Thứ Hai, 21/12/2020, 21:07 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944 – 22-12-2020)

Xứng danh là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

(ABO) Cách đây 76 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ vai trò, vị trí đã được khẳng định của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện qua các cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị 381- CT/TW, quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22-12 thực sự trở thành ngày hội truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN VỚI 34 ĐỘI VIÊN

Đầu tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến Pác Bó. Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Chiều hôm sau, Người gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông qua kế hoạch thành lập Đội. Người thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân. Khi tiễn đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa để xúc tiến việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Người dặn: “Nhớ bí mật: Ta ở Đông, địch tưởng ta ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình”.

Đơn vị Giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên năm 1945.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một thư nhỏ (đặt trong bao thuốc lá) cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”. Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại Chiến khu Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) với 34 đội viên. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chỉ thị thành lập Đội, Bác Hồ nhấn mạnh ưu tiên công tác tuyên truyền, tức là chính trị trọng hơn quân sự.

Tại buổi lễ thành lập Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Quân giải phóng sẽ là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, sẽ là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Chúng ta sẽ quả cảm và thận trọng, thắng không kiêu, bại không nản. Kinh nghiệm chúng ta còn non, nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm thì tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi”.

Ngày 22-12-1944. 5 giờ chiều.

Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám.

Đội đàn anh của Quân đội nhân dân đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc. Đại diện Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến dự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc.

Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

VỮNG VÀNG QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KỲ GIAN KHỔ

Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta thực sự là Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã đoàn kết, đồng lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập những thành tích, chiến công hiển hách, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Cờ “Quyết chiến, quyết thắng” phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-tơ-ri.
Cờ “Quyết chiến, quyết thắng” phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-tơ-ri.

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành, lớn mạnh, cùng toàn dân đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…

Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ Đô năm 1954.
Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ Đô năm 1954.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh, Quân đội ta đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh, gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng, oanh liệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1956.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1956.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho; không ngừng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; rèn luyện kỷ luật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi “Quân đội nhân dân Việt Nam” anh hùng.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo quân sự tài năng xuất chúng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. 76 năm qua dù phải đối mặt với biết bao thử thách khắc nghiệt, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã lập những chiến công làm rạng rỡ lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ và xứng danh là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Đơn vị xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy.
Đơn vị xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy, đánh dấu thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.