Thứ Sáu, 27/03/2020, 09:07 (GMT+7)
.
Trong ngục tối vẫn rạng ngời ánh sáng của Đảng

Bài 3: Khúc bi tráng ghi vào lịch sử

Bài 1: Hệ thống “địa ngục trần gian”

Bài 2: Biến nhà tù thành trường học cách mạng

Nhà tù, trại giam hiểu theo một cách nào đó, là một trong những “mặt trận” đấu tranh không khoan nhượng giữa ta và địch. Đó còn là một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là các chiến sĩ cách mạng, một bên là bọn cai ngục với đầy đủ vũ khí, roi vọt và vô số các hình thức đàn áp dã man. Nhưng vượt lên trên những gông cùm, xiềng xích…, các chiến sĩ cách mạng vẫn quy tụ dưới ngọn cờ của Đảng, thành lập các cơ sở Đảng để lãnh đạo thực hiện các phong trào đấu tranh trực diện với kẻ thù. Và những cuộc đấu tranh ấy không thể không có mất mát, hy sinh…, qua đó đã viết lên khúc tráng ca bi hùng đi vào lịch sử của Đảng, của dân tộc…

Đoàn cựu tù kháng chiến của tỉnh về thăm lại Nhà tù Phú Quốc.
Đoàn cựu tù kháng chiến của tỉnh về thăm lại Nhà tù Phú Quốc.

Nhà tù là nơi địch giam những người đã qua xét xử hoặc một số người cần giam lâu để khai thác tin tức; còn trại giam là nơi tạm giam, thời gian lưu trú của người bị bắt có hạn. Vì vậy, chỉ có nhà tù mới tổ chức được cơ sở Đảng, còn trại giam thì rất hạn chế. Ở Tiền Giang, hiện nay mới có thông tin về việc tổ chức cơ sở Đảng trong Khám đường Mỹ Tho và Khám đường Gò Công.

XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐẢNG

Trước sự kìm kẹp gắt gao của kẻ địch đối với tù nhân chính trị, yêu cầu xây dựng tổ chức Đảng trong nhà tù để lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống sự đàn áp, khủng bố của địch là yêu cầu khách quan và cần thiết. Ở Khám đường Mỹ Tho, tổ chức Đảng được hình thành trước những năm 1968 - 1969, do lực lượng đảng viên trong nhà tù tự đề cử.

Cuối năm 1970, Thành ủy Mỹ Tho có đảng văn chỉ đạo củng cố lại tổ chức Đảng trong nhà tù; đồng thời chỉ định Ban Chấp hành Đảng ủy nhà tù Mỹ Tho, trong đó đồng chí Trần Hoàn (Chín Hoàn, nữ, hiện cư ngụ TP. Mỹ Tho) làm Bí thư Đảng ủy và đồng chí Trương Quốc Việt, hiện cư ngụ xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, làm Phó Bí thư Đảng ủy. Tổ chức chi bộ trực thuộc Đảng bộ nhà tù ở các phòng giam tù nhân chính trị cũng được xây dựng. Số lượng đảng viên trong Đảng bộ nhà tù thường trên dưới 40 đồng chí.

Ở các nhà tù, ngoài tổ chức Đảng, còn có tổ chức Đoàn Thanh niên. Qua các phong trào đấu tranh, nhiều đoàn viên được Đảng bộ nhà tù xem xét kết nạp Đảng. Sau một thời gian dài phấn đấu, giữ vững khí tiết, chú Tư Minh được đứng chân vào hàng ngũ của Đoàn Thanh niên, sau đó tiếp tục đứng chân vào hàng ngũ của Đảng. Dù gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chú vẫn nhớ mãi ngày 15-5-1971. Hôm ấy, chú cùng với Bí thư Chi bộ và Chi ủy viên (người được phân công bồi dưỡng chú) cùng ngồi với nhau. Đồng chí Bí thư sinh hoạt cho chú hiểu thêm về lý tưởng của Đảng, phẩm chất của một người đảng viên cần có…, rồi tuyên bố: Hôm nay Chi bộ ghi nhận đồng chí vào Đảng, là đảng viên của Chi bộ. Từ đó đến nay, ngày 15-5-1971 được ghi vào hồ sơ đảng viên, được sử dụng để tính tuổi Đảng của chú.

Trong điều kiện bị địch kiểm tra, giám sát gắt gao, nhưng tổ chức Đảng trong Khám đường Mỹ Tho vẫn tìm cách sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt ở các chi bộ là tiếp nhận từ Đảng ủy nhà tù thông qua việc để tài liệu trong dép mang đi phơi quần áo hoặc đi vệ sinh buổi sáng gặp nhau thì đổi dép cho nhau. Nội dung để Đảng ủy đưa xuống các chi bộ sinh hoạt được cung cấp từ nhiều nguồn: Từ sự chỉ đạo đưa vào của Thành ủy Mỹ Tho (thông qua thăm nuôi); nghe Đài Hà Nội, Đài Giải phóng vào ban đêm; căn cứ theo sự chỉ đạo của Thành ủy kết hợp với tình hình thực tế tại chỗ, Đảng ủy đưa ra chủ trương, chỉ đạo các chi bộ tổ chức quán triệt và hành động.

Ở Nhà tù Phú Quốc, các chi bộ do tù nhân tự thành lập theo kiểu du kích. Thường anh em dựa vào sự quen biết nhau từ trước, ở cùng quê hoặc cùng đơn vị để xác lập lòng tin, biết nhau là đảng viên rồi mới rỉ tai nhau lập một tổ, đủ 3 đảng viên thì nâng thành chi bộ, hoạt động phải rất bí mật và khôn khéo. Trong một nhà giam có thể có nhiều chi bộ, nhưng chi bộ nào chỉ biết đảng viên trong chi bộ đó. Để qua mắt bọn cai ngục, đảng viên tổ chức họp bằng cách ngồi tụm nhau ở một góc nhà giả đánh cờ hay giả vờ đi tiểu để hội ý chớp nhoáng. Chỉ có bí thư chi bộ mới biết ai là bí thư đảng ủy. Bí thư đảng ủy thường không để lộ danh tính trong các cuộc đấu tranh. Khi kẻ thù phát hiện ra một chút manh mối nào là tiêu diệt ngay người đứng đầu.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chú Đỗ Tấn Minh (chú Tư Minh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh vẫn còn nhớ Nhà tù Phú Quốc có rất nhiều nhà giam, mỗi nhà giam đều có chi bộ. Chi bộ bầu ra chi ủy, các đồng chí trong chi ủy đề cử ra bí thư. Nhà tù luôn xáo trộn tù nhân giữa các nhà lao nên chi bộ phải thường xuyên tập hợp, củng cố lại lực lượng đảng viên.

Trong dòng hồi ức của mình, người cựu tù Phú Quốc Trần Văn Mừng (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) vẫn còn nhớ từng cột mốc thời gian trong những ngày sống ở “địa ngục trần gian”: Sau Tết Mậu Thân 1968, chú bị đày ra Nhà tù Phú Quốc. Đến tháng 2-1968, nhà lao phòng 5 nơi giam giữ chú thành lập chi bộ, chú được phân công phụ trách Đội Thanh niên cảm tử. Sau đó vài tháng, chi bộ được củng cố, tăng lên 13 đảng viên, chú được phân công làm Bí thư Chi đoàn, phụ trách Đội Thanh niên cảm tử. Ít lâu sau, Đảng ủy nhà lao được thành lập, chú sinh hoạt ở Chi bộ Phòng 5, với 23 đảng viên. Đến tháng 5-1970, Đảng bộ thống nhất toàn Nhà tù Phú Quốc được thành lập, do đồng chí Ba Yên làm Bí thư Đảng ủy và 2 Phó Bí thư là đồng chí Sáu Thắng và Lê Trương. 

KHÚC TRÁNG CA BI HÙNG

Từ khi Khám đường Mỹ Tho có tổ chức Đảng, nhất là khi tổ chức Đảng nhà tù được quan tâm củng cố nâng chất thì công tác lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống địch có hiệu quả hơn. Đối với việc chống chào cờ của địch vào sáng thứ hai hằng tuần, lúc đầu có khoảng 20% tù nhân chính trị không ra chào cờ, sau nâng lên tỷ lệ 70% - 80%. Lúc nào địch thúc ép, đàn áp mạnh thì Đảng ủy chủ trương cho tù chính trị ra sân, nhưng khi chúng bắt đầu chào cờ thì tất cả tù chính trị giả vờ té xỉu, cùng dìu nhau lên trạm xá, phá vỡ buổi chào cờ của địch. Tất nhiên, sau đó kẻ thù trấn áp, đánh đập tù nhân dã man, nhất là đối với những người chúng cho là chủ mưu.

Tổ chức Đảng trong nhà tù không chỉ lãnh đạo thực hiện các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, chống chào cờ địch, chống tố cộng…, mà còn lên kế hoạch để tang Bác Hồ khi hay tin Bác mất, chống chuyển tù chính trị sang tù thường phạm (sau Hiệp định Paris, bọn cai ngục ở Nhà tù Côn Đảo thực hiện âm mưu lập hồ sơ chuyển tù chính trị sang tù thường phạm nhằm tránh việc trao trả tù binh theo Hiệp định), nên lãnh đạo tổ chức thực hiện các cuộc vượt ngục…

Trong dòng hồi ức về những năm tháng bị giam cầm, khổ sai ở Nhà tù Phú Quốc, chú Mừng còn nhớ: Vào đầu năm 1971, Đảng ủy quyết định đào hầm vượt ngục, chú được phân công đào hầm cùng một số anh em khác. Đào hầm hơn 2 tháng thì Đảng ủy quyết định cho vượt ngục. Chi bộ phân công chú Mừng khóa đầu trổ nóc, do không có lỗ thông hơi nên chú cùng một đồng đội bị ngạt, ngất xỉu và được anh em đưa lên. Lần vượt ngục đó, có 27 đồng chí được trốn thoát. Sau cuộc đào hầm vượt ngục thành công, chú Mừng cùng một số anh em còn lại bị đổi xuống khu Đ5, bị điểm danh nghiêm ngặt và buộc hô khẩu hiệu phản động. Anh em tù nhân nhất quyết không hô, vì vậy chú và 8 anh em trưởng phòng khác bị chúng bắt tra tấn dã man, dùng cây đập vào gân cùi chỏ cho tê liệt, đục răng…

Tối đêm đó, chúng còn cho toán quân cảnh gọi chú ra, dùng nón sắt đánh mạnh vào lưng khiến chú nôn mửa ra máu và ngất xỉu. Chưa dừng lại, chúng còn dùng búa đập tét đầu chú. Khi anh em trong phòng phản đối quyết liệt, chúng mới chịu bỏ đi. Trước tình hình đó, Đảng ủy quyết định lãnh đạo thực hiện cuộc đấu tranh mới, đó là tuyệt thực để phản đối việc đánh đập bừa bãi, cấp đủ chế độ cho tù binh như thực phẩm tươi, cá không ươn, gạo đủ 700 gram. Trước sự đấu tranh quyết liệt, sau 7 ngày tuyệt thực, chúng đành chấp nhận yêu cầu của anh em tù nhân.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại Nhà tù Phú Quốc, các chi bộ trong nhà tù đã lãnh đạo, tổ chức hàng chục cuộc vượt ngục quy mô lớn, nhiều cuộc vượt ngục thành công. Chỉ tính từ tháng 7-1953 đến tháng 9-1953 đã có 5 cuộc vượt ngục lớn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, các chi bộ của Nhà tù Phú Quốc đã lãnh đạo, tổ chức 42 cuộc vượt ngục, trong đó có 16 cuộc vượt rào, 15 lần đi riêng lẻ, 7 cuộc đánh quân cảnh, 4 lần đào hầm, hơn 400 người trốn thoát khỏi “địa ngục trần gian”, nhưng chỉ có 239 người về được căn cứ kháng chiến…  

Không chỉ có những cuộc vượt ngục không thành khiến anh em tù chính trị phải hy sinh, mà trong những cuộc đấu tranh ở nhà tù họ còn thường xuyên bị đánh đập, tra tấn đẫm máu. Cuộc đàn áp tù nhân năm 1965 ở Nhà tù Phú Quốc là một minh chứng. Lần ấy chúng bắt anh em tập hợp chào cờ ngụy và hô đả đảo cộng sản. Anh em không thực hiện, bị chúng dùng dùi cui, báng súng đánh tới tấp, mọi người đánh trả lại, chúng xả súng vào tù binh khiến 78 chiến sĩ cách mạng hy sinh.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có hàng ngàn tù chính trị trung kiên, bất khuất, giữ vững khí tiết và đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Họ mãi mãi nằm lại ở Côn Đảo, Phú Quốc… Khí tiết và máu của họ đã hòa vào núi sông, hòa vào đất, vào cát và sóng biển dạt dào để viết lên khúc tráng ca bi hùng ghi vào lịch sử…

THIÊN LÊ (Còn tiếp)

.
.
.