Thứ Tư, 27/11/2019, 17:07 (GMT+7)
.

Đại biểu Tạ Minh Tâm góp ý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

(ABO) Sáng 26-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) tham gia đóng góp một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành luật

Quá trình chuẩn bị chặt chẽ của Tòa án nhân dân Tối cao trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án luật, cùng với kết quả tích cực qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã khẳng định ưu điểm của cơ chế mới này nên thống nhất với quan điểm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết ban hành luật.

Thứ hai, về trách nhiệm và mối quan hệ giữa Tòa án - Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải, đối thoại và hòa giải viên.

Ban soạn thảo đã dự kiến Điều 25 dự thảo luật quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo hướng nhanh gọn, có hiệu lực thi hành ngay tạo thuận lợi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Đặc biệt khi so sánh với thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự, Quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 25 của dự thảo luật.

Như vậy, để tương xứng với giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, đối thoại, dự thảo luật quy định thiết chế hòa giải viên có nhiều yêu cầu phải tuân thủ:

+ Quá trình hòa giải phải tuân thủ quy định tại Điều 3 với 6 nguyên tắc đề ra trong dự thảo luật. Từ việc các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; tự nguyện thỏa thuận, thống nhất phương án hòa giải, đối thoại; bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ; không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; vấn đề giữ bí mật; việc bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền của trẻ em… Đây là những nguyên tắc tiên quyết cần thiết để bảo đảm việc hòa giải, đối thoại đạt tới mục tiêu đặt ra; là cơ sở nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

+ Hòa giải viên phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 12, điều này ghi nhận hòa giải viên có 8 nghĩa vụ, từ tuân thủ trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, đối thoại; tuân thủ pháp luật, vô tư, khách quan; không được ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ; không được nhận tiền, lợi ích từ các bên; phải từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại nếu bản thân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại hoặc vì lý do khác có thể dẫn đến không vô tư, khách quan trong quá trình hòa giải, đối thoại… và một số nghĩa vụ khác.

+ Ngoài ra, tại Điều 10 quy định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên quy định Hòa giải viên phải do Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao bổ nhiệm; thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại phân công thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, thiết chế hòa giải viên được xem là thiết chế chính thức có tính pháp lý. Do đó, đòi hỏi của xã hội về sự công tâm khách quan đối với chủ thể này là tất yếu.

Như vậy, để thiết chế hòa giải viên tuân thủ thỏa đáng các yêu cầu đặt ra như đã nêu, về trách nhiệm cũng như tính liêm chính thì bên cạnh sự tự tu dưỡng của hòa giải viên; sự theo dõi, đánh giá của các bên liên quan thì cần có thêm quy định ràng buộc trách nhiệm trong dự thảo luật. Cụ thể là cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của Tòa án; quyền và nghĩa vụ các bên; quy trình đối thoại, hòa giải cũng như khi tiến hành công nhận kết quả. Mục tiêu đặt ra ở đây là tránh trường hợp “thao túng” của hòa giải viên có thể xảy ra; bảo đảm quá trình hòa giải, đối thoại dù tiến hành với phương thức linh hoạt; phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của các chủ thể tham gia nhưng vẫn phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, mà trước hết là hai bên tham gia hòa giải, đối thoại. Để đạt được những yêu cầu nêu trên, kiến nghị đối với Ban soạn thảo 3 nội dung sau:

1. Bổ sung vào Điều 3 nội dung: “Hòa giải viên, tổ chức, cá nhân tham gia hòa giải, đối thoại phải tuân theo các quy định của luật này”; bổ sung vào Điều 5 nội dung: “Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan hòa giải, đối thoại”.

2. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Điều 7 như: Trách nhiệm quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng, kỷ luật; bố trí địa điểm, điều kiện bảo đảm; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; công tác báo cáo; lưu trữ hồ sơ…, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, của thẩm phán được phân công làm công tác hòa giải, đối thoại với Hòa giải viên, đối với quá trình giải quyết vụ việc. Cụ thể như sau:

Quy định cơ chế kiểm tra, giám sát hòa giải viên trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ràng buộc hòa giải viên phải tuân thủ các nguyên tắc của hòa giải, đối thoại đã quy định; không vi phạm và không thể vi phạm các nghĩa vụ pháp lý đã luật hóa; quy trình hòa giải, đối thoại bảo đảm sự công bằng cho hai bên; được thực hiện khách quan, chặt chẽ; Hòa giải viên không thể thiên vị, đi lệch lộ trình; bảo đảm không ảnh hưởng quyền lợi bên thứ ba… bảo đảm trách nhiệm giải trình của Hòa giải viên.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định việc thông tin, công bố, đánh giá kết quả hoạt động của Hòa giải viên, làm cơ sở để các bên tham gia hòa giải, đối thoại có cơ sở để lựa chọn hoặc từ chối Hòa giải viên theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8.

3. Nghiên cứu bổ sung Điều 25 nội dung: Tòa án từ chối công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nếu có chứng cứ chứng minh là có vi phạm nghiêm trọng của Hòa giải viên đối với các quy định của luật này; Hòa giải viên đã không độc lập, vô tư và khách quan trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Những điều chỉnh, bổ sung trên sẽ góp phần làm cho vụ việc được hòa giải, đối thoại đạt kết quả thấu tình - đạt lý; đạt sự đồng thuận tối đa; hóa giải triệt để mâu thuẫn giữa các bên như mục tiêu đặt ra; tránh trường hợp kết quả hòa giải lại tiềm tàng mâu thuẩn mới lớn hơn và phức tạp hơn trong tương lai.

Thứ ba, về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên

Thống nhất quan điểm cho rằng, đối với Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình với thời gian ngắn hơn mà không cần phải đủ 10 năm kinh nghiệm. Bởi lẽ, không phải người có hiểu biết pháp luật tốt là có thể tiến hành hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm Hòa giải viên.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 ghi nhận các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền lựa chọn, đề nghị thay đổi Hòa giải viên. Năng lực, khả năng của các Hòa giải viên sẽ được bộc lộ qua quá trình thực hiện nhiệm vụ; với sự thẩm định, đánh giá của xã hội. Với quy định tại Điều 8, Hòa giải viên sẽ được các bên lựa chọn (hoặc thay đổi) từ uy tín, kết quả công tác mà cá nhân này tạo ra được trong quá trình hòa giải, đối thoại trước đó. Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác này.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cần nghiên cứu xác định rõ trong luật nội hàm quy định ”Những người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền  thống, phong tục tập quán, có ảnh hưởng và được tín nhiệm cao trong cộng đồng dân cư hoặc trong lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội” làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.