Thứ Tư, 18/03/2020, 20:20 (GMT+7)
.

Cô Trần Thị Hồng: Một lòng theo Đảng

Cô Trần Thị Hồng sinh năm 1951 ở xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy (nay thuộc TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng trông cô Tư Hồng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn.

Là lớp người trưởng thành trong kháng chiến, 17 tuổi cô Tư đã theo Đảng làm cách mạng. Đến khi nghỉ hưu cô vẫn nhiệt tình, hăng say với công tác Đảng và công tác khuyến học, như một “bà tiên” mang niềm hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh.

Cô Tư Hồng và đồng chí Đỗ Quang Hưng trong một buổi lễ trao Huy hiệu Đảng.
Cô Tư Hồng và đồng chí Đỗ Quang Hưng trong một buổi lễ trao Huy hiệu Đảng.

SỚM TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA GIA ĐÌNH

Năm 17 tuổi, cô Tư đã theo Đảng làm cách mạng. Năm 1968, vừa bước qua cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, cô cùng nhiều đoàn viên khác ở địa phương gia nhập lực lượng Dân công hỏa tuyến theo lời giới thiệu của em gái ông Đào Viễn Trung (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang).

Trong ký ức năm xưa gợi về, cô Tư Hồng còn nhớ như in những kỷ niệm thuở tuổi trẻ tham gia kháng chiến với chân đất, đầu trần, người gánh, người vác lương thực, hàng hóa thiết yếu chạy băng băng qua đồng bưng, dùng mưu trí thoát những trận oanh kích bằng rốc két, đại liên, truy lùng của giặc ở vùng Đồng Tháp Mười, giáp với tỉnh Long An.

Năm 1970, gia đình cô tản cư về ấp Ông Áng, xã Thanh Hòa (nay thuộc phường 2, TX. Cai Lậy). Lúc bấy giờ có ông Ngô Thanh Long (Hai Long), là cán bộ Đoàn Thanh niên thị trấn Cai Lậy, giao cô nhiệm vụ thu thuế đảm phụ nông nghiệp trong ấp Ông Áng và vận động bà con tham gia phong trào chống bắt nữ thanh niên tham gia phòng vệ dân sự. Bản thân cô ngày ấy đã vận động được 34 nữ phòng vệ dân sự ấp Ông Áng chống luyện tập quân sự.

Giữa năm 1972, cô được tổ chức phân công làm Bí thư Chi đoàn Nghiệp đoàn lao động, cùng với anh chị em chủ đò, tắc ráng đã vận động 117 binh sĩ giao cho cách mạng nhiều lựu đạn và đạn tiểu liên AR15 của địch. 3 đoàn viên, thanh niên phòng vệ dân sự ở tua số 1 (cua Ông Cọp) đã vận động thanh niên trong lực lượng phòng vệ dân sự ở thị trấn Cai Lậy nổi dậy diệt 2 tên tề điệp ác ôn, giải tán 22 phòng vệ dân sự khác, thu 4 súng.

Qua 2 năm thử thách, cô được tổ chức tin tưởng, bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Cô nhớ lại: “Đó là buổi tối 20-7-1972, tại căn bếp của một cơ sở cách mạng ở xã Thanh Hòa, cô được đồng chí Nguyễn Văn Lộc (Mười Nhỏ), Trưởng Ban Trí vận Huyện ủy Cai Lậy Nam tuyên truyền về Điều lệ Đảng và làm lễ kết nạp Đảng cho cô. Là đảng viên, cô nguyện trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ được cấp trên giao.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, cô được cử làm Phó Ban Tuyên huấn Thị ủy Cai Lậy. Khi đó, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng và gia đình binh sĩ diễn ra sôi nổi.

Cô cùng các đồng chí Thanh Huệ, Hữu Châu… ban đêm dùng xe máy bí mật rải truyền đơn trên đường Phan Thanh Giản, trước cổng dinh quận (nay là đường 30-4) và chi thông tin chiêu hồi địch. Và từ hoạt động tuyên huấn, cô đã gặp và nên nghĩa vợ chồng với chú Tám Hưng (Đỗ Quang Hưng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang), khi đó là Trưởng Ban Tuyên huấn Huyện ủy Cai Lậy Nam.

Sau khi hoàn thành lớp sơ cấp chính trị ở xã Long Trung (huyện Cai Lậy), cô được giới thiệu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Cai Lậy Nam, thường xuyên đi xuống cơ sở xây dựng phong trào, vận động phụ nữ đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực; nấu cơm, nấu bánh tét ủng hộ bộ đội; nhiều lần mưu trí thoát khỏi sự truy xét gắt gao của địch.

“Hồi mình còn trẻ, tất cả người thân của mình đều theo cách mạng. Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống gia đình cách mạng, mình góp sức cho nền độc lập, thậm chí hy sinh cho đất nước thì đâu có tiếc gì!” -
cô Tư Hồng tự hào.

“BÀ TIÊN” CỦA NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

Sau ngày đất nước thống nhất, người nữ dân công hỏa tuyến năm nào vẫn miệt mài làm việc, tham dự nhiều khóa học để tiến bộ hơn trong công tác. Cô Tư Hồng đã được giao nhiều chức vụ: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cai Lậy. Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, cô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phần vì chưa qua trường lớp đào tạo chính quy, phần vì cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn hoặc cũ kỹ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động.

Cô tâm niệm: “Trưởng thành từ trong kháng chiến, là đảng viên thì phải có tâm trong sáng, phải nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình trong thời bình”.

Với suy nghĩ đúng đắn đó, cô không ngại khó, ngại khổ, hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Đặc biệt là, cô có công lao rất lớn trong việc củng cố Chi bộ khu phố 7, thị trấn Cai Lậy từ yếu lên chi bộ mạnh với tư cách là Bí thư chi bộ (năm 2003) và hết lòng với công tác khuyến học (Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Cai Lậy năm 2003), là “bà tiên” của những mảnh đời bất hạnh.

HOÀNG DANH

.
.
.