Thứ Hai, 08/04/2019, 16:45 (GMT+7)
.
Góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi):

Cần quy định thời gian đưa người bị kết án đi chấp hành án

(ABO) Sáng 8-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tổ chức họp lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, đây là dự thảo luật rất quan trọng nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khắc phục những hạn chế bất cập của luật hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất các văn bản pháp luật đã được Quốc hội thông qua gồm Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác về tư pháp.

đồng chí Nguyễn Thanh Hải
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải phát biểu gợi ý thảo luận.

Tiếp đó, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề như: Việc tổ chức cho phạm nhân lao động; giám sát việc thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; một số vấn đề về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; về thi hành án treo cần quy định cụ thể...

Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của phạm nhân thi hành án tử hình và quy định thời gian cụ thể việc đưa người bị kết án đi chấp hành án (luật hiện hành không quy định thời gian này), gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.

Các đại biểu cho biết, vừa qua, đã có trường hợp phạm nhân bị kết án tử hình và có nguyện vọng được thi hành án sớm nhưng do luật chưa quy định nên còn khó khăn cho cơ quan chức năng…

Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo luật tại cuộc họp
Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo luật tại cuộc họp

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải ghi nhận các ý kiến góp ý của đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới; đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đưa ra đóng góp cho các dự thảo luật tiếp theo.

Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 209 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2020.

QUẾ ANH

.
.
.