững chắc, thực hành trận đánh then chốt số 1, chiến đấu ngoan cường suốt 18 tiếng đồng hồ, dứt điểm căn cứ Ngã Sáu.

Lần đầu tiên trong lịch sử chống Pháp và chống Mỹ ở Quân khu 8 ra quân công đồn tiêu diệt địch cấp tiểu đoàn, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 khẩu pháo 105 mm và 1 hầm đạn pháo.

Trung đoàn 320 có sở trường vận động chiến đấu, thực hành trận đánh then chốt thứ 2, phục kích tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn chủ lực đối phương trên cánh đồng Bằng Lăng.

Bị thua rất đau, đối phương tiếp tục điều động 1 tiểu đoàn chủ lực hòng tái chiếm căn cứ Ngã Sáu đã bị Trung đoàn 207 của Sư đoàn BB8 đánh cho tan rã, tháo chạy thoát thân. Trung đoàn 207 tiếp tục nổ súng tiến công dứt điểm đồn ngã tư Thạnh Mỹ và kinh Nhất, giải phóng một loạt đồn bót từ Ngã Sáu đến kinh 3 Mỹ Điền.

Mấy ngày sau, một tiểu đoàn địch tái chiếm căn cứ Ngã Sáu. Lập tức Trung đoàn 207 bao vây tiến công giải phóng lần thứ 2. Từ đó Sư đoàn BB8 đã giải phóng và làm chủ toàn bộ tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp B, mở rộng đợt hoạt động sang các vùng xung quanh Nam - Bắc đường 4, tỉnh Mỹ Tho.

Trên địa bàn Khu 8, trong chuỗi sự kiện mùa khô năm 1974 - 1975, chiến thắng Ngã Sáu từ ngày 11 đến 14-3-1975 có ý nghĩa đặc biệt. Chiến thắng thúc đẩy khí thế cách mạng dâng lên của các tỉnh giáp ranh, mà Ngã Sáu là trung tâm đầu mối giao thông thủy được mở thông, thuận lợi cho việc vận chuyển người và vũ khí từ dưới lên và ngược lại, đặc biệt là khí thế cách mạng dâng cao ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè nói riêng và toàn tỉnh Mỹ Tho nói chung.

Từ đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho cùng với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn BB8 phấn khởi vượt lên chính mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau thắng lợi này, lực lượng vũ trang và nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo… đẩy mạnh tiến công quân sự, binh vận, nhổ hàng loạt đồn bót, mở mảng, chuyển vùng thuận lợi hơn, góp phần giải phóng quê hương trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.