Thứ Bảy, 23/11/2019, 16:45 (GMT+7)
.

Khánh thành Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ

(ABO) Sáng 23-11, tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Long Hưng (xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ Khánh thành Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ.
 
Đến dự lễ, về phía Trung ương có đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Về phía tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực và lãnh đạo các Tòa án quân sự…
 
Đồng chí Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi lễ.
Đồng chí Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi lễ.
 
Tại buổi lễ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang Huỳnh Xuân Long đã báo cáo kết quả sau gần 3 tháng triển khai xây dựng Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ. Đây là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13-9-1945 - 13-9-2020).
 
Đồng chí Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi lễ.
Đồng chí Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi lễ.
 
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử ra đời Tòa án nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho và những phiên tòa xét xử trong những ngày đầu thành lập.
 
Ngày 28-11-1940, tại đình Long Hưng (xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập Tòa án nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Đây là Tòa án nhân dân Cách mạng đầu tiên ở Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
 
Ngày 29-11-1940, Tòa án nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho mở phiên tòa đầu tiên xét xử những tên tay sai thực dân Pháp. Trong suốt thời gian tồn tại, Tòa án nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho chỉ xử tử một tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân, cảnh cáo một số tên khác, số còn lại hầu hết là giáo dục, khoan hồng…
 
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ.

Gần 80 năm trôi qua, nhưng sự xuất hiện của Tòa án nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử ngành Tư pháp cách mạng nói riêng. Nó có vị trí đặc biệt quan trọng trong thể chế Dân chủ Cộng hòa mới hình thành; là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý; là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng và quyền công dân; là biểu tượng của công lý: Bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền lợi quốc gia, dân tộc đều bị nghiêm trị…

Đồng chí Lê Hồng Quang cho biết, đây là công trình lịch sử, có ý nghĩa quan trọng, một biểu tượng về tinh thần cách mạng của nền tư pháp nước nhà, góp phần xây dựng truyền thống cách mạng của hệ thống Tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, công trình còn là nguồn động viên và giáo dục truyền thống cho cán bộ, công chức, người lao động của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp.
 
Đồng thời, đây còn là sự cổ vũ lớn lao để cán bộ, công chức toàn hệ thống Tòa án phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”; với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp… xây dựng các Tòa án nhân dân ngày càng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ.
 
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: Tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục bảo quản, giữ gìn, tôn tạo văn bia và xem đây là một trong những công trình quan trọng trong quần thể di tích văn hóa quốc gia của tỉnh nhà.
 
 
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo dâng hoa, thắp hương tại Bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ xã Long Hưng.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh dâng hoa, thắp hương tại Bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ xã Long Hưng.
Các đồng chí lãnh đạo viếng Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa Đình Long Hưng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa Đình Long Hưng.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh dâng hương tại nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh dâng hương tại Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập.
 
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu đã đến dâng hoa, thắp hương tại Bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ xã Long Hưng; viếng Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa Đình Long Hưng và Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập. 
VĂN THẢO
 
.
.
.