Thứ Sáu, 03/07/2020, 10:33 (GMT+7)
.

Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người chiến sĩ cộng sản kiên cường

Anh “Mười Cúc”, đồng chí “Mười Cúc” - cái tên thân thương mà giản dị của anh em, đồng đội thường hay gọi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cái tên giản dị như cuộc đời giản dị của đồng chí. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, cái tên “Mười Cúc” đã đi vào lòng nhân dân cả nước. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là một người cộng sản ngoan cường, bất khuất trước kẻ thù; chân tình với bạn bè, đồng chí; tận lực với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Nguyễn Văn Linh (ngày 25-6-1992).                                                                                                                          Ảnh: TTXVN
Đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Nguyễn Văn Linh (ngày 25-6-1992). Ảnh: TTXVN

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế. Trên cương vị Tổng Bí thư nhiệm kỳ 1986 - 1991, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

THAM GIA TỔ CHỨC TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, quê gốc Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà nội đưa về Hải Phòng sống cùng người cậu tên Nguyễn Đức Thụ. Tại đây, Nguyễn Văn Cúc sống cảnh lầm than của người dân mất nước, tận mắt chứng kiến tinh thần yêu nước và phong trào cách mạng sục sôi của công nhân, nông dân đất cảng chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm 1929, ở tuổi 14, khi đang học lớp Nhì Trường Bônan (Bonnal) Hải Phòng, Nguyễn Văn Cúc bắt đầu tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đầu năm 1930, Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm của phong trào cách mạng ở miền Bắc, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc kỳ, Đảng bộ Hải Phòng quyết định phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động. Theo phân công của tổ chức, ngày 1-5-1930, Nguyễn Văn Cúc đã cùng các học sinh yêu nước thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài. Nhóm rải truyền đơn bị theo dõi và bị cảnh binh bắt “quả tang”, đưa về giam tại Sở Mật thám Hải Phòng. Dù chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn Văn Cúc vẫn bị bọn thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Tòa đề hình, kết án 18 tháng tù giam, sau xử thêm phát lưu chung thân. Mùa đông năm 1931, Nguyễn Văn Cúc cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo.

 Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta có dịp ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.

Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Nguyễn Văn Cúc được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội. Đầu năm 1939, đồng chí được Trung ương phái vào Nam kỳ, công tác ở Sài Gòn - Chợ Lớn, xây dựng “Vành đai đỏ” của cơ quan lãnh đạo đầu não Đảng ta ở Nam kỳ.

Hòa mình trong phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân chủ, dân sinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành người cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư. Cuối năm 1939, đồng chí được tổ chức giao nhiệm vụ tham gia lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí được Trung ương điều động ra Trung kỳ chắp nối các tổ chức và phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại Xứ ủy, đến Vinh (Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (bìa phải) thăm hỏi cán bộ, xã viên hTx  Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) trong một chuyến về làm việc tại Tiền Giang.                                                                Ảnh: TƯ LIỆU
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (bìa phải) thăm hỏi cán bộ, xã viên HTX Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) trong một chuyến về làm việc tại Tiền Giang. Ảnh: TƯ LIỆU

Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất. Giữa cái sống và cái chết, đồng chí luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên gan giữ vững khí tiết người cộng sản. Được sự dìu dắt của các đồng chí đi trước: Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng..., đồng chí đã cùng chi bộ nhà tù thực hiện chủ trương “biến nhà tù thành trường học”, tổ chức học tập văn hóa, lý luận, nâng cao trình độ, củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng.

Bước vào thời kỳ đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ, sau đó là Trung ương Cục miền Nam. Cuối thập niên năm mươi, kẻ thù dùng Luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu, đưa cả triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng. Với trách nhiệm Thường vụ Xứ ủy, kiêm Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục, đồng chí cùng các đồng chí Trung ương Cục bám dân, bám đất, phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ cách mạng, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh Cục bộ”, “Chiến tranh Đặc biệt” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tiến tới trận quyết chiến chiến lược vĩ đại - Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

“NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY”

Đối với gia đình, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người chồng chung thủy sắt son, người cha, người ông mẫu mực, nhân hậu... Những người bạn cùng chiến đấu với vợ chồng đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Ngô Thị Huệ vẫn thường nhắc về mối tình của ông bà là một câu chuyện tình cảm động, tiêu biểu của những người chiến sĩ cách mạng, vì hạnh phúc nhân dân phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Biết nhau từ những ngày ở nhà tù Côn Đảo, mến nhau khi gặp gỡ, phục nhau trong công tác, nhưng mãi đến tháng 5-1948 nhân dịp Hội nghị của Thành ủy, đám cưới của anh “Mười Cúc” và chị “Bảy Huệ” mới được tổ chức ở Gòn Xoài, mà quà cưới chỉ là trăm trái gòn khô để may gối.

Và cũng chỉ 3 ngày bên nhau trọn vẹn, cặp vợ chồng son đó vì nhiệm vụ cách mạng lại phải tạm xa nhau, bắt đầu cho những cuộc chia tay thường xuyên, để rồi có đến 15 năm sống cảnh “Ngưu Lang - Chức Nữ”, thỉnh thoảng mới được gặp nhau trong những lần về thành phố hay ra chiến khu họp. Cuộc sống vợ chồng gắn liền với lịch sử đất nước, gắn liền với những nguy hiểm, khó khăn và xa cách nhưng tình cảm của đôi bạn đời ấy vẫn thấm đượm theo năm tháng. Sự quan tâm mà ông dành cho vợ, con vẫn luôn là những kỷ niệm ngọt ngào đối với vợ và trở thành động lực giúp bà vừa hoàn thành công tác, vừa thay ông nuôi dạy con cái trưởng thành.

Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ nếp sống giản dị, liêm khiết, gần gũi đồng chí, đồng bào. Sau ngày miền Nam giải phóng, ở cương vị Bí thư của thành phố đông dân cả nước với biết bao bộn bề công việc, nhưng khi có thời gian là ông cùng vợ dạy con tăng gia sản xuất, giúp gia đình vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn của những năm tháng bao cấp như bao gia đình cán bộ thời đó. Ra Hà Nội, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí thường chỉ mặc bộ quần áo kaki bạc màu, ăn những bữa ăn thanh đạm. Khi đi xuống các đơn vị, địa phương không quá xa Hà Nội, đồng chí chỉ đi chiếc xe Lada cũ màu vàng nhạt, không có điều hòa không khí, không có xe cảnh sát dẫn đường...

Trên cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng thực hiện sự nhất quán giữa nói và làm. Những ngày bắt đầu công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Thực chất của đổi mới tư duy và phong cách là nói và làm phải đi đôi với nhau, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Đồng chí đòi hỏi phải tạo được một phong cách mới tiến bộ khi tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân, của báo, của đài, không chỉ trên mặt trận chống tiêu cực, mà trên tất cả mọi lĩnh vực của các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành quốc nạn, nên đã kịp thời đề xuất “Những việc cần làm ngay”. Những bài báo ký tên N.V.L đã thổi lên một luồng gió mới, khơi dậy và động viên báo chí cả nước hăng hái đấu tranh chống tiêu cực. Việc làm của đồng chí đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta không cho phép bất cứ cá nhân hay tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”. Khi có người hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh trả lời: “N.V.L là nói và làm, lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.