.

Bác với miền Nam, miền Nam với Bác

Cập nhật: 16:36, 30/04/2020 (GMT+7)

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha (2 câu thơ trong bài thơ “Bác ơi!” của Tố Hữu, sáng tác năm 1969), đó là tình cảm, là nỗi lòng canh cánh, là nỗi niềm day dứt khôn nguôi của Bác dành cho miền Nam và của nhân dân miền Nam dành cho Bác. Dù đất nước trải qua bao thăng trầm do hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khốc liệt, phải tạm thời chia cắt hai miền Bắc - Nam, nhưng tình yêu bao la của Bác dành cho miền Nam và miền Nam dành cho Bác vẫn vẹn nguyên một màu tươi thắm…

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam  ra thăm miền Bắc (ngày 11-11-1965).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (ngày 11-11-1965).

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, đồng bào miền Nam chiến đấu kiên cường, Bác Hồ luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam. Miền Nam tuy cách xa, nhưng lòng Bác Hồ luôn bên cạnh đồng bào miền Nam. Từng ngày, từng giờ, từng công việc lớn nhỏ, Người luôn hướng về miền Nam.

“MIỀN NAM TRONG TRÁI TIM TÔI”

Buổi sáng mùa thu năm 1962 đẹp nắng, dưới vòm cây cổ thụ tỏa lá sum sê trong vườn Phủ Chủ tịch, khi nhận những tặng phẩm do Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên ra thăm miền Bắc dâng tặng, Bác Hồ đã bồi hồi đưa tay lên phía trái ngực mình và nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này”. Bác chỉ có trái tim. Bác tặng miền Nam trái tim của Người. Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim Bác. Cho đến phút cuối cuộc đời, lúc nào Bác cũng dành cho miền Nam những tình cảm to lớn và sâu sắc nhất. Bác theo dõi từng bước đi của cách mạng miền Nam. Bác lo lắng đến từng nỗi đau khổ của đồng bào miền Nam. Tiếp nhà báo Cuba Mácta Rohát, Bác nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Thực dân Pháp trước đây và đế quốc Mỹ sau này âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, áp đặt ở miền Nam một chế độ vô cùng độc tài và cực kỳ phát xít. Bác hiểu nỗi thống khổ đó của nhân dân miền Nam. Bác từng nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Chính vì thế, Bác luôn luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh để thống nhất Tổ quốc. Bác nói: “Miền Nam là ruột thịt, xương máu của chúng ta”; “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Niềm tin mãnh liệt và quyết tâm to lớn của Bác là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là niềm tin và ý chí mà Bác đã truyền đến cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.

Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mấy chục năm liên tiếp chiến đấu, miền Nam xa Bác, xa Trung ương. Nhưng chính vì sự xa cách đó mà lúc nào miền Nam cũng được Bác quan tâm nhiều nhất. Năm 1952, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến, Bác đã nói: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”. Cho đến ngày sắp đi xa, Bác vẫn theo dõi từng giờ từng phút cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam. Tấm bản đồ treo trong phòng làm việc của Bác đã chứng kiến biết bao lần ngọn chì đỏ Bác vạch trên bản đồ phần đất miền Nam. Mỗi ngày, câu hỏi thường xuyên của Bác vẫn là: “Miền Nam hôm nay thắng ở đâu?”.

Niềm vui của Bác là đồng bào, chiến sĩ miền Nam được ăn no, mặc ấm, là nhân dân bớt đau thương chết chóc, là miền Nam chiến thắng. Tin vui từ miền Nam đến với Bác là những “tin mừng thắng trận nở như hoa”. Vườn nhà Bác có mấy cây dừa đứng bên hồ nước ngay trước cửa nhà, có cây vú sữa đem từ miền Nam ra trồng, làm cho mỗi người miền Nam ra thăm Bác đều có cảm giác như về với gia đình, với người cha, người ông yêu quý nhất. Cây dừa và cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác ngày hòa bình lập lại, được Bác tự tay trồng. Mấy mươi năm được bàn tay cần mẫn chăm sóc của Bác, hai cây dừa và cây vú sữa lớn lên như sự nghiệp giải phóng miền Nam trưởng thành từ sự quan tâm đặc biệt của Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc  Giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên ra thăm  miền Bắc (ngày 20-10-1962).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc (ngày 20-10-1962).

Cho đến ngày Bác sắp đi xa, cây vú sữa đã cao quá nhà sàn Bác ở và tỏa lá sum sê che bóng mát những giấc ngủ trưa của Bác. Trên bàn, trong phòng Bác vẫn thường họp bàn công việc với Bộ Chính trị và cũng là nơi Bác nằm khi chữa bệnh, vẫn còn chiếc radio bán dẫn, chiến lợi phẩm của quân và dân miền Nam thu được trong trận Phước Thành gửi tặng, chiếc radio mà đêm đêm Bác vẫn dùng để “nghe tiếng nói nhân loại” như Bác vẫn nói. Cho đến lúc Bác đã đi xa, đến thăm vườn và nhà Bác, nhìn những cảnh vật thân thương ấy, mỗi chúng ta càng nhớ sâu sắc câu nói đầy tình cảm tha thiết của Bác: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”…

MIỀN NAM MONG BÁC, NỖI MONG CHA

Đáp lại tình thương yêu, tin tưởng của Bác Hồ, đồng bào miền Nam luôn làm theo lời Bác, thực hiện đến cùng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tình cảm của đồng bào miền Nam còn là sự nhớ thương, mong chờ, trông đợi được đón Bác Hồ vào miền Nam cùng vui niềm vui chiến thắng. Tình cảm máu thịt, sâu sắc của Bác Hồ với miền Nam và của đồng bào miền Nam với Bác Hồ như “chất men” xúc tác tạo thành một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Mỹ, dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

Bác Hồ là hiện thân của niềm tin và chiến thắng của Tổ quốc, của nhân dân ta. Những người con của Nam bộ thành đồng luôn hướng về Bác với tình cảm thiêng liêng. Như anh Nguyễn Văn Trỗi, người anh hùng tiêu biểu cho cả lớp người yêu nước ở miền Nam đã mang hình ảnh Bác trong trái tim của mình. Anh đã dùng những phút cuối cùng thiêng liêng nhất của đời mình để tiếp tục tấn công kẻ thù. Và anh đã chiến thắng kẻ thù vì anh luôn khắc sâu trong tim hình ảnh vĩ đại của Bác. Ba lần anh Nguyễn Văn Trỗi hô “Hồ Chí Minh muôn năm!”, đó cũng là ba lần anh nói với kẻ thù: Bác Hồ của chúng ta sống mãi!

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ít lâu, miền Nam cử đoàn đại biểu đầu tiên ra thăm miền Bắc. Đoàn do nhà giáo Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dẫn đầu. Nhà thơ Thanh Hải là người may mắn được là thành viên của đoàn. Anh cho biết, là nhà thơ, nhưng anh cảm thấy viết đến mấy vẫn không thỏa tấm lòng đối với Bác. Cũng như tất cả đồng bào, chiến sĩ, cán bộ ở miền Nam, những người làm công tác văn nghệ như anh đều mong được gặp Bác và niềm khao khát vô bờ bến ấy thật là thiêng liêng.

Sáng ngày 21-10-1962, nhà thơ Thanh Hải cùng với đoàn được vào thăm Bác. Giờ phút đó biết bao hồi hộp. Được tin sẽ gặp Bác từ hôm đầu, vậy mà anh vẫn cảm thấy bất ngờ. Nhà thơ Thanh Hải cùng với các thành viên trong đoàn vừa ngồi vào bàn thì Bác đến. Bác ôm hôn từng thành viên trong đoàn và hỏi thăm sức khỏe của mỗi người. Và buổi sáng hôm đó, đoàn vinh dự được dâng lên Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng những tặng phẩm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Trong tặng phẩm dâng lên Bác có tập thơ chép tay của anh Trọng Tuyển. Trước khi hy sinh, anh có mơ ước duy nhất là được gửi kính tặng Bác tập thơ do tự tay anh viết. Ước mơ đó của anh đã thành sự thật. Bác cầm tập thơ lặng đi một lúc với niềm xúc động và tình thương bao la đối với miền Nam...

THIÊN SƠN (Tổng hợp)

.
.
.