Thứ Tư, 29/07/2020, 15:57 (GMT+7)
.

Đội Tuyên truyền xung phong - mũi nhọn tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho gồm có các Tiểu ban: Huấn học, Tuyên truyền, Văn nghệ, Thông tấn - Báo chí, Giáo dục, Nhà in giấy sáp Thái Sanh Hạnh, Nhà in chữ chì Huỳnh Văn Sâm, Văn phòng ban. Tiểu ban Tuyên truyền có Đội Tuyên truyền xung phong (TTXP), được coi là mũi nhọn tuyên truyền của Ban Tuyên huấn.

Phút nghỉ ngơi, nghe đọc tin chiến thắng của quân giải phóng.
Phút nghỉ ngơi, nghe đọc tin chiến thắng của quân giải phóng.

2 CUỘC “ĐẠI NÁO”

Để chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, cuối năm 1967, thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy và Ban Tuyên huấn Khu 8 (Khu Trung Nam bộ), Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định thành lập Đội TTXP của tỉnh. Nhiệm vụ chủ yếu của Đội là tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giác ngộ cách mạng cho quần chúng và binh lính sĩ quan địch trong các đồn bót, ấp chiến lược, vùng địch bình định; đồng thời, kêu gọi quần chúng ở các vùng ven TP. Mỹ Tho, vành đai chống Mỹ Bình Đức, trên các tuyến lộ giao thông, khu phố, thị trấn nổi dậy, cùng với lực lượng vũ trang đánh địch, giải phóng ấp, xã.

Buổi đầu thành lập, Đội TTXP do đồng chí Trần Văn Mai (Tám Mai), Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền làm Đội trưởng. Đội chỉ có 3 người, với 2 khẩu súng, 1 máy phóng thanh, một số băng, cờ, truyền đơn, khẩu hiệu. Địa bàn hoạt động của Đội là hệ Cổ Chi, gồm các xã vùng yếu: Tân Lý Đông, Tân Hòa Thành, Tân Hương, Phú Mỹ… Có thể nói, đây là lãnh địa bất khả xâm phạm của 2 tên ác ôn khét tiếng là Huề và Huỳnh Hoa. Chúng đã đánh biệt kích, lùng sục giết hàng trăm cán bộ và nhân dân ta ở vùng này vào những năm 1966, 1967, 1968.

Đội kết hợp với du kích, bộ đội địa phương Châu Thành án ngữ địch đột nhập đường 4 (Quốc lộ 1A), đoạn Tân Hương, Tân Lý Tây lúc trời vừa khuất dạng, tổ chức một cuộc mít tinh ngay trên lộ. Ta phát loa phóng thanh Lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời đối với binh lính, sĩ quan và gia đình binh sĩ, kêu gọi đồng bào nổi dậy diệt ác, phá kìm, cũng là lúc anh em trong Đội nhảy lên xe hành khách đang bị ách tắc hàng trăm chiếc cắm cờ trên xe, tán phát truyền đơn cho hành khách và tài xế. Kết thúc mít tinh, Đội ra lệnh cho đoàn xe mở đèn sáng, mang cờ Mặt trận chạy từ từ về hướng Tân An.

Bên cạnh mũi nhọn tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho, Ban Tuyên huấn Thành ủy Mỹ Tho cũng có các đội TTXP được ra đời từ năm 1967. Ngay từ năm 1966, Ban Tuyên huấn Khu 8 đã tổ chức Đội TTXP mang bí số 198/P, do đồng chí Bảy Bằng làm Đội trưởng. Ban đầu Đội hoạt động theo tuyến Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) từ Tân Hiệp đến Mỹ Thuận.

Cuối năm 1966, Đội hoạt động tại địa bàn TP. Mỹ Tho. Đầu năm 1967, Đội đứng chân và xây dựng hậu cứ ở Hóc Đùn, ấp 5, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho. Tết Mậu Thân năm 1968, các lực lượng của Tuyên huấn, đặc biệt là các đội TTXP đã phối hợp với bộ đội và cơ sở tại chỗ thọc sâu vào các phường 2, 3, 5, 6, một phần phường 4 và phường 1 phóng thanh, rải truyền đơn, phát động quần chúng nổi dậy tấn công địch, phá kìm kẹp, tạo khí thế sôi động cho cuộc tấn công và nổi dậy chiến lược này.

Đây là lực lượng thọc sâu, khuấy động liên tục vào nội ô, gây tác động lớn và cũng là lực lượng bị hy sinh nhiều nhất của ngành Tuyên huấn TP. Mỹ Tho.

Sau cuộc “đại náo” thắng lợi ở Tân Hương, Đội TTXP  trở về Dưỡng Điềm (quận Châu Thành) làm một cuộc “đại náo” thứ hai. Đó là đoạn đường 4 thuộc xã Dưỡng Điềm, bị du kích và bộ đội địa phương dùng mìn đánh đứt, giao thông bị ách tắc, địch phải cho xe ủi lấp lại. Xe hành khách chạy đến bị mắc lầy, nhiều xe dừng lại, Đội TTXP cùng du kích lập tức xông lên lộ 4 giữa ban ngày tán phát truyền đơn, khẩu hiệu, giải thích chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho đồng bào nghe, dán cờ Mặt trận lên hông xe và quay phim.

Cuộc tuyên truyền này tuy chớp nhoáng nhưng có tiếng vang lớn. Có thể nói, Đội TTXP của tỉnh là đội gang thép, đã dũng cảm trước làn đạn của quân thù, bởi vì mỗi khi Đội cất tiếng loa tuyên truyền vào đồn bót thì pháo, cối, M79, đại liên, tiểu liên của địch cấp tập nhả đạn, nhưng anh em vẫn bình tĩnh, phóng thanh liên tục…

HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ VINH QUANG

Trước và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đội TTXP có các đồng chí: Bảy Lẹ, Bảy Hoa, Chín Ý ngày đêm hoạt động liên tục, phát tin chiến thắng của quân và dân ta ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh phụ cận Sài Gòn cho đồng bào, binh lính ở đồn bót trên các tuyến lộ 12, lộ 4, Ba Dừa, Long Khánh, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây và đồn bót ven thị trấn Cai Lậy nghe, kêu gọi đồng bào nổi dậy đấu tranh chống càn quét, bắn phá, kêu gọi binh lính bỏ ngũ trở về sum họp với gia đình. Binh sĩ trong nhiều đồn bót hứa không càn quét, bắn phá, sẽ lập công để về với cách mạng.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, mặc dù tổng thống ngụy Dương Văn Minh lên đài phát thanh Sài Gon tuyên bố đầu hàng, nhưng ở chi khu Cai Lậy, tên trung tá Lê Văn Lý, chi khu trưởng chưa chịu đầu hàng. Đến 5 giờ chiều cùng ngày, một trung đội cảnh sát dã chiến đóng ở Bến Cát, xã Nhị Mỹ án ngữ chi khu Cai Lậy bỏ súng ra hàng. Nhiều đồn bót trên tuyến lộ 12 và ven chi khu cũng ra hàng. Tên trung tá Lý ngoan cố cho xe bọc thép án ngữ các ngả đường, ra lệnh bắn bất cứ ai kéo vào chi khu Cai Lậy.

Đồng bào, bộ đội, du kích từng bước lấn chiếm các ngả đường, co cụm chúng lại. Đội TTXP mắc loa trên các cột đèn, trên các nhà cao tầng, kết hợp với loa tay chĩa thẳng vào chi khu Cai Lậy kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, sĩ quan, Sài Gòn giải phóng rồi! Các anh còn chần chờ gì nữa mà không chịu buông súng trở về với nhân dân, sẽ được nhân dân tha thứ, khoan hồng, các anh đừng để chết thay cho bọn ác ôn, ngoan cố. Hàng thì sống, chống thì chết”.

Tiếng loa liên tục vang lên trong tiếng hò reo chiến thắng. Đồng bào tấp nập đổ ra đường treo băng, cờ, khẩu hiệu, vui mừng chiến thắng. Địch hoang mang cao độ, bỏ xe, bỏ súng chạy trốn, đồng bào cùng lực lượng vũ trang tràn vào chi khu Cai Lậy như nước vỡ bờ. Lúc này, khoảng hơn 5 giờ sáng ngày

1-5-1975, tên trung tá Lý và đồng bọn giơ tay đầu hàng, xin tha tội chết. Đội TTXP tiếp tục chiếm phòng thông tin chiêu hồi, hàng chục tên ra hàng, giao nộp vũ khí, máy móc, tài liệu. Đội dùng hệ thống phóng thanh và loa tay kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ra trình diện quân giải phóng, kêu gọi đồng bào tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định cuộc sống.

Suốt 9 năm hoạt động và trưởng thành (1967 - 1975), Đội TTXP tỉnh đã góp phần to lớn tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam cho các tầng lớp nhân dân và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng thị trấn Cai Lậy, bắt sống tên trung tá Lý. Trong 9 năm hoạt động đã có hàng chục anh em của Đội đã dũng cảm hy sinh, hoặc bị thương tật. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đội TTXP đã hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của mình.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.