Chủ Nhật, 24/11/2019, 20:42 (GMT+7)
.
Đại biểu Lê Quang Trí:

Góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều

(ABO) Sáng 22-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo luật và tham gia ý kiến một số vấn đề để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:

Một là, về chính sách của Nhà nước trong phòng chống thiên tai (Điều 5)

Thống nhất cao với Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về “Ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai tại khoản 6 Điều 5; đây là một trong những chính sách quan trọng, giúp cho công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả. Vì trong thời gian vừa qua, trong công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế do công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chưa được đầu tư thích đáng, cụ thể:

+ Về sạt lở bờ biển: Trong thời gian vừa qua, nhiều đoạn bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi mỗi năm bờ biển bị sạt lở từ 20 - 30 m/năm, có nơi cách đây 30 năm, đê biển được xây dựng cách bờ biển hơn 1 km, nhưng nay chỉ còn đê biển và đê biển này đang bị đe dọa, nên rất cần có nghiên cứu và đưa ra giải pháp bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả.

+ Về sụt lún, ngập lụt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Theo công bố của các nhà khoa học Climate Center, đến năm 2050 phần lớn Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển, nên rất cần có một chương trình khoa học nghiên cứu về nội dung này để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ.

Do đó, quy định chính sách “Ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai” là hết sức cần thiết.

Thứ hai, về việc hội nhập quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai

Chúng ta có thể khẳng định công tác phòng, chống thiên tai là một trong những việc khó và phức tạp đối với nước ta và một số nước. Trong khi đó, nhiều nước đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai như Nhật Bản, Mỹ, Philipines... Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản trong Điều 5 về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai, quy định “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai”.

Thứ ba, về xây dựng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai (Điều 20)

Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, chúng ta cần xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình kết hợp phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, do nguồn lực Quốc gia có hạn, nên chúng ta cần ưu tiên xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết. Ví dụ, trong giai đoạn hiện nay, rất cần đầu tư xây dựng các công trình, ao, hồ điều tiết nước cho Đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và nước sinh hoạt, không bị động bởi các đập thủy điện trên sông Mê Kông. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản trong Điều 20 quy định các công trình phòng, chống thiên tai cần ưu tiên đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thứ tư, về giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về phòng, chống thiên tai (Điều 21 và Điều 42)

Trong thời gian vừa qua, lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, chưa qua tập huấn bài bản nên công tác phòng, chống thiên tai chưa đạt yêu cầu, có nơi hậu quả của thiên tai còn rất nặng nề. Thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn, một số địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra có năm lớn hơn GRDP của tỉnh đó. Do đó, thống nhất với việc bổ sung chính sách của Nhà nước tại Điều 5 quy định “Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai”.

Tuy nhiên, tại Điều 21 quy định về thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai và tại Điều 42 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ chưa thể hiện nội dung về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng công tác phòng, chống thiên tai. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 Điều quy định về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về phòng, chống thiên tai. Trong đó, quy định các đối tượng cần được đào tạo, đối tượng nào cần được tập huấn. Vì ngoài lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống thiên tai cần được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thì học sinh, người dân làm ăn, sinh sống trong vùng thường xuyên bị thiên tai cũng cần được tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng về phòng, chống thiên tai, và trong nội dung Điều này cũng cần có quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

Thứ năm, về bảo hiểm rủi ro thiên tai

Hiện nay, hầu hết các chính sách tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở Việt Nam là nhằm khắc phục hậu quả sau thiên tai, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Để huy động nguồn lực trong công tác phòng, chống thiên tai, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về bảo hiểm rủi ro thiên tai cho các công trình, tài sản của người dân trong những vùng có nguy cơ cao thiên tai. Bởi vì, khi người dân tham gia hợp đồng bảo hiểm rủi ro, thì các công ty bảo hiểm có trách nhiệm tư vấn, kiểm tra, giám sát về an toàn phòng, chống thiên tai cho các công trình, tài sản của người dân. Khi đó, sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Nếu thiệt hại xảy ra thì người dân sẽ được công ty bảo hiểm đền bù, khôi phục sản xuất. Các đối tượng sau cần tham gia bảo hiểm rủi ro thiên tai như: Các lồng bè nuôi hải sản trên biển, các tàu đánh bắt trên biển để góp phần phát triển kinh tế biển bền vững như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Minh Nhựt (tổng hợp)

 

 

.
.
.