Thứ Năm, 05/11/2020, 17:05 (GMT+7)
.
Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng:

Phát triển đội ngũ doanh nhân - nhân tố quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

* TIẾN SĨ TRẦN THANH ĐỨC, NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG:

Phát triển đội ngũ doanh nhân - nhân tố quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030

Đồng chí Trần Thanh Đức.
 

Đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực, tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa khó, giảm nghèo; tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.

Tầng lớp doanh nhân góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Mặt khác, đội ngũ doanh nhân cũng chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm…

Vì vậy, bên cạnh việc củng cố, nâng cao sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thì việc xây dựng, phát triển tầng lớp doanh nhân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Do đó, theo tôi, trong giai đoạn mới cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nhân tiếp cận một cách bình đẳng các nguồn lực phát triển.

Đồng thời, chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn. Song song với việc kêu gọi đầu tư, phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần có cơ chế, chính sách khuyến khích để bản thân các hộ nông dân vươn lên, chuyển đổi thành các doanh nghiệp.

Mặt khác, cần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh. Xây dựng quy chế và hướng dẫn, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân, bảo đảm hiệu quả thiết thực…

Đồng thời, coi trọng vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và liên kết hiệp hội doanh nghiệp; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu cho Ðảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội.

Các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân; thể chế hóa đường lối chính sách đối với doanh nhân của Ðảng bằng các chương trình hành động cụ thể; tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Khi đội ngũ doanh nhân được đặt đúng vị trí, thì sức bật của họ được tăng cường và tất yếu nền kinh tế của đất nước sẽ phát triển vững mạnh.

* ÔNG TRẦN ĐỖ LIÊM, CHỦ TỊCH HĐQT HTX RẠCH GẦM:

Phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế

Đồng chí Trần Đỗ Liêm.
Đồng chí Trần Đỗ Liêm.

Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đánh giá chi tiết, đầy đủ, cụ thể các mặt hoạt động của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian qua.

Từ đó, những nút thắt cần tháo gỡ đã được nhìn thấy và đưa vào phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã xác định được định hướng khá chính xác.

Dù tình hình phát triển kinh tế, chính trị trên thế giới có rất nhiều biến động, nhưng trên cơ sở định hướng đó, Đảng và Nhà nước đã tập hợp và phát huy được nguồn lực của đất nước.

Từ đó, đẩy mạnh được hoạt động của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiềm lực mạnh, vị thế tốt, uy tín cao và đang dần dần bước vào những vị trí quan trọng của các nước Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được nêu ra rất lâu từ khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Dù nhìn tổng thể biểu đồ phát triển thì vẫn đi lên, nhưng có nhiều khúc đoạn gãy, đó là mỗi kế hoạch 5 năm lại có kết quả khác nhau.

Điều đó chứng tỏ về mặt chính sách tổng thể là đúng, nhưng về mặt điều hành của hệ thống chính trị chưa đồng đều, chưa liên tục. Điều này nằm ở đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước vẫn còn bất cập với yêu cầu.

Dựa trên các phương hướng trong giai đoạn 2021 - 2030, theo tôi, 3 phần đầu trong các phương hướng (thứ nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật, thứ 2 là phát triển khoa học - công nghệ, thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực) cần sắp xếp lại.

Trước hết phải xếp hoàn thiện hệ thống pháp luật lên đầu, thứ 2 là phải phát triển nguồn nhân lực, thứ 3 là phát triển khoa học - công nghệ.

Bởi khi phát triển nguồn nhân lực tốt mới phát triển được khoa học - công nghệ. Còn lại những định hướng khác đã rất cụ thể.

Tuy nhiên, trong phần phương hướng về phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, theo tôi phải thêm vào phần ngang tầm với phát triển kinh tế. Bởi thời gian qua, nền văn hóa chưa được đầu tư đúng mức để phát triển hài hòa, tương xứng cùng với sự phát triển kinh tế…

TRỌNG ĐẠT

(thực hiện)

.
.
.