Thứ Ba, 04/02/2020, 07:49 (GMT+7)
.

Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi

Ảnh: Duy Sơn
Ảnh: Duy Sơn

Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, sau đó là Đảng bộ tỉnh Gò Công ra đời (nay là Đảng bộ tỉnh Tiền Giang), đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng ở địa phương, mở ra bước ngoặt mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân 2 tỉnh, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển, góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân…

NHỮNG CHIẾN CÔNG CHÓI LỌI

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công diễn ra liên tục, có lúc sôi nổi, phát triển thành những cao trào cách mạng, song cũng có lúc bị địch khủng bố nặng nề. Trong những lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, Đảng bộ càng đoàn kết và kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh bền bỉ, quyết liệt để chống địch khủng bố, giữ vững cơ sở và phong trào. Nhiều lúc Đảng bộ và phong trào bị đánh phá thiệt hại, nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh anh dũng, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả những lúc chỉ còn một số cơ sở đảng hoặc đảng viên riêng lẻ vẫn luôn giữ vững ngọn cờ cách mạng của Đảng, tuyên truyền, vận động, tổ chức phong trào quần chúng đấu tranh theo mục tiêu của Đảng đề ra.

Năm 1945, khi thời cơ đến, với lòng tin tưởng sắt đá vào quần chúng, Đảng bộ quyết tâm lãnh đạo toàn dân nổi dậy với lực lượng chính trị to lớn của quần chúng, kết hợp đấu tranh vũ trang làm nòng cốt tạo nên phong trào cách mạng to lớn tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy những kinh nghiệm trong những giai đoạn trước đó, Đảng bộ đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn hơn những phương pháp cách mạng chung của Đảng, giúp cuộc kháng chiến 9 năm gian lao mà anh dũng của nhân dân 2 tỉnh giành những thắng lợi có ý nghĩa, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ 2 tỉnh luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, dù có những thời kỳ hết sức gay go, ác liệt, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, bị tù đày, tra tấn dã man nhưng tuyệt đại đa số đảng viên đã kiên cường, giữ vững khí tiết, giữ gìn sự trong sáng của Đảng, bảo vệ được cơ sở đảng, bảo vệ đồng chí mình. Bên cạnh đó, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ 2 tỉnh luôn có sự sáng tạo trong lãnh đạo, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, nghiên cứu vận dụng sát hợp vào tình hình địa phương mình, đề ra những nghị quyết đúng đắn, tạo niềm tin trong nội bộ và biến thành sức mạnh của phong trào quần chúng. Từ đó phong trào cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong khí thế cách mạng tiến công toàn miền, quân và dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã liên tục tiến công và nổi dậy, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 30-4-1975. Đảng bộ và nhân dân  2 tỉnh đã góp phần cùng nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược khỏi đất nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ khi có Đảng cho đến kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cho thấy, ở đâu có đảng viên là ở đó có phong trào cách mạng. Mỗi gương hy sinh của cán bộ, đảng viên của Đảng có ảnh hưởng đến lớp người mới tiếp nối sự nghiệp của Đảng. Đảng bộ, cụ thể là từng đảng viên đã trở thành niềm tin và ước vọng của nhân dân…

Đảng bộ tỉnh lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên lĩnh vực kinh tế đạt nhiều thành quả quan trọng, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển. (trong ảnh: Khu công nghiệp  Long Giang, huyện Tân Phước ngày càng phát triển).                                                                                                                                                                                                                                                             Ảnh:  HỮU NGHỊ
Đảng bộ tỉnh lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên lĩnh vực kinh tế đạt nhiều thành quả quan trọng, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển. (trong ảnh: Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước ngày càng phát triển). Ảnh: HỮU NGHỊ

LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ MỚI

Chặng đường 10 năm sau giải phóng (1975 -1985) là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương, với nhiều khó khăn, thách thức. Do vừa thoát khỏi hai cuộc chiến tranh lâu dài nên lực lượng cán bộ, đảng viên chưa nhiều, chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng kinh tế, quản lý xã hội; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, tự lực tự cường, nhanh chóng thiết lập, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng; khắc phục hậu quả chiến tranh, đấu tranh trấn áp các tổ chức phản động; đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.
Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đã tạo ra sức sống mới và hiệu quả mới ở Tiền Giang. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã phát huy được năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao, đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày và các loại trái cây, gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Cơ cấu các vùng kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế từng vùng. Tỷ trọng các ngành sản xuất trong nền kinh tế có sự thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng lên hằng năm so với sản xuất nông nghiệp.

Qua 34 năm lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cũng như cả nước, Tiền Giang thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội, vượt qua tình trạng nghèo đói và lạc hậu kéo dài nhiều năm để từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…, bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh không ngừng được đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể và có nhiều khởi sắc; bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân từng bước được củng cố, kiện toàn; tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đề cao vai trò vận động nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Những thành tựu quan trọng đó chứng tỏ khả năng vận dụng và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đối với Đảng bộ Tiền Giang là đúng đắn và sáng tạo.

GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và tiến hành Đại hội đại biểu đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước tình hình đó, BCH Đảng bộ tỉnh đề cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, của doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế vùng, hội nhập quốc tế; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân với một số giải pháp cụ thể như sau:

Tập trung thực hiện tốt các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi huy động các nguồn lực đầu tư. Phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tái cấu trúc ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với phát triển 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh. Tăng cường khả năng điều tiết các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường khả năng tích nước cho mùa khô. Đẩy mạnh triển khai hai Dự án vùng sản xuất lúa, rau ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, đảm bảo tốt cho việc tái đàn, ổn định chăn nuôi. Lãnh đạo, chỉ đạo các xã, các huyện, các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, kịp thời kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện; chú trọng củng cố, nâng chất các tiêu chí theo quy định mới tại các xã đã được công nhận xã nông thôn mới.

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp nâng cao hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện. Đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm, đặc biệt là Dự án Khu Công nghiệp Gò Công, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận... đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch. Phát triển mạnh dịch vụ thông tin - truyền thông; tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và sử dụng Chính phủ điện tử nhằm phục vụ tốt cho người dân.

Quản lý chặt chẽ trong công tác thu, chi ngân sách; tổ chức khai thác tốt các nguồn thu theo luật định, chú ý cân đối các nguồn thu hợp lý và tạo nguồn thu mới; thực hiện tốt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đồng thời thực hành tiết kiệm trong chi ngân sách.

Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ và khuyến khích việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và tăng trưởng xanh. Tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, các nguồn gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.