Thứ Sáu, 15/01/2021, 10:49 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

BÀI 1 - Tiền Giang không ngừng nỗ lực vươn lên

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Đóng góp vào những thành tựu chung này, Tiền Giang đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên, xứng đáng với vị thế và tiềm năng của một tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nằm ở cửa ngõ ĐBSCL, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang không ngừng chăm lo phát triển kinh tế, ngày càng khẳng định là điểm đến có sức hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp Tiền Giang từng bước khẳng định được vị thế trong vùng ĐBSCL.

TƯ DUY MỚI

Thay đổi tư duy trong chăm lo phát triển kinh tế, nhất là đối với việc khơi dậy nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, có lẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng giúp kinh tế Tiền Giang không ngừng khởi sắc. Thay đổi tư duy phát triển kinh tế có lẽ được khơi nguồn từ việc tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và chăm chút hơn vào cộng đồng doanh nghiệp.

Tiền Giang không ngừng  nỗ lực vươn lên (Trong ảnh:  Bến tàu du lịch Mỹ Tho).  Ảnh: MINH THÀNH
Tiền Giang không ngừng nỗ lực vươn lên (Trong ảnh: Bến Tàu du lịch Mỹ Tho). Ảnh: MINH THÀNH

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang luôn xác định, cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng rất quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bởi trên bình diện tổng thể, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã xác định rõ rằng, doanh nghiệp chính là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong những năm qua UBND tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Thông điệp nhất quán của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang là, muốn thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh phải thay đổi chính mình, trong đó các thành viên UBND và Thường trực UBND tỉnh phải đi tiên phong; tiếp theo là các tổ liên ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành, thị.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh hay hạn, mặn nhưng thu hút đầu tư của Tiền Giang trong năm 2020 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, đạt 100% kế hoạch, tăng 60% so năm 2019; tổng vốn đầu tư cấp mới đạt gần 97 triệu USD và hơn 564 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch năm. Đồng thời, tỉnh cũng điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho khoảng 30 dự án, trong đó có 10 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 30 triệu USD; nâng tổng vốn đầu tư thu hút năm 2020 của Tiền Giang đạt hơn 3.774 tỷ đồng.

Hiện tại, Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất quy hoạch 2.083 ha, trong đó có 4 khu công nghiệp đang hoạt động. Đến nay, các khu công nghiệp thu hút được 107 dự án (trong đó có 76 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỷ USD (tương đương 48.786 tỷ đồng) và 5.080 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 87.667 lao động. Và đã có 9 cụm công nghiệp được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 cụm công nghiệp đã mời gọi được nhà đầu tư. Các cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút được 79 dự án thứ cấp (trong đó có 6 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5.626 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.418 lao động…

Và tất nhiên, thông điệp của UBND tỉnh cũng rất rõ ràng: Phát triển doanh nghiệp không chấp nhận với việc đánh đổi môi trường. Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đã yêu cầu chính quyền các cấp phải nhanh chóng chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Đánh giá về yếu tố cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Tiền Giang, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông từng chia sẻ rằng, việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang, Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách, Tổ tiếp xúc đầu tư cấp tỉnh, cấp huyện; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp... Chưa kể, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.

Đặc biệt, năm 2018 tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng, cập nhật thường xuyên Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan: Mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, cơ quan quản lý... và tổ chức công bố công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ngay từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án..., có thể triển khai thực hiện ngay…

QUẢ NGỌT

Số lượng doanh nghiệp tăng đều qua hằng năm, đi cùng là số thu ngân sách nhà nước là một trong những “quả ngọt” sau bao nỗ lực của Tiền Giang trong công tác chăm lo phát triển kinh tế. Chính từ những quả ngọt này đã giúp Tiền Giang có nguồn lực tập trung đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, như hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân. Tất nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tiền Giang nhờ đó cũng không ngừng được cải thiện và nâng lên. Và hơn hết, chính những yếu tố này đã giúp Tiền Giang từng bước khẳng định vị thế trong vùng ĐBSCL cũng như đối với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Diện mạo mới của Tiền Giang (Trong ảnh: Một góc đường Hùng Vương nối dài, TP. Mỹ Tho). 	 	                               Ảnh: DUY NHỰT
Diện mạo mới của Tiền Giang (Trong ảnh: Đường Hùng Vương nối dài, TP. Mỹ Tho). Ảnh: DUY NHỰT

Nhiều năm theo dõi mảng doanh nghiệp, chúng tôi nhận ra rằng, chưa bao giờ không khí khởi nghiệp, chăm lo cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư được tỉnh chăm chút như thời gian qua. Không chỉ chú trọng vào việc đầu tư và thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh, mà cả hệ thống chính trị của Tiền Giang còn tập trung thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Bởi với con số hơn 60.000 hộ kinh doanh hiện có sẽ là nguồn rất lớn.

Với tinh thần doanh nghiệp đăng ký phải có hoạt động, những năm qua lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang không chỉ tăng về số lượng, mà còn không ngừng mở rộng quy mô, phát triển bền vững. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều duy trì ở mức cao qua từng năm, quy mô, chất lượng doanh nghiệp cũng không ngừng nâng lên.

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.500 doanh nghiệp hoạt động đảm bảo thực chất. Tất nhiên, con số ấn tượng về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của Tiền Giang có sự đóng góp không nhỏ từ thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức vào năm 2018, với nhiều dự án đã và đang được triển khai thực hiện.

Đi cùng với con số ấn tượng trong phát triển doanh nghiệp là “điểm nhấn” quan trọng trong thu ngân sách nhà nước. Qua từng năm, số thu ngân sách của tỉnh Tiền Giang không ngừng tăng, vươn lên nhóm đầu trong khu vực ĐBSCL. Nếu như năm 2015 Tiền Giang chỉ thu ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng, đến năm 2019 con số này đã đạt gần 11.000 tỷ đồng và năm 2020 vừa khép lại Tiền Giang đã thu vượt dự toán phấn đấu 10.810 tỷ đồng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hay hạn, mặn.

Có thể nói, tổng thu ngân sách của Tiền Giang không ngừng tăng qua từng năm đã phản ánh thực chất bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều gam màu sáng. Một Tiền Giang năng động, bứt phá, sẵn sàng tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhưng không đánh đổi môi trường đã được khắc họa rõ nét trên bản đồ kinh tế trong khu vực. Từ nguồn ngân sách, nhiều dự án, công trình quan trọng đã được đầu tư, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển…

T.T
(Còn tiếp)

.
.
.