Chủ Nhật, 16/06/2019, 08:47 (GMT+7)
.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Góp ý kiến với Luật Dân quân tự vệ

(ABO) Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ.

Phát biểu ý kiến thảo luận, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với tờ trình dự thảo Luật và tài liệu kèm theo của Chính phủ. Đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tổ chức dân quân tự vệ tại các tổ chức kinh tế (bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế thành lập theo Luật Đầu tư), Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và dự án Luật mới có quy định đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp mà chưa có quy định về đơn vị tự vệ trong các tổ chức kinh tế khác. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ nội dung này.

Về tổ chức kinh tế tự vệ trong doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 dự án Luật về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp theo hướng quy định rõ nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp thành lập đơn vị tự vệ khi doanh nghiệp có đầy đủ các yếu tố được liệt kê, chứ không phải quyền của doanh nghiệp được thành lập đơn vị tự vệ khi đáp ứng đủ điều kiện về việc tổ chức lực lượng tự vệ, là nhu cầu, yêu cầu nhà nước chứ không phải nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung các yếu tố được liệt kê theo tinh thần này và trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, giải thể đơn vị tự vệ được quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành dự án Luật này cũng cần sửa đổi, bổ sung tương ứng.

 

Về các yếu tố được liệt kê, đề nghị cân nhắc yếu tố có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất 1 tiểu đội tự vệ, tức đủ 10 lao động ký hợp đồng lao động đủ 12 tháng trở lên có gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không, bảo đảm tính khả thi không, nhất là khi dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã sửa đổi khái niệm "hợp đồng lao động" để bao phủ các dạng hợp đồng có bản chất là hợp đồng lao động nhưng sử dụng tên gọi khác như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng tư vấn, hợp đồng đại lý... và ghi nhận trên thực tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có quan hệ việc làm mới khác quan hệ việc làm truyền thống như lao động làm việc theo các hình thức liên kết doanh nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ số. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ trường hợp doanh nghiệp không thành lập đơn vị tự vệ trong thời hạn nhất định có chịu trách nhiệm gì không?

Thứ hai, về phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảm bảo trọng điểm quốc phòng, đây là nội dung chính sách mới so với đề nghị xây dựng dự án Luật Dân quân tự vệ khi Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Ban soạn thảo đã bổ sung, đánh giá tác động và thuyết minh rõ cơ sở của đề xuất chính sách này. Do vậy, đáp ứng nhu cầu quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét cho ý kiến về dự án Luật, pháp lệnh nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách. Với những lý do được nêu trong Tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo tác động chính sách nên thống nhất với Phương án 1 về việc bổ sung quy định này. Tuy nhiên, dự án Luật chưa quy định rõ dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng được hưởng chính sách chế độ gì khác dân quân thường trực trên các địa bàn khác. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ nội dung này.

Thứ ba, về chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ bị ốm, tai nạn, chết, bị thương quy định tại Điều 35. Dự án Luật quy định: Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 35 tháng tuổi, nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai và dịch bệnh nguy hiểm hay con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam/dioxin được tạm hoãn nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; dân quân tự vệ khi thực hiện các biện pháp triệt sản, dân quân nữ khi thực hiện các biện pháp đặt vòng tránh thai được nghỉ thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ, thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đây là những nội dung sửa đổi hợp lý và nhân văn, ghi nhận quyền lợi chính đáng của dân quân tự vệ.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát để quy định đầy đủ các trường hợp tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Ví dụ như: Dân quân tự vệ mang thai hộ được nghỉ thực hiện nghĩa vụ quân sự như dân quân tự vệ nam có vợ sinh con. Đồng thời cũng đề nghị sửa đổi tên Điều này cho phù hợp với nội dung quy định.

MINH NHỰT (tổng hợp)

 

.
.
.