Thứ Sáu, 13/03/2020, 10:26 (GMT+7)
.

San bằng "pháo đài" phòng ngự của địch


Từ kinh nghiệm thực tiễn và được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh (BTL) Miền, Quân khu 8 chủ trương chuyển bộ đội chủ lực Quân khu về tiến công mở màn chiến dịch tổng hợp đợt 2 là vùng Bắc Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho.

Với quyết tâm phải giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường Quân khu, sau khi thảo luận, BTL Quân khu đi đến nhất trí: Nếu giải phóng Vùng 4 Kiến Tường cũng không nhất thiết phải tập trung lực lượng như đợt 1, mà lần này địa bàn chiến dịch được mở ở quận Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho) và quận Mỹ An (tỉnh Sa Đéc), trong đó yếu khu Ngã Sáu là mục tiêu then chốt.

NHỮNG THUẬN LỢI BƯỚC ĐẦU

Đầu tháng 2-1975, Khu ủy và Quân khu ủy Khu 8 tổ chức hội nghị mở rộng tại ấp Mỹ Lợi A, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy Nam, tỉnh Mỹ Tho nhằm tổng kết chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975 và đề ra nhiệm vụ mùa khô năm 1975. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Khu ủy Khu 8 đã chỉ đạo hạ quyết tâm giải phóng toàn khu 8 trong năm 1975; đồng thời, đề ra nhiệm vụ cho tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho phải đánh dứt điểm sớm một bước, giành thắng lợi cao nhất. Khu ủy chủ trương tiếp tục mở mảng hoàn chỉnh huyện Chợ Gạo, nối liền tuyến hành lang đến phía Nam tỉnh Long An.

Kết thúc đợt 1, trên chiến trường 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, ta loại khỏi vòng chiến đấu 8.500 tên địch và bức rút 209 đồn tua, phân chi khu quân sự (địch đóng lại 59 đồn và phân chi khu), giải phóng hoàn toàn 8 xã, 305 ấp với trên 5 vạn dân; giải phóng cơ bản 26 xã, chuyển lên tranh chấp 51 xã, xóa 2 xã và 61 ấp trắng. Đặc biệt, tinh thần binh lính, sĩ quan địch ngày càng sa sút nghiêm trọng. Trong khi đó, lực lượng của ta ngày càng mạnh. Tính chung, tất cả các lực lượng tham gia chiến đấu của ta có hơn 45.000 người, đây là lực lượng áp đảo quân địch, đủ sức tiến công địch để giành thắng lợi.

Ngày 13-2-1975, được sự thống nhất của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Ban Chỉ huy chiến dịch phối hợp với Huyện ủy Chợ Gạo tổ chức mít tinh tại ấp Đăng Nẵm, xã Đăng Hưng Phước, có gần 4.000 người dự, với tinh thần “Đảng trao súng, trao cờ cho thanh niên giải phóng quê hương”. Trong dịp này, có 52 thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang (LLVT)…

Giữa tháng 3-1975, Tỉnh ủy Mỹ Tho mở hội nghị mở rộng đến các bí thư xã tại cống Bà Kỳ, thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, do đồng chí Nguyễn Công Bình, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì.

Hội nghị đã thống nhất hạ quyết tâm giải phóng cơ bản tỉnh Mỹ Tho sớm một bước theo nghị quyết của Khu ủy và đề ra nghị quyết cho cuộc tiến công và nổi dậy bức phá lộ 4 (Quốc lộ 1), chặn đứng các lộ sườn và hỗ trợ tích cực cho mặt trận Tây - Nam Sài Gòn. Những chuyển biến cả thế và lực vào cuối năm 1974 đầu năm 1975 tạo tiền đề thuận lợi cho 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã cùng cả nước bước vào thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương trong 2 năm 1975 - 1976.

MỞ MÀN CHIẾN DỊCH

Mở đầu chiến dịch, theo chỉ đạo của Khu, ta sử dụng Trung đoàn 24, Trung đoàn 320, Trung đoàn 207 và bộ đội đặc công 283 mở màn chiến dịch tổng hợp đợt 2 nhằm tiêu diệt yếu khu Ngã Sáu, tạo thế cho LLVT 3 thứ quân và nhân dân các địa phương trong quân khu mở mảng, mở vùng giành thắng lợi to lớn nhất. Đúng 5 giờ ngày 11-3, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 ra lệnh tiến công, lập tức các mũi đánh theo hiệp đồng, toàn bộ căn cứ bị rung chuyển và trùm lên một màn khói đen dày đặc.

Với sự phối hợp nhịp nhàng, Trung đoàn 320 đã đánh ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng địch trên cánh đồng Bằng Lăng. Sau nhiều đợt xung phong, ta đã hoàn toàn làm chủ yếu khu Ngã Sáu lúc 18 giờ ngày 11-3. Trưa 12-3, địch sử dụng tiểu đoàn 3, trung đoàn 11 chiếm lại yếu khu Ngã Sáu. Quân khu quyết định sử dụng Trung đoàn 207 tiếp tục tiến công giải phóng căn cứ Ngã Sáu lần 2.

Sáng 13-3, cán bộ Trung đoàn 207 cùng cán bộ Tiểu đoàn 1 và các đại đội thuộc Tiểu đoàn 1 đi trước nắm tình hình địch và địa hình, các lực lượng còn lại sẽ hành quân tiếp sau đó. Để thực hiện yêu cầu của Quân khu là phải giải quyết nhanh trận đánh, Trung đoàn chọn phương án lợi dụng yếu tố bất ngờ, đưa lực lượng thọc sâu vào trung tâm căn cứ, đánh gần, đánh nhanh tiêu diệt địch.

20 giờ ngày 13-3, Tổ trinh sát do đồng chí Ruộng (Quân khu tăng cường) cùng 2 trinh sát Tiểu đoàn 1 vượt kinh Nguyễn Văn Tiếp B bí mật tiếp cận chốt tiền tiêu phía bắc căn cứ, bắt 3 tên lính giao cho Trung đoàn khai thác.

Qua khai thác, 3 tên này cho biết hệ thống bố phòng bên trong khu căn cứ và đồng ý dẫn lực lượng ta vào bên trong đánh địch. Đến khoảng 22 giờ, toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 1 đã vượt qua khỏi chốt gác và áp sát hàng rào cuối cùng của căn cứ. Được lệnh tiến công, các mũi nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu, dùng lựu đạn và tiểu liên diệt địch trong căn cứ. Do bất ngờ, địch không kịp phản ứng và cũng không thể gọi ứng cứu, nên phần lớn bị tiêu diệt tại chỗ.

Trung đoàn 207 làm chủ trận địa đến tối 14-3 thì được lệnh rút về kinh Phèn. Cùng thời điểm này, các đơn vị chủ lực Quân khu mở rộng địa bàn trên các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ An phối hợp với thế trận chiến tranh nhân dân, buộc địch phải sử dụng lực lượng cơ động phòng thủ các điểm trọng yếu ven thị trấn, thị xã và lộ 4. Từ đây, yếu khu Ngã Sáu hoàn toàn được giải phóng.

Sau thắng lợi này, LLVT và nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo… đẩy mạnh tiến công quân sự, binh vận, nhổ hàng loạt đồn bót, mở mảng, chuyển vùng thuận lợi hơn, góp phần giải phóng quê hương trong Chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.