Thứ Bảy, 20/02/2021, 17:08 (GMT+7)
.

Kế hoạch Tổ chức công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

(ABO) Ngày 8-2-2021, Ủy ban bầu cử  tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 01 Tổ chức công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026  trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Báo Ấp Bắc điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn kế hoạch.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.

2. Bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; đại biểu được bầu có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm. Đảm bảo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan Nhà nước.

3. Đảm bảo sự phối hợp giữa toàn hệ thống chính trị và Nhân dân trong triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Tổ chức các Hội nghị triển khai công tác bầu cử

a) Ở cấp tỉnh: Tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (thực hiện cùng với Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử).

b) Ở cấp huyện: Tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại địa phương mình và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Thời gian: Sau Hội nghị triển khai của tỉnh.

2. Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

Việc thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó lưu ý:

- Thời hạn quyết định thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, cấp huyện, cấp xã: Chậm nhất là ngày 07/02/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử).

- Thời hạn thành lập Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội (do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập), Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp (do Ủy ban nhân dân mỗi cấp thành lập): Chậm nhất là ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử).

- Thời hạn thành lập Tổ bầu cử (do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 25 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thành lập): Chậm nhất là ngày 03/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử).

3. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

a) Cấp tỉnh

- Ủy ban bầu cử tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian: Trong tháng 3/2021 (sau khi thành lập các Ban bầu cử).

- Giao Văn phòng Ủy ban bầu cử tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các tài liệu cần thiết và nội dung tập huấn.

b) Cấp huyện, cấp xã

- Ủy ban bầu cử cấp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và các Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, các Tổ bầu cử.

- Thời gian: Trong tháng 3/2021 hoặc sau khi thành lập các Tổ bầu cử.

4. Về số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

a) Số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở tỉnh

- Dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở tỉnh (gồm đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu và đại biểu các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.

- Ủy ban bầu cử tỉnh gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia 85 - 90 ngày trước ngày bầu cử (khoảng 22/02 - 27/02/2021).

b) Số  lượng đại biểu Hội đồng nhân dân và số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là ngày 04/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

5. Về ứng cử, hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết số 1186/2021/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các văn bản pháp luật liên quan, trong đó lưu ý:

5.1. Đối với hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội

a) Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

- Thời gian thực hiện: Chậm nhất là 17/02/2021 (95 ngày trước ngày bầu cử)

- Cơ quan thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện. Đại diện Ủy ban bầu cử tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh được mời tham dự hội nghị này.

- Nội dung: Thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung chi tiết thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-
CP-ĐCTUBTWMTTQVN

- Sau Hội nghị hiệp thương, Biên bản phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử tỉnh.

b) Hội nghị hiệp thương lần thứ hai

- Thời gian thực hiện: Chậm nhất là 19/3/2021 (65 ngày trước ngày bầu cử).

- Cơ quan thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ hai như thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

- Nội dung: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Nội dung, thủ tục chi tiết theo quy định tại Điều 18 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN

Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri thực hiện theo Điều 45 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 1186/2021/NQ-UBTVQH14, Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Sau Hội nghị hiệp thương, Biên bản phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử tỉnh.

c) Hội nghị hiệp thương lần thứ ba

- Thời gian thực hiện: Chậm nhất là 18/4/2021 (35 ngày trước ngày bầu cử).

- Cơ quan thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ ba như thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

- Nội dung: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Nội dung, thủ tục chi tiết theo quy định tại Điều 26 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN

- Sau Hội nghị hiệp thương, Biên bản phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử tỉnh.

5.2. Đối với hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

a) Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

- Thời gian thực hiện: Chậm nhất là 17/02/2021 (95 ngày trước ngày bầu cử)

- Cơ quan thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Thành phần: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.

- Nội dung:

+ Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, ở cấp huyện thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn.

+ Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp xã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, ấp, khu phố trên địa bàn.

+ Nội dung chi tiết theo Điều 5 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN

- Biên bản hội nghị hiệp thương ở tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử tỉnh. Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp huyện, cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.

b) Hội nghị hiệp thương lần thứ hai

- Thời gian thực hiện: Chậm nhất là 19/3/2021 (65 ngày trước ngày bầu cử).

- Cơ quan thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Thành phần: Như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

- Nội dung: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được ấp, khu phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Nội dung và thủ tục chi tiết theo Điều 20 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN.

Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo Điều 54 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, Nghị quyết số 1186/2021/NQ-UBTVQH14 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Việc gửi Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ hai thực hiện như việc gửi Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

c) Hội nghị hiệp thương lần thứ 3

- Thời gian thực hiện: Chậm nhất là 18/4/2021 (35 ngày trước ngày bầu cử).

- Cơ quan thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Thành phần: Như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

- Nội dung: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nội dung và thủ tục chi tiết theo quy định tại Điều 28 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN.

- Việc gửi Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba thực hiện như việc gửi Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

6. Tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử

- Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử: Trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22 tháng 02 năm 2021 và kết thúc vào 17 giờ 00 ngày 14 tháng 3 năm 2021. Riêng thứ 7, ngày 13 tháng 3 năm 2021 và Chủ nhật, ngày 14 tháng 3 năm 2021, Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực tiếp để nhận hồ sơ ứng cử.

- Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và theo đúng biểu mẫu quy định tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Hội đồng bầu cử Quốc gia hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu thấy hợp lệ theo quy định thì Ủy ban bầu cử tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

- Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu thấy hợp lệ theo quy định thì Ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.

Lưu ý: Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.

7. Việc lập và niêm yết danh sách cử tri

Việc lập và niêm yết danh sách cử tri được thực hiện theo quy định tại các Điều 31 và Điều 32 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó lưu ý:

- Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu.

- Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân.

- Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất là ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử), đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

8. Về vận động bầu cử

Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ.

Hình thức vận động bầu cử được thực hiện theo quy định tại Điều 65 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

9. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, khiếu nại tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử thực hiện theo Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp.

Đối với việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh để các cơ quan này giải quyết. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.

Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

10. Về tổ chức bầu cử

Các vấn đề liên quan đến tổ chức bầu cử như: thẻ cử tri, khu vực bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu, xác định phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ; báo cáo tình hình trong ngày bầu cử; biên bản xác định kết quả bầu cử; công bố kết quả bầu cử và tổng kết cuộc bầu cử ... thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thông tư số 01/2021/TT-BNV.

Các vấn đề liên quan đến Mẫu Hồ sơ ứng cử và hồ sơ ứng cử, nội quy phòng bỏ phiếu, mẫu thẻ cử tri và phiếu bầu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử thực hiện theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG.

11. Về công bố kết quả bầu cử  và xác nhận tư cách người trúng cử

Ủy ban bầu cử tỉnh công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban bầu cử ở cấp huyện công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp xã công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất ngày 02/6/2021 (10 ngày sau ngày bầu cử).

Ủy ban bầu cử xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

12. Tổng kết cuộc bầu cử

- Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh tổng kết và gửi báo cáo tổng kết bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, xã gửi báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Các địa phương tiến hành tổng kết từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22/6/2021.

- Ủy ban bầu cử tỉnh gửi báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở địa phương về Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân khóa mới, Ủy ban bầu cử trình Hội đồng nhân dân khóa mới báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân.

III. VỀ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Ủy ban bầu cử tỉnh thành lập Tiểu ban Tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021-2026. Tiểu ban Tuyên truyền có trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trong suốt thời gian thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định của các cơ quan trung ương.

Tích cực tuyên truyền để Nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh; nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia cuộc bầu cử để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Hình thức tuyên truyền phải đa dạng và phù hợp: Tuyên truyền trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng; cụm panô cổ động trực quan,….

Thời gian: Thực hiện xuyên suốt từ khi bắt đầu chuẩn bị công tác bầu cử cho đến khi kết thúc công tác bầu cử.

IV. VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ VÀ Y TẾ

Ủy ban bầu cử tỉnh thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế. Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế có nhiệm vụ giúp Ủy ban bầu cử tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự và y tế trong suốt thời gian thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021-2026.

Thời gian: Thực hiện xuyên suốt từ khi bắt đầu chuẩn bị công tác bầu cử cho đến khi kết thúc công tác bầu cử.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức phụ trách công tác bầu cử các cấp căn cứ vào Kế hoạch này và Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bầu cử để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm thực hiện tốt các bước đề ra.

2. Ủy ban bầu cử tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, kịp thời nắm bắt và báo cáo tình hình bầu cử ở các địa phương trong tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia biết, chỉ đạo. Thời gian: Bắt đầu từ tháng 3/2021 đến ngày bầu cử 23/5/2021.

Ủy ban bầu cử tỉnh, ở cấp huyện, cấp xã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trong việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh. Các thành viên Ủy ban bầu cử thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra công tác bầu cử; Ủy ban bầu cử kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử.

 

.
.
.