Thứ Tư, 27/11/2019, 15:27 (GMT+7)
.
Đại biểu Lê Quang Trí:

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

(ABO) Sáng 27-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) tham gia ý kiến một số vấn đề để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động xây dựng

Nội dung khoản 9 Điều 4, về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng của dự thảo luật có quy định: “Đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng cường phát triển khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh, công trình xanh, công trình và sản phẩm xây dựng tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng theo lộ trình do Chính phủ quy định. Và nội dung khoản 1 Điều 10 về chính sách khuyến khích trong hoạt động xây dựng quy định: “Tổ chức, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ mội trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Các quy định như vậy là chưa đủ mạnh và toàn diện đối với hoạt động xây dựng nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một Điều riêng quy định về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động xây dựng với các 4 khoản cụ thể như sau:

1. Quy định về việc ưu tiên nguồn lực, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng đô thị

Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị; có nhiều công trình xây dựng không phép; có nhiều công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định. Cụ thể, đã có nhiều công trình xây dựng vượt số tầng cho phép tại trung tâm thành phố, thị xã; nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại các huyện vùng ven của thành phố vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng.

Nguyên nhân chính là do thiếu lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát; và do người dân không có điều kiện giám sát.

Để giải quyết khó khăn này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể ứng dụng khoa học công nghệ để thu nhận, xử lý hình ảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng đô thị; và để việc triển khai thực hiện, cần có quy định “Ưu tiên nguồn lực, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng đô thị”.

Khi có quy định này, các cơ quan chức năng có trách nhiệm sẽ đầu tư các thiết bị như: flycam, camera để thu thập hình ảnh các công trình đang xây dựng có phép cũng như các công trình không phép vừa mọc lên. Các hình ảnh này được truyền đến máy tính, xử lý, so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn và đưa ra các thông tin cảnh báo các công trình vừa mới vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Như vậy, sẽ không còn xảy ra việc phải phá dỡ công trình vi phạm, gây lãng phí nguồn lực quốc gia, cũng như không còn việc cán bộ phải bị xử lý kỷ luật do quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo.

2. Quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý chất lượng công trình

Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, Luật Xây dựng hiện hành đã quy định tại các điều, khoản sau: Tại khoản 4 Điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng có quy định “Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn thi công xây dựng công trình; bảo vệ cảnh quan, môi trường”; tại Điều 66 về nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng; tại Điều 69 về quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; tại Điều 111 về yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều công trình xây dựng có chất lượng thấp, công trình vừa được nghiệm thu đã xuống cấp, tuổi thọ công trình ngắn. Nguyên nhân là do lực lượng kiểm tra, giám sát còn mỏng hoặc giám sát quá trình thi công còn lỏng lẻo dẫn đến việc thi công xây dựng công trình không đúng bản vẽ thi công. Do đó, rất cần quy định việc “Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng công trình xây dựng”, như ưu tiên đầu tư thiết bị, dụng cụ kiểm tra nhanh chất lượng vật liệu xây dựng, kiểm soát khối lượng vật liệu xây dựng trong thi công.

3. Quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ trong kỹ thuật xây dựng

Hiện nay, còn rất nhiều nhà thầu trong nước còn sử dụng nhiều lao động phổ thông trong quá trình thi công; chưa ứng dụng công nghệ mới trong thi công, dẫn đến tiến độ thi công chậm, chi phí xây dựng công trình ở nước ta cao hơn chi phí xây dựng công trình của một số nước. Ví dụ, cùng một công trình 30 tầng, Hàn Quốc chỉ cần 14 tháng để hoàn thành, trong khi đó Việt Nam mất đến 22 tháng và cần nhiều lao động hơn để hoàn thành. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong kỹ thuật xây dựng ở nước ta là hết sức cần thiết.

4. Giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này

Thư hai, về các hành vi bị nghiêm cấm

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, đó là “Lợi dụng hoạt động xây dựng để lắp đặt các thiết bị thu thập thông tin, gây hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”.

Vì thực tế, hiện nay có nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình rất nhỏ, có thể lắp vào các công trình một cách tinh vi, rất khó phát hiện trong quá trình thi công, Các thiết bị này sẽ được kích hoạt thu thập thông tin mật, gây hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.