Thứ Hai, 18/01/2021, 09:40 (GMT+7)
.
UBND TỈNH TIỀN GIANG:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Văn bản 337 ngày 9-12-2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của các Tổ Đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 14 - khóa IX. Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn nội dung giải trình.

I. ĐỐI VỚI CÁC BÁO CÁO CỦA UBND TỈNH

1. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021

1.1 Về tăng trưởng kinh tế:

Đại biểu cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 1,5% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn, dự báo khó khăn này sẽ còn tiếp tục diễn biển phức tạp, nên việc đề ra chi tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 6,0% - 7,0% rất khó hoàn thành. Đề nghị UBND tỉnh cần triển khai những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm 2021 thì mới đảm bảo khả năng hoàn thành.
Giải trình:

Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định phải tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã gần 5 năm, dù tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh luôn đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường, ngay từ đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo, với các giải pháp phù hợp, đồng bộ, cùng với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động, kịp thời của cả hệ thống chính trị, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 1,5% (Kế hoạch tăng 7,0% - 7,5%), cả nước dự kiến tăng 2% - 3%, giảm 5% so năm 2019. GRDP bình quân đầu người 57,4 triệu đồng, đạt kế hoạch (55,3 triệu đồng), tăng 2,1 triệu đồng so năm 2019.

Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ Đảng tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 - 2025, Nghị quyết HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, thách thức về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19...

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2020, HĐND tỉnh đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, mục tiêu trong năm 2021 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6,0% - 7,0% so với năm 2020. Nhằm đạt mục tiêu này, UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:

a) Về công tác phòng, chống hạn, mặn:

Công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang luôn ở trạng thái chủ động, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra. Tỉnh luôn khẩn trương, chủ động các giải pháp linh hoạt, hiệu quả, như phòng, chống trong trường hợp mặn xâm nhập năm 2019 - 2020, cụ thể như sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, mặn với phương châm sử dụng nước tiết kiệm, không lãng phí; có ý thức bảo vệ nguồn nước khi Nhà nước có chủ trương đóng các đập, nước trong đập sẽ được tái sử dụng lại cho người dân để bơm nước tưới tiêu cho cây trồng.

Theo dõi diễn biến mặn để vận hành công trình hợp lý, tiếp tục nạo vét kinh rạch để trữ nước, khuyến khích người dân tự đào ao, hồ để chứa nước ngọt, phòng trường hợp nước bên ngoài bị nhiễm mặn. Đắp các đập thép ngăn mặn, đắp các đập trữ nước, khoan các giếng dự phòng cho các nhà máy nước, đầu tư các trạm bơm để chuyển trữ nước trên kinh trục chính, cung cấp nước cho nhân dân ở các khu vực thiếu nước ngọt, ven biển, ven sông...

b) Về công tác quy hoạch, kế hoạch:

Về công tác quy hoạch: Đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để lựa chọn tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch đảm bảo về tiến độ, yêu cầu theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các đột phá đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Tập trung đầu tư, hình thành các sản phẩm chủ lực, vùng động lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ngày càng theo chiều sâu, nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng, tạo việc làm. Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như: Tài chính, ngân hàng, vận tải đa phương thức; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

- Về kế hoạch 5 năm 2021 - 2025: Tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương rà soát, cập nhật lại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đảm bảo phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; các mục tiêu, định hướng của Trung ương hoàn chỉnh trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh nhiệm kỳ mới giai đoạn 2021 - 2026 trong phiên họp giữa năm 2021 theo quy định.

- Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025: Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,0% - 7,5%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh 246,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 35,5%/GRDP; trong đó, vốn đầu tư công dự kiến là 29.877 tỷ đồng, tăng 58,1% so với kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong đó, vốn ngân sách địa phương 17.171 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 12.706 tỷ đồng. Dự kiến phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ưu tiên cho các công trình chuyển tiếp, công trình hoàn thành trong trung hạn, vốn đối ứng và vốn khởi công mới trong trung hạn 2021 - 2025.

Phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 tập trung vào 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 như: Hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp, công nghiệp, nhất là chế biến trái cây; phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách hành chính; phấn đấu đến năm 2025 Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới...

- Về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2021: Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH, đầu tư công. Trong đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2021; Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh về đầu tư công 2021, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong năm 2020 và tập trung các giải pháp sau:

(i) Căn cứ Quyết định 3937 ngày 11-12-2020 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu vốn đầu tư công năm 2021, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chuyển tiếp và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2021.

+ Đối với các công trình khởi công mới, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công 39/2019 của Quốc hội và Nghị định 40/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, các chủ đầu tư gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 theo quy định.

+ Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2021.

+ UBND các huyện, thành, thị phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu + vốn đầu tư phân cấp cho các huyện, thành, thị năm 2021 (bao gồm vốn chi xây dựng cơ bản, vốn tập trung và vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất) và vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã nông thôn mới, các phường, thị trấn theo danh mục, mức vốn bố trí của từng công trình cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới trước ngày 31-12-2020, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, báo cáo HĐND cùng cấp phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2021 theo quy định.

+ Để có cơ sở tạm ứng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 thanh toán khối lượng hoàn thành, các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn để thanh toán khối lượng, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

(ii) Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện dự án cụ thể. Theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

(iii) Các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương thực hiện phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

(iv) Tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện đấu thầu theo đúng quy định, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết, không có năng lực thực hiện dự án; xử lý các hành vi tiêu cực như: Thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp theo quy định hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình dự án khác.

(v) Tăng cường huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt là hình thức hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa... Ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH  của tỉnh và liên kết, phát triển vùng.

(vi) Đẩy mạnh thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm; đối với các công trình đã tạm ứng vốn, khi được bố trí vốn phải hoàn ứng lại cho ngân sách nhà nước theo quy định. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định để giải ngân hết số vốn được duyệt.

(vi) Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giảm sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công; chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng của dự án, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả KT-XH của các dự án đầu tư, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

(còn tiếp)

.
.
.