.

2 "địa chỉ đỏ" tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ

Cập nhật: 10:42, 23/11/2020 (GMT+7)

Để ghi dấu cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh ta đã xây dựng nhiều khu di tích. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bài báo này xin trân trọng giới thiệu 2 di tích - “địa chỉ đỏ” tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.

DI TÍCH ĐÌNH LONG HƯNG

Một trong những điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu là Di tích lịch sử Đình Long Hưng, tọa lạc ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, cách TP. Mỹ Tho 14 km về hướng Tây.

Chi đoàn Báo Ấp Bắc về nguồn tại đình Long Hưng.
Chi đoàn Báo Ấp Bắc về nguồn tại đình Long Hưng.

Đình Long Hưng được xây dựng cách đây hơn 160 năm, lúc đó được gọi là miễu Chánh, thờ cúng các vị Thành hoàng bổn cảnh, những người có công lập làng, lập ấp. Đình Long Hưng là nơi Ủy ban Khởi nghĩa Nam kỳ chọn làm tổng hành dinh và là trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, trụ sở của Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho - là Tòa án nhân dân cách mạng đầu tiên ở Nam kỳ và cả nước. Đêm 22 rạng sáng ngày 23-11-1940, lần đầu tiên tại đình Long Hưng xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng, nhân dân trong vùng nhất tề nổi dậy trừ gian, diệt ác, làm nên cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vang dội.

Đình Long Hưng hiện là một quần thể kiến trúc khang trang, bao gồm: Ngôi đình ở vị trí trung tâm. Bên phải đình là nhà trưng bày - nơi lưu giữ những hiện vật của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, với hàng trăm tranh ảnh, hiện vật và ngôi nhà cổ Nam bộ thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt) - một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. Bên trái đình là Nhà bia ghi danh 614 liệt sĩ của xã, trong đó có 2 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang là Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh. Đình Long Hưng là một trong những di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ” để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tỉnh đoàn Tiền Giang luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức Đoàn Thanh niên. Hoạt động này luôn gắn với các “địa chỉ đỏ” bằng nhiều hoạt động cụ thể, ý nghĩa, như: Về nguồn dâng hương, nghe các nhân chứng lịch sử nói chuyện, tổ chức lễ báo công, cắm trại…, giúp thế hệ trẻ Tiền Giang hiểu hơn về những bài học lịch sử quý giá, lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc. Qua đó, thế hệ trẻ tỉnh nhà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát huy, bảo vệ di tích; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

DI TÍCH NHÀ BÀ NĂM DẸM

Nhà bà Năm Dẹm ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, huyện Châu Thành. Nơi đây Xứ ủy Nam kỳ mở Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa, diễn ra từ ngày 21 đến 27-7-1940. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, ngôi nhà này của vợ chồng ông Nguyễn Văn Vẹm (tên thường gọi Năm Vẹm) và bà Lê Thị Lợi. Ông bà đều tham gia cách mạng.

Bên ngoài ngôi nhà bà Năm Dẹm.
Bên ngoài ngôi nhà bà Năm Dẹm.

Sau năm 1940, vợ chồng ông Năm Vẹm tiếp tục tham gia cách mạng. Năm 1948, ông Năm Vẹm bị địch bắt và đã hy sinh. Bà Năm tiếp tục nuôi giấu cán bộ cách mạng. Dần dần, ngôi nhà này được mọi người gọi là nhà bà Năm Dẹm. Hiện tại, ngôi nhà bà Năm Dẹm đã được xây dựng lại theo kiểu truyền thống Nam bộ (3 căn chữ đinh) vách tường, mái ngói đỏ au, khang trang, sạch đẹp.

Bên trong ngôi nhà là bàn thờ ông bà và các tấm Huân, Huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công của những người thân trong gia đình được treo trang trọng. Ông Năm Vẹm được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba. Mẹ của ông là bà Lê Thị Sớm và vợ của ông là bà Lê Thị Lợi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bà Dương Thị Kỷ (cháu gọi ông bà Năm Vẹm bằng bác) hiện đang ở ngôi nhà này, lo nhang khói cho người thân, đã chia sẻ: “Vì bác Năm không có con, nên tôi ở đây đã mấy chục năm. Ban ngày tôi đi làm thuê, tối về dọn dẹp nhà cửa và thắp nhang các bàn thờ. Hằng năm, đến ngày 23-11, lãnh đạo huyện, xã, các cháu đoàn viên, thanh niên đến thăm, tặng quà gia đình. Là thế hệ con cháu, tôi cố gắng giữ gìn ngôi nhà và sống tốt để xứng đáng với truyền thống cách mạng của cha ông”.

PHƯƠNG MAI

.
.
.