Thứ Hai, 28/10/2019, 15:45 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU LÊ QUANG TRÍ, ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG:

Góp ý 3 nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia góp ý 3 nội dung, cụ thể như sau:

1. Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (Điều 6 của dự thảo Luật): Thống nhất với quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cấp tỉnh quản lý.

Tuy nhiên, để phát hiện, tuyển dụng, sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ một cách có hiệu quả, Chính phủ cần phải quy định một khung chính sách chung áp dụng đối với người có tài năng. Trong đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ; quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng; quy định về chế độ và môi trường làm việc của người có tài năng; quy định về chế độ phúc lợi…

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào điều này, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

2. Về nâng ngạch công chức (Điều 44 của dự thảo Luật): Nội dung khoản 4, Điều 44 của dự thảo Luật quy định: “Công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch công chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và bố trí vào vị trí việc làm tương ứng”. Theo quy định trên, thì công chức được bố trí vào vị trí việc làm tương ứng sẽ khó thực hiện ngay sau khi được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn. Vì thực tế, trong thời gian vừa qua, rất nhiều công chức đủ điều kiện dự thi kỳ thi nâng ngạch công chức đã trúng tuyển, được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn, nhưng không thể bố trí vào vị trí việc làm tương ứng vì không còn chỗ trống. Do đó, tại nội dung khoản 4 này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa lại như sau: “Công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch công chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng”.

3. Về phân loại đánh giá cán bộ, công chức (Điều 58 dự thảo Luật): Thống nhất cao với nội dung khoản 3, Điều 58 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp được phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, tại Điều 20 dự thảo Luật quy định về tiêu chí phân loại đánh giá công chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ của dự thảo Nghị định kèm theo, quy định công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau vẫn được phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ:

- Tham mưu đề xuất giải quyết công việc chưa bảo đảm chất lượng, chưa đúng với quy định của pháp luật hoặc đến mức phải để cấp trên xử lý lại.

- Có thái độ xử sự thiếu văn hóa, thái độ không đúng mực trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.

- Có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.

Như vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thể cho thôi việc công chức của mình khi công chức có các biểu hiện trên, vì công chức đó vẫn được phân loại hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa các tiêu chí phân loại đánh giá công chức cho phù hợp, để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có cơ sở cho thôi việc những công chức làm việc không hiệu quả, tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.