Thứ Năm, 13/06/2019, 18:59 (GMT+7)
.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Góp ý 5 nội dung đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

(ABO) Chiều 12-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); đồng thời, đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật, cụ thể như sau:

Một là, về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể:

- Vđại diện thương lượng tập thể (Điều 68):

+ Đề nghị cần quy định theo hướng: Đại diện thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động là thành viên của tổ chức và phải là người lao động của đơn vị sử dụng lao động.

+ Việc tham gia thương lượng tập thể của tổ chức đại diện cấp trên: Đề nghị xem xét cụ thể việc tham gia thương lượng tập thể của tổ chức đại diện cấp trên có tính vào số lượng đại diện thương lượng tập thể của mỗi bên hay không?

+ Sự tham gia hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thương lượng tập thể: Đề nghị nên được tham gia trực tiếp thương lượng theo quyền mời của mỗi bên thương lượng (quyền tự quyết của các bên), nhưng người được mời phải là cán bộ tổ chức.

- Về nội dung thương lượng tập thể (Điều 69):

+ Đề nghị xem xét, bổ sung nội dung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp cho người lao động. Do đây là nội dung quan trọng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và là giải pháp nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động.

+ Đề nghị sửa cụm từ “chế độ khuyến khích” tại điểm a khoản 1 Điều 69 thành “chế độ đãi ngộ” để thống nhất với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 105.

+ Đề nghị bỏ cụm từ “một thương lượng tập thể”, chỉ cần quy định “một thỏa ước lao động tập thể cho một nội dung” tại khoản 2.

- Về bảo đảm nghĩa vụ thương lượng thiện chí (Điều 70):

+ Đề nghị quy định yêu cầu thương lượng tập thể phải được lập bằng văn bản; bỏ cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” vì quy định như vậy sẽ làm cho thời gian 3 tháng theo quy định sẽ không có ý nghĩa (khoản 1).

+ Đề nghị nên quy định việc cung cấp thông tin có liên quan phục vụ thương lượng, trừ những thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Vì nếu chỉ quy định cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thì chưa đủ, nhiều trường hợp cần các nội dung khác để phục vụ thương lượng (khoản 3).

+ Về thảo luận, lấy ý kiến người lao động, đề nghị điều chỉnh lại thành “Tổ chức đại diện người lao động phải tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của người lao động”. Vì quy định như vậy mới thể hiện quyền quyết định của người lao động. Nếu ghi như dự thảo thì tổ chức đại diện người lao động “có quyền”, nghĩa là họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến người lao động (khoản 4).

- Về thương lượng tập thể ngành, đa doanh nghiệp (Điều 72):

+ Về quyền yêu cầu thương lượng tập thể ngành: Đề nghị cần quy định rõ tổ chức đại diện người lao động cấp ngành của từng tổ chức người lao động hay liên minh các tổ chức đại diện người lao động cấp ngành hay tổ chức nào có tính đại diện nhất có quyền đề nghị thương lượng hoặc bổ sung Chính phủ quy định chi tiết điều này.

+ Về thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia: Quyền đề nghị thương lượng tập thể cần quy định rõ các tổ chức đại diện người lao động hay tổ chức nào có tính đại diện nhất có quyền đề nghị thương lượng.

Ngoài ra, quyền đề nghị thương lượng tập thể và nghĩa vụ chấp nhận đề nghị thương lượng tập thể là quyền và nghĩa vụ đương nhiên của các bên. Còn việc thương lượng thành công hay không thành sẽ do các bên tự quyết định.

+ Về yêu cầu các bên thương lượng thành lập Hội đồng thương lượng: Đề nghị quy định rõ theo yêu cầu của một bên hoặc của cả hai bên (khoản 2).

- Về nội dung thỏa ước lao động tập thể (Điều 75):

+ Nội dung thỏa ước lao động tập thể phải có lợi hơn cho người lao động, cho nên nếu quy định như khoản 2 Điều 75 của dự thảo là nội dung thỏa ước không trái quy định của pháp luật, có thể dẫn tới 2 khả năng:

Người sử dụng lao động chủ động đề xuất với tổ chức đại diện người lao động thương lượng những nội dung như luật. Nếu đại diện người lao động từ chối không thương lượng sẽ vi phạm pháp luật; nếu 2 bên tổ chức thương lượng mà thương lượng không thành thì đây sẽ là loại tranh chấp lao động về quyền hay lợi ích mà khi nội dung thương lượng không phải là lợi ích.

+ Nội dung của thỏa ước lao động tập thể được ký kết là nội dung như quy định của pháp luật, sẽ không có tác dụng trong việc khuyến khích người lao động hoặc đại diện người lao động thương lượng.

- Về việc lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể (Điều 76): Đề nghị không quy định duy nhất hình thức phê chuẩn bằng phiếu kín, do chưa sát với thực tiễn. Nên đề nghị quy định “hình thức phê chuẩn bằng phiếu kín hoặc hình thức phù hợp khác do tổ chức đại diện người lao động quyết định”.

Hai là, về một số nội dung liên quan đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới

Thống nhất với việc bổ sung một số nội dung đảm bảo bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình theo nguyên tắc bình đẳng giới, như: Bổ sung quy định nam giới được nghỉ khi vợ sinh con (hiện mới chỉ quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2016) và sửa quy định giúp đỡ hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo, trợ cấp nghỉ chăm sóc con ốm, thực hiện các biện pháp tránh thai... theo hướng áp dụng cho người lao động (cả nam và nữ), thay vì quy định hiện hành chỉ áp dụng cho lao động nữ, nhằm giúp cho cả nam và nữ có điều kiện chia sẻ trách nhiệm gia đình theo quy định của Luật Bình đẳng giới.

Ba là, về thời giờ làm việc bình thường, thời gian nghỉ Tết Âm lịch và bổ sung 01 ngày nghỉ (Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 Dương lịch)

- Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 106): Thống nhất phương án 2 là: Giữ nguyên như hiện hành vì quy định hiện hành chưa có vướng mắc, chưa có bất cập. Giờ làm việc nên căn cứ vào đặc điểm từng địa phương, khu vực để có những quy định cho thật hợp lý.

- Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch (Điều 113): Thống nhất phương án 1 là: giữ nguyên như hiện hành “Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”. Vì thực hiện như hiện hành phù hợp với truyền thống của dân tộc, tạo điều kiện cho người lao động xa quê về quê, sum họp cùng gia đình đón tết cổ truyền, vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm lao động, tạo động lực cho người lao động tích cực khi trở lại làm việc.

- Về việc bổ sung 1 ngày nghỉ lễ ( Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7): Thống nhất phương án bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm (Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 dương lịch). Việc bổ sung như vậy phù hợp với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta và tương đồng với phong tục tập quán của nhiều quốc gia trên thế giới.

- Về thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức: Thống nhất với phương án 2, là: Giữ nguyên như Luật hiện hành, thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà quy định trong văn bản hành chính, các Bộ, ngành Trung ương thì do Chính phủ quy định; đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Như vậy, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay.

Đối với Phương án 1, ở Việt Nam chưa phù hợp, tập quán Việt Nam, một gia đình sống chung một nhà có thể có 2 - 3 thế hệ, do đó sẽ bị đảo lộn thời gian của cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều đơn vị vì họ còn phải đưa, đón con đi học, chăm sóc cha mẹ, người thân, chăn nuôi, sản xuất để cải thiện kinh tế gia đình. Mặt khác, theo khuyến cáo của ngành Y tế người lao động cần phải có thời gian nghỉ ngơi để làm việc có hiệu quả hơn, nếu buổi trưa chỉ nghỉ 60 phút thì chỉ có về đến nhà ăn cơm rồi đi làm lại, không có thời gian nghỉ ngơi, buổi chiều làm việc năng suất bị giảm. Vì vậy, cần có quy định chung và dần thực hiện khi phù hợp.

Bốn là, về tranh chấp lao động tập thể và đình công:

- Thống nhất với phương án mở ra nhiều con đường giải quyết tranh chấp lao động, các bên có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp lao động mà họ cho là phù hợp, người lao động và tổ chức Công đoàn có thể tổ chức đình công mà không nhất thiết phải qua thủ tục hòa giải, trọng tài như quy định hiện hành.

- Thống nhất việc thay đổi cơ cấu tổ chức, hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh: Hội đồng trọng tài là một thiết chế tài phán, có thẩm quyền ra phán quyết và phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng trọng tài được tổ chức theo hướng là cơ quan hoạt động chuyên nghiệp, có bố trí biên chế và có trọng tài chuyên trách.

- Đề nghị bổ sung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động tập thể đan xen về quyền và lợi ích. Vì hiện nay tranh chấp lao động tập thể đan xen về quyền và lợi ích chiếm tỷ lệ đến 75% số vụ tranh chấp lao động tập thể. Do đó, cần phải tách việc xử lý tranh chấp về quyền và lợi ích dựa theo các nguyên tắc quy định trong Luật.

- Đề nghị bổ sung quy định hành động tập thể của người lao động để phản đối sự vi phạm pháp luật lao động, vi phạm các cam kết trong thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Đây là hình thức nêu ý kiến của tập thể người lao động phản đối sự vi phạm quyền của người lao động và là hình thức tổ chức Công đoàn thể hiện rõ hơn vai trò đại diện.

- Đề nghị quy định số lượng hòa giải viên chuyên trách vì trong dự thảo chưa đề cập vấn đề này; theo đó mỗi tỉnh, thành phố có từ 1 - 3 Hòa giải viên chuyên trách, căn cứ theo tình hình của địa phương (chưa kể các hòa giải viên kiêm nhiệm). Vì đây chính là khâu quan trọng để giải quyết tranh chấp ngay từ đầu. Hòa giải viên chuyên trách sẽ giải quyết nhanh chóng, kịp thời các tranh chấp lao động cá nhân, tập thể và sẽ giảm các vụ việc chuyển lên Hội đồng Trọng tài và Tòa án.

- Đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết của Hòa giải viên xuống còn 3 ngày  (dự thảo quy định 5 ngày), rút ngắn thời gian thành lập Ban Trọng tài xuống còn 3 ngày (dự thảo quy định 7 ngày), rút ngắn thời gian giải quyết của Ban Trọng tài xuống còn 15 ngày (dự thảo quy định 30 ngày). Như vậy, tổng thời gian giải quyết 1 vụ tranh chấp lao động đề nghị rút ngắn còn 21 ngày (dự thảo quy định 42 ngày). Tranh chấp lao động là loại tranh chấp liên quan trực tiếp đến công ăn, việc làm hàng ngày của người lao động, không nên để kéo dài, việc kéo dài có thể dẫn đến việc người lao động lựa chọn các biện pháp ngoài luật, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.

- Đề nghị sửa điểm a khoản 1 Điều 193 như sau: Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết khi có yêu cầu của 1 trong 2 bên trong quan hệ lao động đều quan niệm vi phạm các cam kết của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể cũng được xem là cách “ thực hiện khác nhau” các cam kết, quy định đó.

- Đề nghị quy định bổ sung việc tổ chức và lãnh đạo đình công trong doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động theo hướng: Tổ chức đại diện người lao động có trên 50% số người lao động là đoàn viên mới có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

Năm là, đề nghị xem xét, bổ sung thêm một số nội dung sau:

- Quy định gia hạn Hợp đồng lao động để bảo vệ thai sản đổi với lao động nữ: Khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn Hợp đồng lao động thì được gia hạn Hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Vì như quy định của Bộ luật Lao động hiện hành thì khi hết hạn Hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hoặc tiếp tục hợp đồng lại, như vậy nếu phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ bị doanh nghiệp chấm dứt Hợp đồng lao động khi hết hạn. Quy định như vậy sẽ không đảm bảo việc làm lao động nữ khi mang thai,  ảnh hưởng đến thu nhập, việc dưỡng thai và chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi.

- Quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc chăm lo bữa ăn ca cho người lao động: Đề nghị bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bố trí bếp ăn tập thể cho người lao động, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm về bữa ăn ca cho người lao động, nhằm đảm bảo vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo sức khỏe cho người lao động, giúp người lao động có sức khỏe tốt, lao động hiệu quả hơn. Đồng thời, nghiên cứu có chế tài xử lý những đơn vị không thực hiện.

MINH NHỰT (tổng hợp)

 

 

 

.
.
.