Thứ Ba, 17/11/2020, 14:19 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Từ Đông Dương đại hội đến Khởi nghĩa Nam kỳ

(ABO) Năm 1936, tình hình thế giới có nhiều biến động. Mặt trận Bình dân Pháp, nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi và lên cầm quyền thi hành một số quyền lợi cho nhân dân lao động trong nước và các nước thuộc địa. Phong trào Đông Dương đại hội ra đời trong bối cảnh đó. Đây là một cao trào cách mạng đã tập họp lực lượng, thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ. Những người từng tham gia phong trào này tiếp tục đứng vào hàng ngũ chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ cùng nhân dân đấu tranh “sống chết” với kẻ thù.

Ở Mỹ Tho, Văn phòng Ủy ban Hành động đóng tại nhà sách Tương Lai ở chợ Cũ. Nhà sách này vừa là đại lý phát hành sách báo tiến bộ trong nước, đồng thời là đại lý phát hành sách báo của Mặt trận Bình dân Pháp. Ở Cai Lậy, Văn phòng Ủy ban Hành động quận, đặt tại nhà ông Cả Tiền (Bành Văn Tiền).

Khởi đầu phong trào là các cuộc biểu tình đòi dân sinh dân chủ diễn ra rầm rộ ở các làng xã. Ngày 14-7-1937, cuộc mít tinh lớn diễn ra tại đình Bang Lãnh (chợ Cai Lậy) có hơn 1.000 người tham gia. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn được tiến hành đồng thời với nhiều cuộc mít tinh ở Gò Me (Phú Quý), Miễu Bà (làng Cẩm Sơn), Mỹ Phú (làng Mỹ Hạnh Đông)…

Sau cuộc mít tinh này, nhiều làng trong quận tổ chức cuộc vận động giảm thuế thân, chống tăng thuế, chống giựt đất, bao hóa ruộng.  Ở các xã phía Bắc, phong trào Đông Dương đại hội do đồng chí Phan Văn Khỏe trực tiếp chỉ đạo, tổ chức vận động hàng trăm thanh niên ở các xã Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Tân Hội... ký tên vào bản Dân nguyện gởi Thống đốc Nam kỳ và công khai lưu hành tài liệu tuyên truyền chủ trương của Đảng. 

Làng Trà Tân, quê hương của anh hùng Hà Tôn Hiến, nơi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 diễn ra mạnh mẽ
Làng Trà Tân (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) quê hương của anh hùng Hà Tôn Hiến, nơi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 diễn ra mạnh mẽ. Ảnh Thủy Hà

Nhờ các hoạt động tuyên truyền, các tổ chức quần chúng của Đảng phát triển khá mạnh. Trong đó tổ chức Nông hội đỏ đã thu hút nhiều nông dân tham gia, sôi nổi nhất là các Vạn gặt, Vạn cấy, tổ Vần đổi công... đấu tranh với chủ ruộng tăng tiền công cấy, cho thêm bữa ăn sáng. Hội Vần đổi công đấu tranh với chủ vườn tăng tiền công phát vườn. Hội Tương tế thì lo việc giúp người khó khăn, cho mượn tiền mượn gạo. Ngoài ra, các tổ chức này còn mở cuộc vận động quyên góp tiền, gạo để ủng hộ cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son (Sài Gòn). 

Phong trào đã thu hút nhiều tầng lớp như: Ở làng Phú An có nhóm Thiên địa hội do ông Nguyễn Văn Giai (còn gọi là thầy Tư Giai) quy tập thành viên trong nhóm tham gia. Hội Tề làng có Cai thôn Phương (Nguyễn Văn Phương) và một số vị hương chức hội hương.  Ở Long Tiên, trong 12 vị Hội Tề làng thì đã có phân nửa tham gia hoạt động gồm: Hương văn Xiềng (Nguyễn Tử Phương) Hương quản Nguyễn Văn Trung, Hương thân Nguyễn Văn Lục, Hương bộ Niễu, Hương sư Đỗ Văn Hậu… Bên cạnh làng còn thành lập Hội Ái hữu Chợ Cầu tập hợp thanh niên trai tráng, huấn luyện võ thuật để chống trộm cướp. 

Ngoài các cuộc biểu tình và đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, trong thời gian hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội, các cuộc vận động mang tính xã hội có sức lan tỏa rất lớn trong quần chúng. Nổi bật là phong trào vận động thanh niên tham gia đắp lộ, bắc cầu, cải thiện giao thông đi lại cho người dân. Nhiều con “lộ làng” được hình thành trong giai đoạn này.

Về mặt văn hóa, phong trào Đông Dương đại hội vận động thanh niên cắt tóc ngắn, bỏ hẳn búi tóc, ăn mặc gọn gàng. Ở Cẩm Sơn có ông Thiệu Siêu là một nhà buôn lúa gạo xuất tiền ra xây rạp hát lấy tên là “Đồng chí chí viện”, nhằm mục đích gây quỹ cho phong trào cách mạng hoạt động. Trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa ở Cẩm Sơn, ông Thiệu Siêu là người sáng chế ra dây sắt “thảo long” ngăn tàu trên sông Ba Rài.

Nổi bật trong giai đoạn này là nhân vật huyền thoại Hà Tôn Hiến. Ông tên thật là Lưu Thơ Hiến, người làng Hưng Long (nay thuộc xã Long Trung, huyện Cai Lậy). Hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội năm 1937, ông lập đoàn cải lương Thanh Vân, quy tụ diễn viên ở địa phương, đi lưu diễn khắp nơi. Mục đích lập đoàn hát là giáo dục tinh thần yêu nước, cho nên trong chương trình hát, ông thường giới thiệu diễn giả thuyết trình nội dung yêu nước, tiến bộ. 

Tháng 9-1939, đệ nhị thế chiến bùng nổ. Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức Ái hữu, Nghiệp đoàn, cấm các cuộc hội họp, mít tinh, biểu tình, cấm mọi hoạt động có tính chất Cộng sản. Tại Cai Lậy, Quận Tâm ra lệnh dẹp bỏ các tổ chức Hội Tương tế, Hội Đá banh, Hội Nhà vàng và các Vạn gặt, Vạn cấy; đồng thời tăng cường mã tà, mật thám đến các làng, theo dõi gắt gao tất cả những người tham gia và bắt giam những người tình nghi. 

Tuy nhiên, rất nhiều nơi phong trào vẫn được duy trì cho đến khi cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra và cũng có nhiều người anh dũng hy sinh. Ở làng Phú An, ông Cai thôn Nguyễn Văn Phương chỉ huy cuộc khởi nghĩa bị giặc bắt giải về Dinh quận Cai Lậy. Chúng dụ dỗ tra tấn, khai thác, ông một mực không khai mà nói với Quận Tâm “Phương còn thì Tâm mất, Tâm còn thì Phương mất”. Quận Tâm tức giận cho lính đánh chết rồi đem xác ra chợ cá Cai Lậy quăng xuống sông. Mấy ngày sau, xác ông trôi ra vàm Hội Xuân, được người dân vớt đem lên chôn cất.

Ở làng Bình Phú có sư Nguyễn Văn Thuận (còn gọi là thầy chùa Run), vốn là tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cất am tu tại chùa Giồng Tre. Trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa, ông Thuận bị bắt đày Côn Đảo. Đặc biệt, Yết Ma Từ Cẩn trụ trì chùa Khánh Sơn (làng Nhị Mỹ) bị Quận Tâm đưa vào hồ sơ và cho mật thám theo dõi gắt gao. Tháng 5-1940, tại cánh đồng Mã Vôi (nay thuộc phường 5, TX. Cai Lậy), tổ chức họp bàn việc khởi nghĩa. Cuộc họp bị lộ do một tên phản bội khai báo. Quận Tâm bắt thầy Yết Ma Từ Cẩn lên trình diện. Biết không thể nào thoát, thầy quyết định về chùa tự thiêu để giữ bí mật cuộc khởi nghĩa. 

Riêng “ông bầu” đoàn cải lương Thanh Vân Hà Tôn Hiến, trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa, ông được phân công làm Trưởng Ban lãnh đạo khu vực khởi nghĩa tại Hưng Long. Nhờ uy tín của mình, ông đã vận động cô giáo Nguyễn Thị Son ở làng Long Trung mượn được 1 khẩu súng săn. Do cô giáo Son có chồng là một viêc chức quốc tịch Pháp. Cha chồng cô là Chánh lục sự tòa Mỹ Tho. Nhờ có quốc tịch Pháp nên họ được phép sử dụng súng. 

Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Hà Tôn Hiến và Hương quản Đặng (Võ Văn Đặng, Hương quản làng Long Trung) chỉ huy quân khởi nghĩa ở Ba Dừa, Hưng Long. Họ nhanh chóng làm chủ các làng Trà Tân, Long Trung, Tam Bình và cùng nhiều chiến sĩ kéo đến các xã lân cận để hỗ trợ, đồng thời dẫn quân sang cù lao Ngũ Hiệp phá kho lúa của địa chủ Phủ Mầu, chia cho dân nghèo.

Sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Hà Tôn Hiến rời địa phương đi ẩn lánh và bị mật thám Pháp bắt ở Gò Công. Ngày 4-6-1941, Hà Tôn Hiến bị giặc Pháp đưa về tử hình tại ngã tư Hưng Long. Còn Hương quản Đặng thì bị bắt ở Sa Đéc vào ngày 5-12-1940 cùng với 7 người khác.

NGUYỄN NGỌC PHAN

 

.
.
.