Thứ Tư, 15/04/2020, 15:29 (GMT+7)
.
Dấu son 45 năm

Bài 2: Làn sóng công nghiệp

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, công cuộc khôi phục và phát triển đất nước chính thức bắt đầu. Sau cải tạo nông nghiệp, công nghiệp chế biến cũng được tính đến.

Ngành Công nghiệp Tiền Giang manh nha bắt đầu từ những ngành nghề được dựa trên những yếu tố lợi thế về vùng nguyên liệu, như chế biến dừa, lúa gạo, cây ăn trái…

Ngành Công nghiệp Tiền Giang có bước chuyển biến tích cực.
Ngành Công nghiệp Tiền Giang có bước chuyển biến tích cực.

THĂNG TRẦM

Chặng đường 45 năm qua của ngành Công nghiệp Tiền Giang cũng không ít gập ghềnh như ngành Nông nghiệp hay các ngành nghề khác. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ I, giai đoạn 1976 - 1980 của tỉnh Tiền Giang được xây dựng trên nền tảng từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục lại các cơ sở sản xuất bị tàn phá, cải tạo sản xuất nông nghiệp. Đó là một nhiệm vụ không phải dễ dàng.

Soi xét kỹ vào chặng đường đã qua mới thấy rằng, giai đoạn này ngành Công nghiệp của Tiền Giang còn nhỏ lẻ, yếu kém, chủ yếu ở lĩnh vực cơ khí sửa chữa, cơ khí phục vụ nông nghiệp, xay xát và sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng.

Từ chỗ ngành Công nghiệp còn nhỏ lẻ, sau 45 năm, Tiền Giang đã hình thành và hoàn chỉnh nhiều khu, cụm công nghiệp. Theo Sở Công thương, đến cuối năm 2019, Tiền Giang có 3 khu công nghiệp đang hoạt động, với diện tích hơn 816 ha; trong đó Khu công nghiệp Mỹ Tho và Khu công nghiệp Tân Hương đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp; Khu công nghiệp Long Giang đã xây dựng hạ tầng đạt 70%, lấp đầy hơn 81% diện tích đất cho thuê. Riêng Khu công nghiệp Gò Công đang thực hiện mời gọi đầu tư.

Đến nay, tổng số có 102 dự án hoạt động tại các khu công nghiệp (trong đó có 74 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), thu hút khoảng 88.650 lao động. Các Khu công nghiệp Bình Đông (212 ha), Khu công nghiệp Tân Phước 1 (470 ha) và Khu công nghiệp Tân Phước 2 (300 ha) đang kêu gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng có 4 cụm công nghiệp (Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận và An Thạnh) đang hoạt động. Ngoài ra, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 thực hiện san lấp mặt bằng, các cụm công nghiệp đang thực hiện thủ tục liên quan đầu tư: Mỹ Lợi, Tân Lý Đông, Mỹ Phước Tây, Gia Thuận 2, An Thạnh 2, Thạnh Tân…

Tuy khó khăn bộn bề là thế, nhưng dựa vào vị thế và tiềm năng hiện có, lãnh đạo tỉnh đã có những định hướng đúng đắn là bắt đầu xây dựng doanh nghiệp trên vùng đất có nhiều nguyên liệu sản xuất.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp mới ra đời vào những năm sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước và đã phát huy được hiệu quả như: Xí nghiệp 1-5, Nhà máy Mỹ Tường thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Chăn nuôi, Xí nghiệp Liên hiệp Rau quả, Xí nghiệp Liên hiệp Dừa Tiền Giang, Xí nghiệp May Mỹ Tho… Một thời các doanh nghiệp này đứng vị trí hàng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đánh dấu một bước ngoặt lịch sử về đổi mới tư duy và đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang chủ động vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới để xác định bước đi cho kinh tế Tiền Giang.

Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, tỉnh đã có những định hướng đầu tư đúng đắn để phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Ngành công nghiệp chế biến (hình thành các cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu), xây dựng, các ngành dịch vụ...

Cùng với làn gió đổi mới của cả nước, lãnh đạo tỉnh cũng đã lựa chọn hướng “đi tắt đón đầu” để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bắt đầu vào giai đoạn đầu đổi mới, dù cơ chế, chính sách đã được thay đổi, nhưng đi lên theo hướng nào cũng là điều không dễ dàng.

Nhưng dẫu sao, khi kinh tế thị trường dần được định hình, doanh nghiệp được giao quyền chủ động kinh doanh, năng lực sản xuất được giải phóng và ngày càng phát huy tác dụng. Chính sách kinh tế mới đã cởi trói, giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển. Chính vì vậy, sản phẩm công nghiệp đa dạng hơn. Doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và bao bì.

Điểm nhấn của ngành Công nghiệp Tiền Giang là sự ra đời của Công ty Liên doanh Rượu bia BGI vào năm 1992, tiếp theo đó là hàng loạt công ty liên doanh khác ra đời.

Nhắc lại chặng đường đã qua, trao đổi với chúng tôi gần đây, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp giai đoạn 1994 - 2001 Phạm Văn Khiết nhớ lại, thực trạng chung là các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, lực lượng yếu, phân tán, máy móc thiết bị lạc hậu dẫn đến hệ quả là sức cạnh tranh hàng hóa rất kém.

Lúc này tỉnh xác định, muốn đi lên công nghiệp hóa phải bắt nguồn từ nền tảng nông nghiệp, nên đầu tư công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Từ chủ trương này, một số doanh nghiệp có năng lực sản xuất yếu kém, cùng ngành nghề thì sáp nhập trở lại…

TĂNG TỐC

Cùng với xu thế đổi mới của đất nước, ngành Công nghiệp của Tiền Giang bắt đầu có bước tiến dài, không chỉ việc ra đời của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mà còn thu hút nhiều dự án đầu tư mới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1996 đến năm 2000 là giai đoạn các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từng bước được hình thành, phát triển nhanh, mạnh, tạo sự đổi mới đáng kể của lực lượng sản xuất.

Nhờ đó, kinh tế của tỉnh có bước phát triển rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm thời kỳ này đạt 8,1%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14,2%/năm, sản lượng lương thực đạt 1,3 triệu tấn, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tiếp tục phát huy thế mạnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và hướng vào xuất khẩu.

Các định hướng lớn và các chính sách về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng nguồn lực cho nền kinh tế được quan tâm. Nhờ đó, chỉ tính trong giai đoạn 1995 - 2000, Tiền Giang đã thu hút 10,9 triệu USD từ nguồn vốn ODA và thu hút được 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 42,7 triệu USD.

Có lẽ dấu mốc phát triển của ngành Công nghiệp Tiền Giang được đánh dấu khi lần đầu tiên Dự án Xây dựng phát triển công nghiệp, do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) triển khai thực hiện. Cùng với chủ trương phát triển công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, dẫn đến việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, mà điển hình là Khu công nghiệp Mỹ Tho ra đời vào năm 1997.

Và tất nhiên là sau đó hàng loạt khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lần lượt ra đời. Dấu ấn rõ nét nhất của ngành Công nghiệp có lẽ được ghi dấu ở giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây, đặc biệt là giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Từ chỗ ngành Công nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu, từ năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đã cán dấu mốc 1 tỷ USD và trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong cả nước.

Quan điểm nhất quán của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, có năng lực thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Song song đó là các chính sách ưu đãi, chính sách khuyến khích các thành phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là động lực mạnh mẽ để đẩy nhanh công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ năm 2001 đến nay, Tiền Giang phát huy mạnh mẽ vai trò là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa thuộc vùng ĐBSCL.

Nhờ đó, ngành Công nghiệp của Tiền Giang không ngừng tăng tốc, nhất là đối với các dự án thu hút đầu tư. Nhờ đó, Tiền Giang thu hút được rất nhiều dự án đầu tư mới, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Nếu như năm 2000 toàn tỉnh chỉ thu hút được 11 dự án, với tổng vốn 2.200 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2019, ngoài các dự án đầu tư trong nước, Tiền Giang có 114 dự án vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 2,573 tỷ USD. Đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó Trung Quốc đứng đầu với 27 dự án…

ANH PHƯƠNG (Còn tiếp)

.
.
.